Các quốc gia trên thế giới cảm thông với Trung Quốc ở thời điểm khó khăn đối mặt với dịch bệnh Corona

ANTD.VN - Các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á đã có cách tiếp cận thận trọng và hợp lý đối với sự bùng phát của virus Corona mới ở Trung Quốc, trái với quan điểm có phần tiêu cực của một số nước phương Tây, các nhà phân tích Trung Quốc cho biết.

Thành phố Vũ Hán chuyển đổi một số sân vận động và khu triển lãm thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân virus Corona mới

Một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Singapore, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Campuchia đã áp dụng một số lệnh hạn chế đi lại với Trung Quốc, bao gồm cấm bay và hạn chế thị thực sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm phổi do virus Corona mới là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Mặc dù WHO tuyên bố rõ ràng rằng họ không khuyến nghị hạn chế giao thương và du lịch đến Trung Quốc, nhưng các biện pháp của các quốc gia này có thể hiểu được khi họ tiếp xúc với một lượng lớn du khách Trung Quốc.

Thái độ thận trọng, đúng mực

Trong bối cảnh dịch do virus nCoV-2019 lây lan mạnh, Philippines ra lệnh cấm 2 chiều đối với việc du lịch tới Trung Quốc cũng như tất cả các công dân Trung Quốc tới nước này. Singapore ngừng cấp visa cho công dân Trung Quốc. Myanmar dù chưa có ca nhiễm nào được xác nhận cũng tạm cấm du khách trên mọi miền Trung Quốc, đồng thời sơ tán 59 du học sinh tại Vũ Hán.

Nhìn chung, các nước Đông Nam Á đều có biện pháp cứng rắn để phòng ngừa dịch bệnh nhưng cũng thể hiện rõ ràng thái độ ủng hộ người dân Trung Quốc chống dịch. “Phản ứng từ các nước Đông Nam Á là bình thường và hợp lý”, ông Zhuang Guotu, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á học tại trường Đại học Hạ Môn nói với Thời báo Hoàn cầu ngày 4-2. Chuyên gia này lưu ý rằng một số quốc gia đã thể hiện sự ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh, trong đó lãnh đạo của các nước Đông Nam Á đã công khai tuyên bố tin tưởng vào khả năng Trung Quốc sẽ chiến thắng bệnh dịch.

Trong bài phát biểu ngày 1-2, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng Singapore tự tin sẽ kiểm soát bệnh dịch, đồng thời tin tưởng rằng Trung Quốc và các nước khác sẽ hợp tác để giành chiến thắng. “Tư tưởng bài Trung Quốc hiện nay thật ngốc nghếch và phi logic. Mặc dù virus khởi phát từ Vũ Hán, nhưng nó bất chấp quốc tịch hay chủng tộc. Virus không kiểm tra hộ chiếu của bạn trước khi xâm nhập vào trong cơ thể. Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh”, ông Lý Hiển Long nói với Straits Times. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 3-2 cũng đã đả kích tư tưởng bài Trung Quốc do dịch bệnh. “Trung Quốc đã đối xử tốt với chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ có thể thể hiện sự ưu ái tương tự với họ”, tờ Japan Times trích lời ông Duterte nói.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen thậm chí còn có kế hoạch đến thăm Vũ Hán trong chuyến thăm Trung Quốc sau chuyến đi tới Hàn Quốc, miễn là kế hoạch được phía Trung Quốc cho phép, một nhà ngoại giao Campuchia yêu cầu giấu tên nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 4-2. Bàn về thông tin này, ông Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh cho rằng, đề nghị thăm Vũ Hán của ông Hun Sen hiện tại không thể thực hiện được do tình hình nghiêm trọng, nhưng “thái độ thân thiện và tích cực của ông cần được trân trọng”. 

Sự cảm thông ở thời điểm khó khăn

Tuy nhiên, ông Gu Xiaosong, chuyên gia về nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây nhận định, trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á bày tỏ sự thông cảm với Trung Quốc trong khi một số quốc gia như Mỹ và Australia sơ tán công dân khỏi Vũ Hán và dừng các chuyến bay.

Mỹ là quốc gia đầu tiên cấm công dân nước ngoài, không chỉ công dân Trung Quốc tới từ Trung Quốc nhập cảnh và cũng là nước đầu tiên di tản các nhà ngoại giao khỏi Trung Quốc. Một số nước khác cũng đưa ra quyết định tương tự, thậm chí có những động thái được đánh giá là hơi thái quá. “Tôi không nghĩ những nỗ lực chống Trung Quốc như vậy sẽ thành công”, ông Gu nói.

Ngược lại, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã chia sẻ với Trung Quốc trong thời điểm khó khăn này. Đại sứ Nepal, Hy Lạp và Bulgaria tại Trung Quốc khẳng định các quốc gia của họ không hạn chế công dân Trung Quốc nhập cảnh, nhưng du khách Trung Quốc sẽ được kiểm tra y tế. “Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại virus Corona mới và hoàn toàn tin tưởng vào khả năng kiểm soát bệnh dịch của Trung Quốc”, Đại sứ Grigor Porozhanov bày tỏ.

Nhật Bản cũng đã được người dân Trung Quốc khen ngợi vì đã ủng hộ Trung Quốc ngăn chặn virus, mặc dù số người mắc virus Corona mới ở Nhật Bản đứng đầu trong tổng số ca nhiễm ngoài Trung Quốc. Bà Hoa Xuân Oánh, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Chính phủ và xã hội Nhật Bản đã dành nhiều thiện cảm, cảm thông và hỗ trợ cho Trung Quốc. “Tại thời điểm khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi chân thành cảm ơn và sẽ nhớ mãi sự cảm thông, hiểu biết và hỗ trợ của các quốc gia và dân tộc khác”, bà Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Khó xử vì lợi ích kinh tế, ngoại giao

Hãng tin Bloomberg cho rằng các quốc gia kém phát triển hơn buộc phải chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với vấn đề nhập cảnh từ Trung Quốc, do phải cân nhắc giữa mối quan tâm về sức khỏe với tình hình kinh tế và chính trị trong nước.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên họ là đối tác thương mại cũng như nguồn khách du lịch lớn nhất của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Những quốc gia và vùng lãnh thổ chịu sự ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc này nếu áp dụng biện pháp ngăn cấm du khách Trung Quốc, phải đối diện nguy cơ sụt giảm doanh thu và tăng trưởng nói chung. 

Có thể lấy ví dụ, Campuchia được cho là đối tác đáng tin cậy nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Đến nay, Campuchia đã thu hút khoảng 8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc từ năm 2016 tới 2019, chiếm 1/3 tổng FDI của Campuchia. Do vậy, việc cấm bay đối với Trung Quốc có thể “hủy hoại nền kinh tế của Campuchia và ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”, theo nhận định từ Văn phòng Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Mặt khác, các biện pháp hạn chế đó cũng có khả năng tạo ra căng thẳng ngoại giao, do giới chức Trung Quốc vừa phải chống dịch virus Corona, vừa tìm cách giữ hình ảnh của quốc gia trên toàn cầu. “Các nước cũng rất cẩn trọng với cách họ đưa ra quy định giới hạn du khách nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh cũng như các hậu quả địa chính trị”, Bloomberg ngày 4-2 dẫn lời Kaho Yu, nhà phân tích cấp cao tại Công ty Tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft.

Đơn cử, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ban bố tình trạng cảnh báo cao nhất, khuyến cáo công dân ngưng đến Trung Quốc, ngang với cảnh báo dành cho các địa điểm như Iraq và Afghanistan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. “Hành động và lời nói của Mỹ không hề dựa trên thực tế, cũng không giúp ích gì trong giai đoạn này”, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói. Vì vậy trong bối cảnh tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu tiến triển mang tính bước ngoặt trong nhiều tháng tới, cả Trung Quốc lẫn đối tác đều thiệt hại như nhau nhưng bài toán cân bằng giữa các biện pháp ưu tiên chống dịch và duy trì quan hệ với Trung Quốc vẫn là chủ đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.