Bước khiêu khích có chủ ý của Trung Quốc trên Biển Đông

ANTĐ - Trung Quốc đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa mà quốc gia này chiếm của Việt Nam năm 1974. Động thái này đánh dấu một bước leo thang mới của Bắc Kinh trong hoạt động quân sự hóa Biển Đông để phục vụ ý đồ thôn tính gần như toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới. 

Bước khiêu khích có chủ ý của Trung Quốc trên Biển Đông ảnh 1

Hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9

Năng lực của tên lửa HQ-9

Việc triển khai HQ-9 - theo thông tin được Kênh Truyền hình Fox News của Mỹ đưa tin đầu tiên vào ngày 17-2 - sẽ giúp Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gia tăng khả năng quốc phòng trong khu vực. Tương tự hệ thống phòng không Almaz Antey S-300 do Nga sản xuất, HQ-9 có khả năng đảm bảo thiết lập một vùng cấm bay rộng lớn.

Hiện chỉ có máy bay F-22 Raptor của nhà thầu Lockheed Martin, máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike Fighter và máy bay ném bom B-2 Spirit của Northrop Grumman là đủ khả năng vận hành an toàn ở vùng xung quanh hệ thống HQ-9 trong bất kỳ thời gian bao lâu. Tương tự S-300P, hệ thống HQ-9 có tầm bắn vào khoảng 200km, và có thể nhắm bắn mục tiêu ở độ cao khoảng 27,5km. 

Theo nghiên cứu trên, Trung Quốc phát triển phần lớn các công nghệ của HQ-9 từ khẩu đội tên lửa Patriot mà Bắc Kinh mua được từ Israel. Bởi vậy, có khả năng hệ thống dẫn đường của HQ-9 cũng tương tự hệ thống dẫn đường của Patriot. Điều này đồng nghĩa với việc HQ-9 có thể sử dụng hệ thống dẫn đường TVM (bám theo đạn tên lửa), có khả năng cập nhật liên tục mục tiêu cho trung tâm chỉ huy mặt đất.

Cũng tương tự như Patriot, HQ-9 có thể cho tên lửa phát nổ ở gần hoặc lao thẳng vào mục tiêu, nhằm phá hủy hoặc làm chệch hướng mục tiêu. 

Có thể nói HQ-9 là một hệ thống phòng không đủ sức cạnh tranh với các phiên bản của Nga và Mỹ. 

Mỹ vẫn tuần tra Biển Đông

Thông tin về việc Trung Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Phú Lâm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông phải chấm dứt. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của ông Obama, việc Bắc Kinh triển khai HQ-9 có thể mới chỉ là sự khởi đầu. Trung Quốc dường như còn đang nuôi tham vọng phát triển lực lượng trên nhiều đảo khác nhau trong khu vực nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền, cũng như đánh bật Mỹ khỏi vùng phía Tây Thái Bình Dương. 

Giới chức Mỹ ngày 18-2 tuyên bố điều này sẽ không khiến Washington chấm dứt các cuộc tuần tra trên biển và trên không của họ. Phát biểu với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (TNHK), một quan chức quốc phòng Mỹ nói: “Chúng ta có khả năng chống lại các tên lửa đất đối không thuộc loại này”.

Một quan chức khác cũng nói với TNHK rằng: “Chúng ta đang tăng cường trật tự chính ở Biển Đông và tôn trọng luật quốc tế”. Các quan chức Mỹ nêu rõ, khi các tên lửa đe dọa đến máy bay hoạt động trong khu vực, các máy bay quân sự của Mỹ sẽ sử dụng hệ thống phản công gọi là “chaff and flares” để chống lại mối đe dọa. 

Một công cụ khác mà quân đội Mỹ sử dụng để chống lại các tên lửa đất đối không là tên lửa hành trình Tomahawk. Các tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất từ ngoài tầm của hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc. 

Bước khiêu khích có chủ ý

Tiến sĩ Euan Graham, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc tế Lowy đồng ý rằng đây là một động thái leo thang, song chỉ là “một bậc nhỏ trên chiếc thang”. Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho biết, các cơ sở hạ tầng quân sự khác trên đảo Phú Lâm bao gồm những bến neo đậu tàu của hải quân có khả năng chứa các loại tàu khu trục và một kho chứa nhiên liệu.

Ông nhận định, việc Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không hiện đại ở khu vực trên rõ ràng là nhằm phản ứng lại các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vừa qua gần đảo Tri Tôn cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa. Động thái này cũng là một minh chứng báo trước rằng Bắc Kinh có thể triển khai các hệ thống tương tự ở quần đảo Trường Sa viện cớ chống lại mối đe dọa từ Mỹ. Những hành động của Trung Quốc làm gia tăng rủi ro và nguy hiểm đối với các chuyến tuần tra do thám của hải quân Mỹ ở vùng biển gần Hoàng Sa.