Buộc phải nhượng bộ

(ANTĐ) - Dưới sức ép quốc tế mạnh mẽ sau vụ tấn công đoàn tàu cứu trợ quốc tế làm gần 20 người thiệt mạng và 50 người bị thương, Israel đã buộc phải nới lỏng lệnh phong toả Dải Gaza đang nằm trong sự kiểm soát của Hamas.

Buộc phải nhượng bộ

(ANTĐ) - Dưới sức ép quốc tế mạnh mẽ sau vụ tấn công đoàn tàu cứu trợ quốc tế làm gần 20 người thiệt mạng và 50 người bị thương, Israel đã buộc phải nới lỏng lệnh phong toả Dải Gaza đang nằm trong sự kiểm soát của Hamas.

Binh sĩ Israel tuần tra dọc ranh giới Dải Gaza để thực hiện lệnh phong tỏa
Binh sĩ Israel tuần tra dọc ranh giới Dải Gaza để thực hiện
lệnh phong tỏa

Thông cáo đưa ra từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, Nội các nước này ngày 17-6 đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch nới lỏng phong tỏa Dải Gaza. Theo đó, Israel sẽ “mở rộng tự do phương thức vận chuyển hàng hóa vào Gaza cũng như mở rộng nguồn hàng hóa phục vụ các dự án dân sự có sự giám sát quốc tế”.

Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định chỉ những mặt hàng nào họ cho phép mới được tiếp cận Dải Gada. Tel Aviv cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp đảm bảo an ninh đang được áp đặt hiện nay để đề phòng vũ khí và các “vật liệu chiến tranh” xâm nhập vùng lãnh thổ thuộc Palestine này.

Cho dù còn rất nhiều hạn chế song kế hoạch nới lỏng phong toả trên cũng cho thấy Israel đã buộc phải có nhượng bộ nhất định trước áp lực của quốc tế. Chiếc “vòng kim cô” phong toả phi lý và vô nhân đạo mà Tel Aviv dựng lên siết chặt Dải Gaza suốt 4 năm qua đang dần mất tác dụng.

Sau khi phong trào Hamas giành thắng lợi trước Fatah trong cuộc bầu cử đầu năm 2006 tại Dải Gaza, Israel thực hiện kế hoạch phong tỏa ngặt nghèo nhằm bóp nghẹt phong trào mà họ cho rằng là tổ chức khủng bố này. Một số quốc gia, trong đó nhất là Mỹ, đã tham gia vào kế hoạch được xem là “bỏ đói” Hamas này.

Cuộc phong tỏa của Israel đã tác động nặng nề tới Dải Gaza, nơi đang có khoảng 1,5 triệu người Palestine sinh sống. Đói, thiếu điện, thiếu nước sạch, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, các dịch vụ thiết yếu… hàng ngày hàng giờ giày vò hàng triệu thường dân Palestine.

Trong khi đó, cuộc bao vây cấm vận hà khắc của Israel lại chẳng thể bóp nghẹt được Hamas. Phong trào này vẫn đương đầu, thách thức mọi đòn tấn công của Israel, đồng thời nắm chắc quyền kiểm soát Dải Gaza.

Trước thảm cảnh nhân đạo của hàng triệu người dân Palestine tại Dải Gaza, cộng đồng quốc tế một mặt lên án cuộc phong tỏa của Israel, một mặt nỗ lực đưa hàng cứu trợ tới mảnh đất này. Những chuyến tàu cứu trợ, trong đó nhiều chuyến đến từ các nước phương Tây, vẫn đến với người dân Palestine bất chấp sự đe dọa của Israel.

Cuộc tấn công và làm 70 nhà cứu trợ quốc tế thương vong đã đẩy làn sóng phản đối Israel phong tỏa Dải Gaza lên tới đỉnh điểm và lan rộng khắp thế giới. Áp lực quốc tế đã buộc chính quyền Israel phải nới lỏng lệnh phong tỏa Dải Gaza.

Tuy nhiên, dù đã được nới lỏng song kế hoạch phong tỏa Dải Gaza của Israel vẫn tác động nặng nề tới đời sống của người dân Israel. Dư luận quốc tế vẫn đang tiếp tục đòi Tel Aviv tháo bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa này vì nó chẳng thể bóp nghẹt Hamas mà chỉ biến thường dân Palestine vô tội thành nạn nhân mà thôi.

Hoàng Tuấn