Buôn người đội lốt cứu trợ tràn vào Nepal

ANTĐ - Theo cảnh báo của tổ chức phi Chính phủ Nepal (NGO), các nhóm tội phạm buôn người trong và ngoài nước đang tìm cách trà trộn trong những nhóm nhân viên cứu trợ sau trận động đất 7,8 độ richter hôm 25-4 khiến hơn 7.000 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người khác bị thương và mất nhà cửa, tài sản, để dụ dỗ hoặc bắt cóc phụ nữ ở những vùng xa xôi hẻo lánh vốn từ lâu đã là mục tiêu của chúng.

Đối mặt với nạn buôn người

Rashmita Shashtra, một nhân viên y tế địa phương cho biết, trận động đất chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và các trẻ em gái. “Giờ đây, nhiều người đang rất tuyệt vọng và họ gần như chẳng còn cơ may để tồn tại. Điều này sẽ tạo cơ hội tốt cho những kẻ buôn người. Những kẻ môi giới trong làng tìm cách tiếp cận, thuyết phục những thành viên trong gia đình “con mồi”, sau khi thỏa thuận thành công, chúng đưa nạn nhân tới các công ty môi giới, hưởng hoa hồng” - Rashmita nói. Đặc biệt là ở những vùng nông thôn nghèo, nơi cơ sở vật chất yếu kém, nhiều hộ gia đình mất trắng, họ thậm chí không còn cái gì để ăn. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ buôn người và bắt cóc hoành hành. 

Buôn người đội lốt cứu trợ tràn vào Nepal  ảnh 1

Không ít kẻ môi giới buôn người giả danh là nhà cứu trợ nhân đạo để dụ dỗ hoặc bắt cóc
phụ nữ 

Trong khi đó, nhiều địa phương xa xôi, người dân không biết những người phụ nữ được đưa đi đâu. Thậm chí, họ còn tin rằng, những cô gái này đã được tới Kathmandu hay Ấn Độ làm việc với mức lương cao. Một số cô gái biết rõ bản chất thực “công việc” mà họ sẽ làm, tuy nhiên do nhận thức thấp, họ vẫn chấp nhận.

Sunita Danuwar - Giám đốc của Shakti Samuha, một chi nhánh của NGO tại Kathmandu cho biết, đây là thời điểm cho những kẻ môi giới buôn người giả danh là nhà cứu trợ nhân đạo để dụ dỗ hoặc bắt cóc phụ nữ. “Chúng tôi đã nhận được nhiều báo cáo về những trường hợp đóng giả là nhân viên cứu hộ và tìm cách đưa các cô gái trẻ đi”.

Tờ The Guardian đã có cuộc nói chuyện với Sita, 20 tuổi - một nạn nhân của nạn buôn người ở Nepal, được cảnh sát giải cứu vào năm ngoái. Sita cho biết, cha mẹ cô là những người nông dân nghèo và mù chữ, nên khi nghe tên môi giới hứa sẽ đảm bảo cho cô một “công việc” khá tốt ở Ấn Độ, hàng tháng sẽ gửi tiền lương về cho gia đình, họ đã không chút đắn đo mà đồng ý. Nhưng khi vừa đặt trên tới Ấn Độ, Sita đã bị tên ma cô này bán cho một chủ chứa. Mỗi ngày, Sita bị ép tiếp tới 20-30 người đàn ông. 

Hiện, Sita rất lo lắng cho tính mạng của bố mẹ và những người thân trong gia đình, nhưng chưa thể có cách nào liên lạc được với họ. Bên cạnh đó, người phụ nữ 20 tuổi này cũng cho biết, “Bây giờ, tôi lo lắng cho các cô gái khác ở quê hương mình - những người có thể bị dụ dỗ. Bởi trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, họ sẽ cần tiền cho nên dễ bị cám dỗ nếu có ai đó hứa với họ về một công việc. Sau đó, điều tồi tệ tương tự sẽ xảy ra với họ như đã từng xảy ra với tôi” - The Guardian dẫn lời Sita.

Bị bán làm gái mại dâm

Theo Liên Hợp Quốc và NGO, Nepal là gốc cung cấp trẻ em, phụ nữ và đàn ông bị bán sang các nước Nam Á (chủ yếu là Ấn Độ và Pakistan), vùng Á châu Thái Bình Dương (Malaysia, Hong Kong, Triều Tiên), các nước Trung Đông (Bahrain, Iraq, Israel, Kuwait, Qatar, Ả Rập Saudi, UAE), châu Mỹ và châu Âu. Đa số dân Nepal bị bán vì kinh tế phải đi làm mại dâm ở Ấn Độ và Nepal. Họ bị bán vì nhiều mục đích khác nhau như: ép hôn và phải phục dịch cho các gia đình, phải làm xiếc, làm việc ở nhà máy, lao động nông nghiệp, làm thợ hồ, làm thợ mỏ, buôn bán ma túy, làm trừ nợ, đi ăn xin, kể cả các mục đích phi pháp khác như làm con nuôi trá hình và hiến tạng.

Tại 75 quận của Nepal, Chính phủ đã xác định ít nhất 26 quận có chiều hướng buôn bán người. Theo ước tính có khoảng 100.000 tới 300.000 cô gái và phụ nữ bị từ Nepal tới các nước khác. Hàng năm, con số này có khoảng 5.000 tới 15.000 cô gái và phụ nữ bị bán qua biên giới Nepal - chủ yếu qua Ấn Độ làm mại dâm. 

Chỉ riêng ở Kathmandu có khoảng 40.000 các em gái và phụ nữ tuổi từ 12 tới 30 làm việc tại 1.200 các nhà hàng và tiệm massage. Một số khác bị bán làm mại dâm. Theo ước tính của tổ chức phi Chính phủ, mỗi năm có ít nhất 7.500 trẻ em trong nước bị bán làm mại dâm và 20.000 tới 25.000 em gái bị bán làm người giúp việc tại các gia đình. Dữ liệu chính thức về các phụ nữ mất tích tại Thung lũng Kathmandu cho thấy rằng trung bình có khoảng gần 500 người bị mất tích mỗi năm.