Các nữ sinh Chibok quay về từ địa ngục

ANTĐ - Đã 2 năm kể từ khi nhóm phiến quân Boko Haram đột nhập một trường học bắt đi 276 nữ sinh ở thị trấn Chibok, tại Nigeria. Tuy vậy, đến cuối tháng 4-2016, một số gia đình mới thực sự tin rằng con mình còn sống. Đó là tia hy vọng cho một số bậc cha mẹ ở Chibok, nhưng việc đón nhận các phụ nữ này trở về với gia đình còn gặp nhiều thách thức.

 

Những người mẹ Nigeria xúc động khi thấy hình ảnh con gái bị bắt cóc vẫn còn sống 

Thắp lên hy vọng

 “Saratu con gái tôi”, bà Rifkatu Ayuba nghẹn ngào khi ngắm hình ảnh cô con gái 17 tuổi của mình trên chiếc máy tính xách tay. Trong 2 năm qua, chưa bao giờ bà được thấy con ở khoảng cách gần như thế. “Nếu được, tôi chỉ muốn gỡ nó ra khỏi màn hình để về với tôi”, người mẹ thốt lên. Saratu Ayuba là một trong số 15 cô gái xuất hiện trong đoạn băng hình được thực hiện từ cuối tháng 12 năm ngoái như một phần của cuộc đàm phán giữa Chính phủ với nhóm Boko Haram. 

Trong một đoạn video mà những kẻ bắt cóc gửi cho các nhà đàm phán của Chính phủ về “bằng chứng sống”, 15 cô gái, lần lượt từng người một tự giới thiệu về mình. Đoạn băng được phát để những bậc cha mẹ của các cô gái sau 2 năm mòn mỏi chờ đợi thắp lên hy vọng rằng con gái họ vẫn còn sống và để thúc giục Chính phủ nỗ lực, cương quyết hơn nữa trong việc giải thoát cho các con tin.

Sự việc xảy ra hồi tháng 4-2014, khi 276 nữ sinh ở Chibok, Nigeria bị bắt cóc từ ký túc xá trong đêm đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Hồi ấy, các bậc phụ huynh đã lần theo dấu vết con mình đến bìa rừng Sambisa. Nhưng khu rừng vẫn là lãnh địa đầy nguy hiểm của các chiến binh Boko Haram.

Quân đội Nigeria đã mở nhiều cuộc tìm kiếm quy mô, lực lượng tình báo cũng được triển khai để lần theo từng manh mối cũng như được sự hỗ trợ của 30 chiếc máy bay không người lái làm nhiệm vụ do thám. Tuy vậy, câu hỏi hiện các nữ sinh Chibok đang ở đâu vẫn là một thách thức đối với nhà chức trách Nigeria. 

Vượt qua nhiều rào cản

Thông tin các nữ sinh Chibok còn sống là tia hy vọng cho một số bậc cha mẹ ở Chibok, nhưng làm sao để giúp các cô gái trẻ này trở về hòa nhập với cộng đồng cũng cần phải tính đến. 

Dyan Mazurana, chuyên viên nghiên cứu tại trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, Hoa Kỳ cho rằng, không ai biết chắc chắn những gì đã xảy ra với các cô gái Chibok trong 2 năm qua, khi mà phần lớn bọn họ đều rơi vào cảnh hôn nhân cưỡng bức, bị hiếp dâm, lạm dụng thể chất và tinh thần hay ép buộc có thai.

Chiến thuật của Boko Haram là như vậy. “Chúng bắt cóc, lạm dụng phụ nữ như một cách khủng bố dân chúng để buộc họ phải hành xử theo cách mà chúng muốn, đồng thời là cách củng cố tổ chức hoặc giữ chân các thành viên nhóm”, bà Dyan Mazurana phân tích. 

Bà Mazurana cho rằng, những phụ nữ bị giam cầm này thực sự phải sống với bạo lực còn hơn những thanh niên trực tiếp đi chiến đấu. Chính những đứa con là lời nhắc nhở hàng ngày về mối liên hệ của họ với nhóm khủng bố. Điều đó cũng có nghĩa là các cô gái trẻ, quay trở lại cộng đồng với đứa con sinh ra trong thời kỳ bị bắt cóc đối mặt với thách thách hơn, bởi khi tái hòa nhập, họ gặp khó khăn hơn so với thanh niên nam giới. 

Đặc điểm khác là những cô gái này thường bị bắt giữ lâu hơn so với các tay súng nhỏ tuổi là các bé trai. Trong nghiên cứu của mình, bà Mazurana cho hay, có lúc bà đã chứng kiến những nhóm vũ trang giải phóng hàng trăm binh lính trẻ em cùng lúc, nhưng tất cả chỉ có chưa đầy 5 cô gái được thả.

“Khi những cô gái này trở về, đặc biệt là khi họ về cùng với con, cộng đồng luôn nhìn họ với định kiến là có liên quan với tổ chức khủng bố. Vì thế, những chiến binh trẻ em nam sau này hàn gắn vết thương tâm lý nhanh hơn, dễ tìm được việc và xây dựng cuộc sống mới tốt hơn so với phụ nữ”.

Cùng với đó, Boko Haram cũng ngày càng sử dụng trẻ em vào việc đánh bom tự sát. Một nghiên cứu mới của UNICEF cho thấy số lượng trẻ em tham gia vào các vụ tấn công tự sát ở Nigeria, Cameroon, Chat và Niger đã tăng 10 lần trong năm qua. Và trong số này, 75% là nữ. Những con tin này thường được coi là mối đe dọa an ninh khi được thả về nhà và sự không tin tưởng của cộng đồng trở thành rào cản trong việc hòa nhập cuộc sống của thế hệ tiếp theo.