Cách ghi điểm trong mắt người dân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

ANTD.VN - Lặng lẽ lắng nghe một cuộc điện thoại gọi tới đường dây nóng cầu cứu vì bạo lực gia đình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nổi giận vì cảnh sát không giúp người vợ bị bạo hành và lập tức ra lệnh điều tra vụ việc. Dù bận nhiều việc, nhưng nhà lãnh đạo nước Pháp vẫn có những chuyến vi hành để thêm gần gũi với cuộc sống của người dân.

Tổng thống Emmanuel được đánh giá là khôn khéo và biến hóa trong xây dựng hình ảnh chính trị của mình

Thất bại với “nỗi nhục của nước Pháp”

Đó là chuyến thăm trung tâm đường dây nóng về bạo lực gia đình của ông Macron ở Paris hôm 3-9. Tại đây, Tổng thống Macron trực tiếp chứng kiến một phụ nữ 57 tuổi gọi tới cho biết, bà bị chồng dọa giết sau nhiều năm liên tục đánh đập nên muốn chuyển ra ngoài sống. Nạn nhân bạo lực gia đình này trình bày, bà đã tìm tới đồn cảnh sát địa phương đề nghị giúp đỡ đưa về nhà thu dọn đồ đạc cá nhân để chuyển tới sống ở nơi khác, nhưng cảnh sát từ chối.

Hãng Guardian của Anh cho biết, nhân viên trực đường dây nóng sau đó đã gọi điện đến đồn cảnh sát nơi người phụ nữ nọ đang tạm trú. Nhân viên này mất 15 phút thuyết phục viên sĩ quan cảnh sát đến giúp người phụ nữ, nhưng bất thành. Phía cảnh sát địa phương cho hay, họ không có quyền can thiệp và cần có quyết định của tòa án để hỗ trợ, mặc dù không hề có quy định này.

Tổng thống Macron đã im lặng lắng nghe cuộc trao đổi, sau đó ông viết một mẩu giấy và đưa cho người trực tổng đài với nội dung: “Cảnh sát phải bảo vệ người dân nếu có mối đe dọa hiện hữu, dù có hay không lệnh của tòa án”. Khi được Tổng thống Macron hỏi về những trường hợp tương tự, nhân viên trực tổng đài cho biết, việc cảnh sát từ chối giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành gia đình đang có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê, ít nhất 100 phụ nữ tại Pháp đã bị chồng, người yêu, hoặc người yêu cũ sát hại trong năm 2019. Trong một sự kiện hồi tháng 7-2019, Tổng thống Macron từng gọi nạn bạo lực gia đình là “nỗi nhục của nước Pháp”.

Ngay trong ngày 4-9, cảnh sát Pháp đã mở cuộc điều tra đối với vụ việc được Tổng thống Macron gọi là “sự thất bại” và cho thấy sự thiếu hiểu biết về tình trạng bạo lực gia đình trong lực lượng thực thi pháp luật. Đó chỉ là một trong những chuyến vi hành của ông, thể hiện sự quan tâm, gần gũi đến đời sống người dân, từ đó ngày càng củng cố sự ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền.

Thay đổi để hợp lòng dân

Phải nói ngay từ thời kỳ mới nắm quyền, ông Macron đã khiến nhiều người không mấy thiện cảm. Nhà lãnh đạo này bị cho là Tổng thống của người giàu. Ông giữ hình ảnh sang trọng, xa rời người dân, thường xuyên đón tiếp các cuộc họp ngoại giao hoặc truyền tải thông điệp toàn quốc ở phòng dát vàng của điện Elysee. Người ta còn nhớ, năm 2018, chỉ trao đổi vài câu ngắn gọn với một thanh niên đang háo hức được gặp ông trực tiếp, ông Macron đã nghiêm khắc nhắc nhở chàng trai không được gọi bằng tên thân mật mà phải gọi là “ngài Tổng thống”.

 Phải nói ngay từ lúc mới nắm quyền, ông Macron đã khiến nhiều người không mấy thiện cảm. Nhà lãnh đạo này bị cho là “Tổng thống của người giàu”. Ông giữ hình ảnh sang trọng, xa rời người dân, thường xuyên đón tiếp các cuộc họp ngoại giao hoặc truyền tải thông điệp toàn quốc ở phòng dát vàng của điện Elysee. Tuy nhiên, ông Macron đã biết cách biến hóa hình ảnh chính trị của mình một cách rất linh hoạt, nhất là sau phong trào biểu tình Áo vàng khiến nước Pháp lao đao.

Tuy nhiên, phong trào biểu tình Áo vàng khiến nước Pháp lao đao hồi đầu năm đã giúp Tổng thống Pháp nhận ra mình cần phải thay đổi. Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, người biểu tình quậy phá khắp Paris, Tổng thống Pháp đã kêu gọi một cuộc đối thoại với quy mô toàn quốc giữa chính phủ và nhân dân, đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước Pháp và là hành động rất được lòng quần chúng Pháp. Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, ông Macron đã biết cách biến hóa hình ảnh chính trị của mình một cách rất linh hoạt.

Trung tuần tháng 1-2019, ông Macron đã không báo trước mà đến dự một cuộc họp tại Tòa thị chính của khoảng 250 người ở thị trấn nhỏ phía Nam Bourg-de-Peage, trả lời các câu hỏi và đưa ra các chính sách của mình trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Khi đó, ông Macron thường bị các đối thủ của mình tố cáo là “Tổng thống của người giàu” do chính sách thân thiện với doanh nghiệp và cắt giảm thuế cho người giàu, vốn là tâm điểm của sự tức giận của những người biểu tình Áo vàng. Nhưng vị Tổng thống từ tốn kể lại câu chuyện cuộc đời mình khi còn là con trai của một bác sĩ tỉnh lẻ.

“Các bạn biết đấy, tôi sinh ra không phải là người thừa kế. Nếu là quý tử con nhà giàu hay con trai một chính trị gia thì có thể nói như vậy được, nhưng trường hợp của tôi không phải thế” - ông nói. Sự gần gũi và ôn hòa của ông Macron đối lập hoàn toàn với những đám đông giận dữ và bất cần với chiếc áo vest vàng đang biểu tình tại trung tâm Paris ngày hôm đó.

Cách làm chính trị của ông Macron cho thấy, đã có sự phối hợp giữa cứng rắn và ôn hòa. Ông đáp ứng các yêu sách của Áo vàng, nhưng không đáp ứng tất cả. Những yêu cầu về quyền lợi của người lao động được thông qua rất nhanh chóng, nhưng những yêu sách liên quan đến đường lối chính trị, ngoại giao của Paris thì không được chấp nhận. Từng bước một, Tổng thống Macron đã lật ngược thế cờ và đẩy phe Áo vàng vào thế yếu mà không cần phải sử dụng đến các biện pháp khắc nghiệt.