Cái chết của một chính trị gia làm nước đức "thức tỉnh"

ANTD.VN - Ông Walter Lubcke, một thành viên trong đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã bị một kẻ theo chủ nghĩa cực hữu bắn chết trong vườn nhà hồi tháng 6-2019. Kể từ đó, Đức đã đẩy mạnh các biện pháp chống chủ nghĩa cực đoan, nhưng như vậy liệu đã đủ?

Có vẻ như chính trị gia Walter Lubcke không có cơ hội trốn thoát khi tay súng Stephan E. tấn công vào sáng sớm 2-6-2019. Theo các công tố viên liên bang, “anh ta đã tiếp cận Walter Lubcke khi ông đang ngồi trên sân thượng. Nghi phạm rón rén đến gần và bắn vào đầu nạn nhân ở khoảng cách rất gần bằng khẩu súng lục ổ quay Rossi”.

Cái chết của một chính trị gia làm nước đức "thức tỉnh" ảnh 1Ông Walter Lubcke là chính trị gia đầu tiên bị một kẻ cực hữu người Đức sát hại

Đã nhiều lần bị dọa giết

Vụ giết người này được đánh giá là mang động cơ chính trị. Chính trị gia đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) 66 tuổi Lubcke là mục tiêu của những kẻ có tư tưởng hận thù dân tộc kể từ năm 2015, khi Đức phải đối mặt với dòng người tị nạn khổng lồ tràn vào nước này và ông Lubcke là một người thẳng thắn ủng hộ việc tiếp nhận họ.

Kể từ khi ông đứng về phía Thủ tướng Angela Merkel, ủng hộ chính sách hoan nghênh người tị nạn, những lá thư mang tư tưởng hận thù và cả dọa giết gần như trở thành chuyện thường ngày đối với Walter Lubcke. Có lẽ cao trào nhất là dự án thành lập một trung tâm lưu trú cho người tị nạn ở thị trấn nhỏ Lohfelden, gần ngôi làng nơi ông Lubcke sống.

Ông đã kiên quyết bảo vệ dự án tại một cuộc họp ở tòa thị chính, nơi một bộ phận lớn 14.000 cư dân địa phương nói rõ rằng họ không muốn có trung tâm tị nạn. Vụ ám sát chính trị gia Lubcke không giống các vụ giết người khác ở chỗ, đây là lần đầu tiên nước Đức thời hậu chiến có một chính trị gia bị một kẻ cực hữu người Đức sát hại. Trước đó, một số vụ việc tương tự đã xảy ra, nhưng thủ phạm là những người xin tị nạn hay thành viên của cộng đồng di cư.

Nghi phạm Stephan E. từng tham dự cuộc họp ở Lohfelden ban đầu thú nhận tội giết người, nhưng sau đó rút lại lời thú tội. Tuy nhiên, các công tố viên liên bang vẫn tin rằng hắn đúng là thủ phạm với động cơ rõ ràng: “Một thái độ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc dựa trên phân biệt chủng tộc và bài ngoại”. Hơn nữa, nhà chức trách thấy rằng Stephan E. đã quyết tâm “sử dụng vụ giết người để phát đi tín hiệu công khai chống lại nhà nước”.

Vụ ám sát chính trị gia Walter Lubcke xảy ra chỉ chưa đầy 1 năm sau khi kết thúc phiên tòa xử Beate Zschäpe, một nhân vật chủ chốt trong mạng lưới khủng bố cực hữu được gọi là Chủ nghĩa Xã hội quốc gia ngầm (NSU). Vào tháng 7-2018, Zschäpe đã bị kết án tù chung thân vì 7 năm liền tham gia vào các vụ án giết 10 người và 2 vụ đánh bom. Các vụ việc đều do Zschäpe và 2 đồng phạm cực hữu là Uwe Böhnhardt và Uwe Mundlos (đều đã chết vào năm 2011) lên kế hoạch và thực hiện.

Hành động cấp thiết

Mặc dù những vụ việc tương tự thỉnh thoảng có xảy ra, nhưng chính phủ và các cơ quan an ninh trong nhiều năm đã không coi đó là vấn đề nghiêm trọng. Chỉ đến khi xảy ra vụ ám sát ông Lubcke và vụ nổ súng hàng loạt tại một giáo đường ở thành phố phía Đông Halle vào tháng 10-2019, Chính phủ Đức mới đưa ra một kế hoạch hành động sâu rộng chống lại chủ nghĩa cực hữu.

Số liệu về tội phạm hình sự có động cơ chính trị vừa được Văn phòng Cảnh sát hình sự liên bang công bố gần đây cho thấy, việc đưa ra kế hoạch chống những kẻ cực hữu là cấp thiết. Hôm 19-2, cuộc tấn công mang tính phân biệt chủng tộc vào một số quán bar ở thành phố phía Tây Hanau đã khiến 10 người thiệt mạng. Chỉ 1 tháng sau, Chính phủ Đức đã đáp trả bằng cách thành lập một ủy ban đặc biệt để chống lại chủ nghĩa cực đoan và phân biệt chủng tộc. Ủy ban này nhóm họp lần đầu tiên vào cuối tháng 5-2020.

Phát ngôn viên chính phủ Steffen Seibert sau đó tuyên bố: “Vào tháng 11 năm nay sẽ có những biện pháp cụ thể để chống lại chủ nghĩa cực đoan và phân biệt chủng tộc”. Ông Timo Reinfrank, thành viên Quỹ Amadeu Antonio - được đặt theo tên một nạn nhân của bạo lực cực hữu - nói rằng, nhiệm vụ của ủy ban cần phải rộng hơn và phải có mục tiêu được xác định rõ ràng, chẳng hạn như giảm cụ thể số lượng tội phạm có động cơ chính trị trong 5 năm tới. 

Vụ ám sát chính trị gia Walter Lubcke khác với các vụ giết người khác ở chỗ đây là lần đầu tiên ở Đức thời hậu chiến, một chính trị gia đã bị một kẻ cực hữu người Đức sát hại. Trước đó, một số vụ việc tương tự đã xảy ra nhưng thủ phạm là những người xin tị nạn hay thành viên của cộng đồng di cư.