Cái bắt tay lợi ích Nga - Trung Quốc

ANTD.VN - Việc Mỹ trừng phạt các công ty của Nga và Trung Quốc với cáo buộc “vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên” càng đẩy thêm Matxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau để hợp lực ứng phó với Washington.

Matxcơva và Bắc Kinh ngày càng xích lại gần nhau để gia tăng sức mạnh ứng phó với Washington

Bộ Tài chính Mỹ ngày 15-8 công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty Nga và Trung Quốc mà cơ quan này cho rằng vi phạm lệnh cấm vận kinh tế Triều Tiên. Đây được xem là biện pháp mới của Mỹ nhằm tìm cách tăng cường thêm sức ép đối với Triều Tiên để buộc quốc gia này phải thực hiện những cam kết về từ bỏ chương trình hạt nhân đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore. 

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Công ty Dalian Sun Moon Star International Logistics Trading trụ sở ở Trung Quốc và chi nhánh SINSMS ở Singapore làm giả giấy tờ để tạo thuận lợi cho các chuyến hàng “bất hợp pháp” vận chuyển rượu và thuốc lá đến Triều Tiên. Công ty Profinet ở Nga cũng bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt khi cung cấp dịch vụ hải cảng cho các tàu treo cờ Triều Tiên, những tàu trong danh sách bị trừng phạt. 

Trước đó, Mỹ cũng đã công bố áp đặt trừng phạt ngân hàng thương mại Agrosoyuz có trụ sở tại Matxcơva, chủ ngân hàng người Triều Tiên Ri Jong Won, Công ty Dandong Zhongsheng Industry & Trade có trụ sở tại Trung Quốc và Tập đoàn Korea Ungum có trụ sở tại Triều Tiên. Theo Washington, các công ty và cá nhân đã có hoạt động trao đổi với những thực thể trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc. 

Việc chính quyền Mỹ liên tiếp áp đặt các công ty và cá nhân ở Nga và Trung Quốc với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc trong bối cảnh nước này đang gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 

Washington tuyên bố sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cho tới khi Bình Nhưỡng hoàn tất việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa và có kiểm chứng.

Trong khi đó, là các bên có liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như có quan hệ truyền thống với Bình Nhưỡng, Trung Quốc và Nga lại có quan điểm và cách tiếp cận khác Washington trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, Nga và Trung Quốc đã đề xuất thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. 

Trên thực tế, nhiều công ty và thực thể tại Trung Quốc và Nga vẫn có các hoạt động làm ăn với Triều Tiên trong các lĩnh vực mà hai quốc gia này cho rằng không vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế. Nga và Trung Quốc vì thế đã phản đối gay gắt đề xuất của Mỹ bổ sung các công ty và thực thể ở hai nước này vào “danh sách đen” trừng phạt của Liên hợp quốc. 

Những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với các công ty “vi phạm lệnh cấm của Liên hợp quốc”, theo nhìn nhận từ Bắc Kinh và Matxcơva không chỉ nhằm chống Triều Tiên mà còn thể hiện cách hành xử, áp đặt với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế. Trừng phạt còn là quân bài mà chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng thường xuyên nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa Mỹ với cả Nga và Trung Quốc.

Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà tại cuộc tham vấn an ninh chiến lược Nga-Trung ngày 15-8 tại Matxcơva, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev đã cam kết hợp tác đảm bảo trật tự quốc tế “công bằng và bình đẳng”. Đây được xem là tín hiệu cho thấy Matxcơva và Bắc Kinh sẽ bắt tay nhau để gia tăng sức mạnh ứng phó một khi lợi ích sát sườn của họ bị Washington đe dọa hay làm tổn hại.