Các cựu lãnh đạo ngân hàng lĩnh án vì chiếm đoạt hơn 113 tỷ rúp

ANTD.VN -  Cuối tháng 12-2015, cựu Chủ tịch Ngân hàng Vneshprombank của Nga Larisa Markus và cựu Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Bộ phận cho vay của ngân hàng này Yekaterina Glushakova đã bị bắt. Chủ sở hữu Vneshprombank Georgy Bedzhamov bị truy nã quốc tế. Tất cả họ đều bị nghi ngờ chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Các bị cáo Bedzhamov, Glushakova và Markus

Một trong những vụ chiếm đoạt tiền lớn nhất

Tòa án quận Khamovniki, Matxcơva đã ra phán quyết đối với Larisa Markus 60 tuổi và Yekaterina Glushakova 37 tuổi về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức với số lượng đặc biệt lớn (khoản 4 Điều 159 Bộ luật Hình sự), tham ô tài sản có tổ chức với số lượng đặc biệt lớn (khoản 4 Điều 160 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga).  

Vụ án Larisa Marcus và đồng phạm được xét xử theo thủ tục đặc biệt vì các bị cáo hợp tác với cơ quan điều tra và khai thêm nhiều thông tin về kẻ chủ mưu Georgy Bedzhamov - chủ sở hữu Vneshprombank, một trong 40 ngân hàng lớn nhất của Nga. Ông Bedzhamov cũng là anh trai bà Markus. Ông này hiện ở Anh và bị truy nã quốc tế. Vụ án Georgy Bedzhamov được tách ra để xử lý sau.   

Bà Markus tham gia quản lý Vneshprombank ngay từ khi khai trương vào năm 1994 và sở hữu 7,5% cổ phần. Tháng 12-2015, Ngân hàng Trung ương Nga đã chỉ định Ban quản trị tạm thời tại Vneshprombank để kiểm tra và xác định tình hình tài chính thực tế của ngân hàng này. Kết quả kiểm tra cho thấy, Vneshprombank đã thâm hụt gần 190 tỷ rúp. 

Theo tài liệu điều tra, bà Markus bị bắt vào ngày 19-12-2015 và ngay sau đó là bà Glushakova. Trong quá trình khám xét nơi ở của các cựu lãnh đạo Vneshprombank bao gồm cả của ông Bedzhamov, cơ quan điều tra đã phát hiện một số lượng lớn tiền rúp và ngoại tệ, nhiều giấy tờ sở hữu bất động sản đắt tiền và hàng chục kg đồ trang sức, trong đó có một hộp quà tặng bằng gỗ đựng 3 chai rượu, phần trên của hộp được nhét đầy đồ trang sức. 

Theo các điều tra viên, bà Markus và các đồng phạm dường như đã cùng phân chia tài sản của Vneshprombank cho nhau, cho họ hàng và các tay chân thân tín của họ. Đây được coi là một trong những vụ chiếm đoạt tiền lớn nhất trong lịch sử hệ thống tài chính Nga.

Sử dụng giấy tờ giả để hợp pháp hóa các khoản tín dụng

Để chuyển tiền ra khỏi Vneshprombank, từ tháng 5-2009 đến tháng 12-2015, bà Markus và các đồng phạm đã ký hàng loạt hợp đồng tín dụng với các cá nhân và tổ chức do họ kiểm soát. Để đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch, bà Glushakova đã ký nhiều quyết định giả của Ủy ban tín dụng Vneshprombank. Ngoài ra, các đối tượng này còn rút tiền trong tài khoản của các khách hàng giàu có và vay tiền của ngân hàng. Ông Bedzhamov đã vay 3,3 tỷ rúp, bà Markus - 1 tỷ rúp, các lãnh đạo khác - 1,4 tỷ rúp. Tất cả các khoản vay này không được hoàn trả cho Vneshprombank.    

Với những thủ đoạn này, Markus và các đồng phạm đã chiếm đoạt 113,536 tỷ rúp, trong đó 101 tỷ rúp bị chiếm đoạt bằng cách sử dụng giấy tờ giả để hợp pháp hóa các khoản tín dụng cấp cho hàng chục công ty ảo do họ lập ra, khoản tín dụng hơn 5 tỷ rúp được dành cho các cá nhân là người thân và đối tác của họ, còn 7 tỷ rúp được rút từ tài khoản của các khách hàng. Để không bị phát hiện, họ đã cung cấp số liệu giả mạo về biến động số dư tài khoản khi các khách hàng này yêu cầu. 

Ngày 12-5-2017, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ như hợp tác với cơ quan điều tra, bà Markus được Giáo hội Chính thống giáo Nga tặng nhiều phần thưởng, bà Glushakova nuôi mẹ già, Tòa án Khamovniki tuyên phạt Larisa Markus 9 năm tù, Yekaterina Glushakova - 4 năm tù. Đồng thời, tòa cũng đã quyết định giải quyết yêu cầu bồi thường 113,536 tỷ rúp của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Nga bị chiếm đoạt theo thủ tục tố tụng dân sự.