Cái chết bí ẩn của một nhà báo kỳ cựu người Anh

ANTĐ - Khi thi thể của nhà báo người Anh Jacqueline Sutton, 50 tuổi, được phát hiện trong nhà vệ sinh ở sân bay chính của Istanbul vào cuối tuần trước, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nguyên nhân là do tự tử. Tuy nhiên, những chi tiết mâu thuẫn và bí ẩn xung quanh trường hợp này dẫn đến những nghi ngờ rằng rất có thể đây là một vụ mưu sát.

Cái chết bí ẩn của một nhà báo kỳ cựu người Anh ảnh 1Hình ảnh được cho là bà Jacky Sutton trong đoạn video tại sân bay ở Istanbul


Đột tử tại sân bay

Jacqueline Sutton, quyền Giám đốc Viện Báo chí Chiến tranh và Hòa bình (IWPR) chi nhánh Iraq, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London đã đáp chuyến bay từ London tới Istabul trên máy bay của hãng hàng không Turkish Airlines khoảng 22h ngày 17-10. Đoạn video do camera giám sát thu được cho thấy, bà Sutton đi bộ qua khu vực quá cảnh của sân bay Ataturk với một ba lô và nói chuyện với nhân viên sân bay.

Người phụ nữ này đã lên kế hoạch đi du lịch tới Erbil ở miền Bắc Iraq khoảng 2 giờ sau đó, nhưng bà bị lỡ chuyến bay dù đã được gọi tên qua hệ thống loa phát thanh. Có thông tin cho rằng bà Sutton đã bật khóc khi đại diện hãng hàng không cho rằng bà phải mua vé mới. Thi thể của bà sau đó đã được 3 khách du lịch người Nga phát hiện trong nhà vệ sinh với dây giày quấn quanh cổ và móc chặt vào cửa nhà vệ sinh.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19-10 công bố rằng bà Sutton đã tự tử. Cái chết của bà Sutton khiến các đồng nghiệp ở IWPR và tất cả những ai biết bà đều cảm thấy sốc. Bà Sutton, 50 tuổi từng là nhà sản xuất và phát thanh viên của đài BBC, đồng thời đã trải qua nhiều vị trí khác nhau trong các tổ chức nhân đạo và Liên hợp quốc. Họ không thể tưởng tượng rằng Sutton - một nhà báo kỳ cựu, đã bôn ba ở nhiều nơi nguy hiểm như Iraq và Afghanistan, nói được 5 thứ tiếng và được cấp bằng tiến sỹ về chuyên ngành Ả Rập và Hồi giáo ở Đại học Quốc gia Australia lại có thể tự sát chỉ vì lỡ một chuyến bay.

Sự thật là bà đã trả tiền để mua vé mới từ Istanbul đến Erbil, thủ phủ của khu vực người Kurd phía Bắc Iraq. Theo tờ Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan chức năng còn tìm thấy 2.300 euro trong quần áo của bà. “Jacky (tên thường gọi của Jacqueline Sutton) có hai thẻ tín dụng và một khoản tiền mặt trong người, không có dấu hiệu của hành vi lục lọi hay mất đồ đạc”, đại diện IWPR cho biết.

Nghi ngờ bị IS sát hại 

Ông Sudipto Mukerjee, Giám đốc quốc gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Sierra Leone, một đồng nghiệp cũ của Sutton bày tỏ rằng: “Thật khó mà tin được bà Sutton, người thường xuyên đi du lịch lại tự tử”. “Dường như trong chuyện này có gì đó rất kỳ lạ”, ông Ian - anh trai của bà Sutton nói với tờ Telegraph của Anh. Còn Christian Bleuer, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Áo cho rằng, ông không theo thuyết âm mưu nhưng nếu người Thổ Nhĩ Kỳ nói camera an ninh một số chỗ tại sân bay Istanbul-Ataturk “trục trặc”, thì có thể Jacky Sutton đã bị sát hại.  

Cái chết bí ẩn của một nhà báo kỳ cựu người Anh ảnh 2

IWPR là tổ chức hỗ trợ các nhà báo địa phương trong vùng xung đột. Bà Sutton vừa đến   London để tham dự lễ tưởng niệm người tiền nhiệm của bà là Giám đốc IWPR ở Iraq,  ông Ammar Al Shabander đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Baghdad hồi tháng 5-2015. Vụ đánh bom đó bị  nghi là do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện. 

Rudaw, một hãng tin tức ở khu vực miền Bắc Iraq do người Kurd kiểm soát cho biết, bà Sutton thường công khai chỉ trích IS cũng như sự đối xử tệ hại của lực lượng khủng bố này đối với phụ nữ. Trong một cuộc phỏng vấn mà Rudaw phát mới đây có đoạn bà Sutton nói về phụ nữ Hồi giáo từ phương Tây gia nhập IS ở Syria và Iraq: “IS tuyên truyền để những phụ nữ này cảm giác rằng họ sẽ được đối xử bình đẳng hơn, họ sẽ được vinh danh và tôn trọng trong vai trò là mẹ, vợ, cô dâu hay chị em gái. Tuy nhiên, từ tuyên truyền đến thực tế khác xa nhau”.

IS đã bắt cóc và giết hại nhiều nhà báo phương Tây cũng như nhân viên cứu trợ ở Syria, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy các chiến binh thánh chiến liên quan đến cái chết của bà Sutton ở Istanbul. Tuy vậy, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không loại trừ khả năng đội quân khủng bố này đã cử người sát hại nữ nhà báo Anh.