Kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga:
Cách mạng tháng Mười với số phận của tôi
(ANTĐ) - Ngày 7-11, hàng triệu người không chỉ ở nước Nga mà trên khắp thế giới, kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, sự kiện đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước chủ nghĩa xã hội đầu tiên trên thế giới. Dưới chế độ này, nước Nga đã nhanh chóng trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới, nơi những người bình thường đều có thể có những cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, được cống hiến khả năng và thụ hưởng những thành quả của sự sáng tạo. Trong dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này, tờ báo “Rabotraia Gazeta” của Nga đã gặp gỡ một số người với câu hỏi: “Cách mạng tháng Mười Nga có ý nghĩa như thế nào với số phận của bạn?”.
Iuri Kaiurov – Nghệ sỹ Công huân Liên Xô:
Cách mạng tháng Mười vĩ đại đã đem lại cho tôi tất cả những gì tôi đạt được trong cuộc đời.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Vệ quốc, cha tôi đã tình nguyện gia nhập dân quân để chống phát xít và ông đã hy sinh vào năm 1941. Lúc đó, tôi, với mong muốn giúp đỡ mẹ, đã bỏ học dở chừng khi đang học lớp 7 để vào học ở trường dạy nghề. Tôi trở thành thợ tiện, làm việc tại nhà máy Vulcan. Sau đó, tôi theo học một khóa học về mìn và đạn pháo để phục vụ cho tiền tuyến. Năm 1944, tôi vào học tại Trường Hải quân, sau đó phục vụ tại hạm đội “Rạng Đông” huyền thoại. Năm 1949, tôi xuất ngũ và vào học tại trường đại học sân khấu mang tên Oxtrovxki tại Leningrad.
Lý do mà tôi bắt đầu được mọi người biết tới cũng liên quan đến Cách mạng tháng Mười, đó là sau khi tôi đóng vai Lê Nin trong bộ phim “Những năm đầu thế kỷ”. Từ lúc đó, vị lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười đã gắn liền với số phận của tôi. Tôi đã đóng vai Lê Nin trong 18 bộ phim truyện nhựa khác.
Tôi luôn ngưỡng mộ Lê Nin và Nhà nước do Người xây dựng – nhà nước đem lại công bằng xã hội đầu tiên và duy nhất trên thế giới, nơi tôn vinh giá trị của con người lao động.
Không khí hào hùng của những ngày Cách mạng tháng Mười Nga cách đây 90 năm |
Zoia Pukhova - thợ dệt, Anh hùng Lao động Liên Xô:
Trong cuộc đời của những người thuộc thế hệ chúng tôi, Cách mạng tháng Mười vĩ đại luôn là một ký ức tốt đẹp không bao giờ phai. Tôi học tiểu học khi chiến tranh Vệ quốc bắt đầu. Sau chiến tranh là một khoảng thời gian rất khó khăn, nhưng tôi vẫn còn nhớ là trường học không thu bất kỳ một khoản phí nào từ phụ huynh học sinh. Tất cả đều không phải trả tiền, kể cả học nghề và cao học. Những người xuất sắc còn có mức học bổng khá cao. Sau khi tốt nghiệp đại học, ai cũng được đảm bảo chỗ làm việc. Ngày nay, những sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không dám mơ về điều này.
Phần lớn thời gian trong cuộc đời tôi đã làm việc cần mẫn và hăng say trong nhà máy dệt. Từ một công nhân đứng máy dệt, tôi đã trở thành đại biểu Xô viết tối cao (Quốc hội Liên Xô trước đây – nd). ý nghĩa của điều này là ở chỗ những người lãnh đạo đất nước đã quan tâm tới cả những người thợ dệt bình thường. Và một cô thợ dệt như tôi đã được tham gia vào việc hoạch định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Lao động đã được đánh giá một cách xứng đáng. Cả đất nước đã biết đến những người công nhân, thợ xây, thợ vắt sữa, thợ làm bánh giỏi. Mọi người tự hào với danh hiệu công nhân của mình. Họ được an dưỡng ở những khu nghỉ mát tuyệt vời, được hưởng những khoản tiền lương xứng đáng với cống hiến của họ.
Tôi rất muốn tin rằng sẽ có một thời kỳ mà những thế hệ công nhân tương lai sẽ được tôn vinh như trong thời kỳ Xô viết.
Nhicolai Pencov - Nghệ sỹ nhân dân LB Nga:
Chính quyền Xô viết có thể coi như người mẹ của nhân dân lao động. Chính lao động và chỉ có lao động mới là thước đo giá trị của con người. Và điều này là biểu hiện cao nhất của sự công bằng xã hội.
Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật luyện kim, tôi đi làm theo sự phân công công tác tại một nhà máy ở thành phố nhỏ tên là Magnhitogor. Tôi đến Nhà máy đúng vào ngày nghỉ, mà lúc đó tôi chỉ còn vẻn vẹn 2 rúp ở trong túi. Khi tôi đến Phòng tổ chức, người bảo vệ niềm nở dẫn tôi tới phòng kỹ sư trưởng để nghỉ tạm, rồi chuẩn bị thức ăn, đồ uống rất chu đáo. Ngay ngày hôm sau nhà máy đã bố trí cho tôi một chỗ ở trong khu tập thể dành cho các chuyên gia trẻ.
Tôi, một kỹ sư vừa ra trường, vậy mà lúc nào cũng có thể trực tiếp đến gặp Giám đốc Nhà máy để đề đạt nguyện vọng. Mức lương không những đủ để cho tôi sống tươm tất, mà còn có thể tích lũy. Khi tôi quyết định bỏ việc để học trường nghệ thuật, mẹ tôi đã khóc, bởi lúc đó ngay lương một công nhân cũng có thể đủ nuôi sống cả gia đình. Và còn một điều khác quan trọng hơn, đó là chính quyền Xô viết mang đến một tương lai không chỉ là sự đảm bảo về khả năng tài chính, mà còn là những điều kiện tối ưu để phát triển tài năng của mỗi người. Mỗi con người bình thường đều có thể trở thành một nghệ sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư hay nhà du hành vũ trụ, và tất cả quá trình đào tạo đều không mất tiền.
Minh Hoàng (dịch)