Các cường quốc đều không muốn có chiến tranh với Triều Tiên, hậu vụ thử hạt nhân lần 6

ANTD.VN -Bầu không khí ngột ngạt trên Bán đảo Triều Tiên những ngày qua dường như dịu bớt khi lãnh đạo các nước đang dần hé lộ quan điểm đối với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, trong đó nghiêng về giải pháp chính trị gắn với tăng cường trừng phạt nhằm tiến tới đàm phán, thay vì phải dùng vũ lực.

Hàn Quốc: Kí ức chiến tranh Triều Tiên vẫn còn rất sống động

Hàn Quốc tuyên bố không thể chấp nhận chiến tranh là một lựa chọn để ứng phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, bất chấp việc Bình Nhưỡng vừa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất từ trước đến nay. 

Phát biểu tại một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế và Quỹ Hàn Quốc tổ chức tại thủ đô Washington của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao thứ 2 của Hàn Quốc, ông Cho Hyun cho rằng, Mỹ gần đây liên tục đề cập tới việc để ngỏ "mọi lựa chọn" liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, song chiến tranh không thể là một lựa chọn.

Theo ông Cho, cần phải thận trọng để việc để ngỏ "mọi lựa chọn" không bị diễn dịch thành leo thang chiến tranh hay gây ra tính toán sai lầm của Bình Nhưỡng. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định Seoul không thể chấp nhận những hậu quả mà một cuộc chiến tranh sẽ mang lại, bởi kí ức của "Chiến tranh Triều Tiên đến nay vẫn còn rất sống động". 

Ông Cho cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối thoại với Bình Nhưỡng, lưu ý rằng có hai cách để đối thoại, một là nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và hai là giảm bớt căng thẳng quân sự xuyên biên giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo. Theo ông, cách đầu tiên chỉ có thể được nối lại dưới "những điều kiện đúng đắn", như Triều Tiên ngừng đe dọa và khiêu khích, song cách thứ hai có thể tiến hành mà không phương hại tới các lệnh trừng phạt và chiến dịch gây áp lực lên Bình Nhưỡng hiện nay. 

Ông Cho Hyun, thứ trưởng Ngoại giao thứ 2 của Hàn Quốc

Mỹ: Đây không phải thời điểm để đối thoại với Triều Tiên

Tuy nhiên, cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ hiện tập trung vào việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao và kinh tế cứng rắn, trong đó không bao gồm đối thoại với Bình Nhưỡng ở thời điểm này.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thư kí báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders khẳng định ưu tiên của chính quyền Mỹ hiện nay là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và bảo vệ công dân Mỹ. Theo bà, hiện không phải thời điểm để "dành nhiều thời gian tập trung đối thoại với Triều Tiên". Bà Sanders cũng hối thúc các nước khác, trong đó có Trung Quốc và Nga, làm nhiều hơn nữa để đối phó với chính quyền Bình Nhưỡng.

Thư ký báo chí Nhà Trắng một lần nữa khẳng mọi lựa chọn với Triều Tiên vẫn đang để ngỏ và "sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi có được kết quả mong muốn". 

Thư kí báo chí Nhà Trắng, Sarah Huckabee Sanders

Tối 5/9, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ James Mattis, thảo luận các biện pháp đối phó việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai Bộ trưởng Quốc phòng đã nhất trí tăng cường triển khai các trang thiết bị chiến lược của Mỹ, cũng như tiến hành tập trận chung, trên và xung quanh Bán đảo Triều Tiên nhằm đẩy mạnh khả năng phối hợp quốc phòng và ngăn chặn các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước còn kêu gọi cộng đồng quốc tế cần thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Triều Tiên cũng như thông qua các biện pháp trừng phạt mới. Hai bên cũng cho rằng các hành động khiêu khích của Triều Tiên sẽ chỉ khiến nước này bị cô lập hơn nữa, kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. 

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo (phải) và người đồng cấp Mỹ James Mattis

Đức: Vụ thử hạt nhân là mối đe dọa với toàn cầu

Cũng trong tối 5/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel, trong đó nhất trí hợp tác nhằm tìm kiếm biện pháp mới và cứng rắn hơn của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Triều Tiên.

Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Theo Thủ tướng Merkel, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên không chỉ tạo ra mối đe dọa đối với Nhật Bản mà còn đối với toàn bộ thế giới, do đó, bà sẽ kêu gọi các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) phối hợp với Nhật Bản trong vấn đề này. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần thực thi nghiêm ngặt và đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa. 

Nhật Bản: Triều Tiên có năng lực hạt nhân lớn

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên có sức công phá khoảng 120 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), cao hơn nhiều so với đánh giá ban đầu thông qua dữ liệu địa chấn. 

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh sức công phá này cho thấy Triều Tiên đã thể hiện năng lực "khá cao" trong vụ thử hạt nhân hôm 3/9, đồng thời cho biết ông không thể loại trừ việc Bình Nhưỡng đã thử bom H như đã tuyên bố. 

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản ước tính vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên có sức công phá khoảng 70 kiloton, mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân mà Mỹ đã thả xuống thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. 

Sáng 5/9, máy bay WC-135 Constant Phoenix của Lực lượng Không quân Mỹ, còn được biết đến là máy bay "đánh hơi" hạt nhân, đã đến Căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, miền Nam Nhật Bản. Máy bay này sẽ có nhiệm vụ dò tìm các vật liệu phóng xạ và thu thập các dữ liệu để đánh giá tác động của vụ thử hạt nhân. 

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc giữ vai trò chủ đạo

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres 

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 5/9, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh đoàn kết trong Hội đồng Bảo an LHQ giữ vai trò thiết yếu giúp giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Thống nhất thường trực này là yếu tố thúc đẩy can dự ngoại giao hiệu quả với Triều Tiên, giúp giảm căng thẳng, tăng cường xây dựng lòng tin, ngăn chặn nguy cơ leo thang đối đầu và cùng nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là tiền đề để tạo lập đối thoại, các kênh tiếp xúc nhằm tránh hiểu lầm và hành động sai lầm. Giải pháp duy nhất chỉ có thể là chính trị, bởi nếu tìm đến biện pháp quân sự thì hệ quả sẽ rất khủng khiếp. 

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho 

Về phần mình, Triều Tiên cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ các biện pháp trừng phạt mới nào đối với nước này sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích Mỹ về việc gia tăng sức ép nhằm thông qua một Nghị quyết trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Người phát ngôn trên nhấn mạnh Triều Tiên sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa nếu các lệnh trừng phạt này được áp đặt.