Bước lùi mở ra hy vọng cho đàm phán thương mại Mỹ- Trung

ANTD.VN - Việc Mỹ và Trung Quốc có thể lùi thời hạn chót của cuộc “đình chiến thương mại” đã làm sáng thêm hy vọng về triển vọng đạt được thỏa thuận nhằm tránh cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này.

Bước lùi mở ra hy vọng cho đàm phán thương mại Mỹ- Trung ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthzer (thứ 2 bên phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) trong cuộc đàm phán tại Washington ngày 30-1 vừa qua

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp nội các ngày 12-2 đã bất ngờ thông báo, ông có thể xem xét lùi "đôi chút" thời hạn chót "đình chiến" vốn dự định vào ngày 1-3-2019 để đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ông chủ Nhà trắng cho biết dù thực sự không muốn lùi thời hạn chót này, song hiện một đoàn đàm phán cấp cao của Mỹ đã có mặt tại Bắc Kinh và nếu hai bên có thể tiến gần đến việc đạt được thỏa thuận, ông sẽ xem xét lùi thời hạn chót của thỏa thuận “đình chiến” vào ngày 1-3 tới.

Đoàn đàm phán cấp cao của Mỹ gồm Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tham gia cuộc đàm phán mang tính quyết định diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-2 với đoàn đàm phán chủ nhà Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương (Yi Gang) làm trưởng đoàn. Đây là vòng đàm phán thương mại thứ hai giữa Mỹ và Trung Quốc sau vòng đàm phán đầu tiên được đánh giá đạt kết quả khả quan vào ngày 30-1 tới tại Washington, Mỹ.

Việc Tổng thống Donald Trump thông báo lùi thời hạn chót “đình chiến thương mại” với Trung Quốc đã mở ra hy vọng về triển vọng đạt được một thỏa thuận giúp cho hai nước tránh một cuộc chiến thương mại khốc liệt. Trước đó, một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện Mỹ-Trung đã gần như bùng nổ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố nâng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Cuộc chiến này được tạm “tháo ngòi nổ” vào phút chót khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí “đình chiến” trong vòng 90 ngày để hai bên đàm phán tìm giải pháp.

Trải qua nhiều cuộc đàm phán các cấp, trong đó cả những cuộc đàm phán cấp cao do các quan chức đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách thương mại và tài chính đồng chủ trì, Mỹ và Trung Quốc đã hiểu rõ hơn lập trường, quan điểm của nhau, cũng như thu hẹp được nhiều khác biệt, trong đó đạt được một số thỏa thuận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn còn 3 vấn đề bất đồng chính giữa hai bên.

Thứ nhất, về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ khi Mỹ lâu nay cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của công ty Mỹ, ép buộc họ chuyển giao công nghệ. Thứ hai, Mỹ chỉ trích đưa ra các rào cản để công ty khó tiếp cận thị trường trong nước như: trợ cấp không công bằng cho các công ty Nhà nước, cho họ vay lãi suất thấp và hỗ trợ cạnh tranh ở nước ngoài trong các lĩnh vực như không gian vũ trụ, chip và xe điện tử.

Thứ ba, Chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" được xem là chướng ngại lớn nhất và khó vượt qua nhất khi Washington xem chiến lược này là sự thách thức trực tiếp đối với vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các lĩnh vực then chốt như không gian vũ trụ, chất bán dẫn và thế hệ mạng di động thứ 5 (5G). 

Trung Quốc rõ ràng không muốn nhượng bộ quá lớn trong 3 vấn đề hệ trọng trên đây, song nước này đang ở thế hạ phong so với Mỹ bởi đã bắt đầu “ngấm đòn” tấn công thương mại trong năm 2018 của Tổng thống Donald Trump dù các “cú đòn” này chưa thể so sánh với “quả đấm” áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc có tránh được cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn hay không? Câu trả lời sẽ rõ ràng hơn sau cuộc đàm phán trong 2 ngày 14 và 15-2 này tại Bắc Kinh.