Buôn có bạn...

(ANTĐ) - Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực thì đề xuất thành lập một tổ chức các nước xuất khẩu gạo của Thái Lan đang rất được dư luận quan tâm.

Buôn có bạn...

(ANTĐ) - Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực thì đề xuất thành lập một tổ chức các nước xuất khẩu gạo của Thái Lan đang rất được dư luận quan tâm.

Nhọc nhằn làm ra hạt lúa nhưng người nông dân Ấn Độ không thể bán với giá có lợi cho mình
Nhọc nhằn làm ra hạt lúa nhưng người nông dân Ấn Độ không thể bán với giá có lợi cho mình

Phát biểu với báo giới tại Thủ đô Bangkok ngày 30-4, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej đã đề xuất thành lập một tổ chức của các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Tổ chức này có thể gọi là OREC (Organization of Rice Exporting Countries - Tổ chức các nước xuất khẩu gạo) và hoạt động theo mô hình của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Đây không phải là lần đầu tiên Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đề nghị thành lập một tổ chức của các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới. Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Mingkwang Sangsuwan cũng cho biết ông muốn thảo luận với những người đồng cấp của Ấn Độ và Việt Nam về khả năng thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo.

Theo Thái Lan, điều kiện sống của người nông dân trồng lúa nước này cũng như của những quốc gia xuất khẩu gạo khác bị suy giảm chủ yếu là do không có khả năng kiểm soát thị trường gạo trước những biến động nhanh chóng của giá nông sản.

Thực tế trên xem ra khá vô lý bởi Thái Lan cùng một số quốc gia xuất khẩu gạo khác của thế giới như Việt Nam, Ấn Độ đang nắm trong tay phần lớn lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Nếu hợp tác với nhau thì chỉ cần 3 nước Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đã chiếm tới 62% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó Thái Lan đứng đầu với gần 32%, thứ 2 là ấn Độ với 16% và Việt Nam thứ 3 với 14%.

Trong khi đó dù chỉ chiếm khoảng 40% tổng lượng dầu mỏ xuất khẩu của thế giới, song OPEC có tiếng nói gần như quyết định tới giá cả của mặt hàng nhiên liệu chiến lược này. Bởi thế, Thái Lan hy vọng nếu OREC được thành lập sẽ quyết định được giá gạo trên thị trường thế giới giống như OPEC kiểm soát giá dầu.

OREC được thành lập không những sẽ tăng cường quyền mặc cả đối với giá gạo xuất khẩu mà còn giúp ổn định giá gạo trong tiêu dùng nội địa vì các nước thành viên đã có sự hợp tác và thống nhất về giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Theo Thủ tướng Samak, hiện các nước khu vực sông MeKong gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đã nhất trí trên nguyên tắc thành lập một tổ chức chung nhằm phối hợp hành động để kiểm soát giá gạo trên thị trường thế giới. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lào Yong Chanthalansy cho biết, Chính phủ Lào rất quan tâm tới đề xuất của Thái Lan.

“Buôn có bạn, bán có phường”, nên một cơ chế hợp tác như OREC sẽ giúp mang lại lợi ích cho những nước xuất khẩu gạo trong bối cảnh gạo đang trở thành một mặt hàng chiến lược trên toàn cầu.          

Hoàng Hà