Các quốc gia đối phó với mối đe dọa từ không gian mạng

ANTD.VN -  Thiệt hại do các cuộc tấn công nhằm vào không gian mạng có thể gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Các tin tặc được tổ chức và hoạt động có mục đích cả về mặt chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều nước trên thế giới đã tăng cường các biện pháp sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa đến từ không gian mạng.

Mỹ: Không gian mạng là một mặt trận

Tại Mỹ, ngày 20-9-2018, Nhà Trắng đã công bố chiến lược an ninh mạng mới, trong đó nêu rõ ưu tiên phòng thủ của Chính phủ liên bang và cam kết tăng cường tấn công chống lại các tin tặc nước ngoài. Chiến lược an ninh mạng của Mỹ sẽ hướng dẫn các cơ quan liên bang cách tự bảo vệ những dữ liệu của mình cũng như của người dân.

Chính sách mới cũng vạch ra một loạt đường hướng ưu tiên của Chính phủ Mỹ, trong đó có sự cần thiết phải phát triển chính sách Internet toàn cầu và lực lượng an ninh mạng tinh nhuệ trong nước. Trong thời gian qua, Mỹ đã xem không gian mạng như một mặt trận, tương tự như các trận địa trên không, trên biển và trên bộ. 

Đức: Nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu về lịch sử truy cập

Tại châu Âu, tháng 7-2015, Quốc hội Đức đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Luật An ninh mạng của Đức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu và phải được Văn phòng Bảo mật Thông tin Liên bang (BSI) chứng nhận. Các công ty cũng phải thông báo cho Văn phòng về các vụ tấn công mạng bị nghi ngờ trên hệ thống của họ.

Trong luật mới có những điều, khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng Internet như cấm âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia, cấm xúi giục hành vi phạm tội. Ngoài ra, luật mới buộc các nhà cung cấp viễn thông phải cảnh báo khách hàng khi họ bị tin tặc tấn công, các nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu về lịch sử truy cập lên đến 6 tháng để phục vụ điều tra.

Anh: Áp dụng mức phạt lên tới 23 triệu USD

Tại Anh, Luật Tăng cường an ninh mạng của nước này quy định, các công ty sẽ phải triển khai nhiều biện pháp chặt chẽ phòng ngừa các mối đe dọa tấn công mạng. Bên cạnh đó, họ phải báo cáo về việc bị tấn công, cũng như sự cố mất mạng tới các cơ quan quản lý trong vòng 72 giờ, nếu không sẽ đối diện mức phạt lên tới 23 triệu USD…

Nhật Bản: Công khai đánh giá mục tiêu tiềm năng của các vụ tấn công mạng

Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua đã đề ra chiến lược 3 năm nhằm đối phó với khả năng xảy ra tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng trước thềm Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Những cơ sở này bao gồm hệ thống cấp điện, cấp nước và sân bay…, sẽ được xác định là mục tiêu tiềm năng của các vụ tấn công mạng theo thang đo 5 độ từ 0 đến 4.

Đánh giá này sẽ được công khai, nhờ đó các mục tiêu tiềm năng có thể đề phòng khả năng xảy ra tấn công. Nhằm đối phó với mối đe dọa trên, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ xây dựng trung tâm thu thập thông tin và điều phối hoạt động ngăn chặn tấn công mạng. Bên cạnh đó, Tokyo hối thúc khu vực công và tư chia sẻ thông tin ở trong và ngoài nước nhằm ngăn chặn trước các vụ tấn công.

Singapore: Chủ động ứng phó với các mối đe dọa và sự cố

Là đất nước đang hướng tới trở thành quốc gia thông minh, Luật An ninh mạng của Singapore ban hành năm 2017 cho phép Cơ quan An ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia; được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe dọa và sự cố.

Thái Lan: Đề xuất thành lập Ủy ban An ninh mạng quốc gia

Chính phủ Thái Lan đã đề xuất dự luật an ninh mạng cho phép thành lập một cơ quan của Chính phủ có đầy đủ quyền hạn để giám sát độc lập các kết nối Internet và quản lý lĩnh vực này. Theo dự luật, Thái Lan sẽ thành lập Ủy ban An ninh mạng quốc gia (NCSC) có đầy đủ quyền hạn thực hiện các hoạt động giám sát kết nối Internet, yêu cầu gỡ các nội dung không phù hợp và tịch thu các máy tính vi phạm mà không cần sự cho phép của tòa án.

NCSC được phép tiếp cận các máy tính của cá nhân hoặc của các công ty tư nhân, sao chép thông tin và truy cập các tài sản cá nhân mà không cần lệnh của tòa. Ủy ban này cũng có thể triệu tập các doanh nghiệp hoặc cá nhân để thẩm vấn và yêu cầu trình báo, giao nộp những thông tin cần thiết. Những người không hợp tác sẽ phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc.