Bước đi mạo hiểm của Nga

ANTĐ - Sự can thiệp của Nga vào Syria là chiến dịch quân sự và chính trị đáng chú ý nhất của kỷ nguyên Putin - sự xâm nhập quân sự quan trọng đầu tiên hậu Xô Viết vượt ra ngoài biên giới Liên Xô trước đây. Theo tạp chí Nationalinterest, rõ ràng quyết định triển khai lực lượng quân sự tới Syria là một bước đi rất mạo hiểm về các mặt quân sự, chính sách đối ngoại và chính sách đối nội. 
Bước đi mạo hiểm của Nga ảnh 1

Một địa điểm của phiến quân Syria bị Nga không kích

Moskva lao vào vạc dầu sôi

Việc quân đội Nga tuyên bố chỉ hạn chế chiến dịch này ở các hoạt động không kích và sự hỗ trợ một đồng minh chiến đấu trên mặt đất có vẻ như là điều hợp lý và ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, Nationalinterest cho rằng, về mặt quốc tế, Nga đang vội vã lao đầu vào vạc dầu sôi chính trị Trung Đông, nơi có những mối quan hệ và sự liên kết đối nghịch nhau vô tận, và với việc làm như vậy Nga có nguy cơ làm gia tăng số kẻ thù của họ.

Cuối cùng, công chúng Nga không chấp nhận bất kỳ mức giá đắt đỏ nào chứ đừng nói đến những mạng sống của các quân nhân. Do đó, sự ủng hộ trong nước đối với sự can thiệp quân sự của Nga ở Syria chỉ có thể tiếp tục tồn tại chừng nào chiến dich quân sự không biến thành một gánh nặng hay gây ra những tổn thất nghiêm trọng. 

Rõ ràng, về mặt chiến lược, quyết định của Nga can thiệp vào Syria nên được xem trong bối cảnh một cuộc chơi toàn cầu rộng lớn giữa Moskva và Washington, như là một động thái mạnh mẽ được thiết kế để tạo thuận lợi cho việc chèo lái con thuyền quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng bởi những sự kiện trong 2 năm 2014 và 2015 về một loạt vấn đề, trong đó có Ukraine. Ở một mức độ nào đó, những chiến thuật này đã có hiệu quả khi Mỹ buộc phải khôi phục các cuộc tiếp xúc quân sự với Nga, điều mà Mỹ đã biến thành một sự thể hiện khoa trương về việc tẩy chay vào đầu năm 2014. 

Vấn đề cốt lõi của chiến dịch quân sự của Nga ở Syria là bản chất hai mặt của nó. Một mặt, mục tiêu được tuyên bố chính thức của chiến dịch là chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan dã man trỗi dậy trong những ngọn lửa nội chiến ở Syria và Iraq hiện đang đe dọa thay đổi bản đồ Trung Đông đồng thời đã trở thành một Nhà nước khủng bố hoạt động công khai chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Mặt khác, một mục tiêu gần như quan trọng nhất trong chiến dịch can thiệp của Nga là hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nếu như tình hình quân sự của chế độ Assad không thể được cải thiện triệt để, thì ít nhất các vị trí quân sự và lãnh thổ của họ có thể được củng cố để tạo điều kiện thuận lợi cho một sự dàn xếp hòa bình ở Syria  - trong khi việc loại bỏ vấn đề sự ra đi của Assad là một điều kiện tiên quyết.  

Tên lửa TOW kéo Nga vào cuộc?

Liên quan chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria, Báo Bưu điện Washington (Mỹ) mới đây đăng bài “Có phải những vũ khí Mỹ cung cấp cho phiến quân Syria đã kéo Nga vào cuộc xung đột? Bài viết cho biết, các tên lửa chống tăng BGM-71 TOW Mỹ cung cấp cho phiến quân Syria đang đóng một vai trò nổi bật bất ngờ trong việc định hình chiến trường Syria, khiến cho cuộc xung đột này giống như một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga, cho dù Tổng thống Mỹ bày tỏ mong muốn tránh một cuộc chiến như vậy. 

Tên lửa TOW đã được chuyển giao theo một chương trình được che giấu giữa Mỹ và các đồng minh của họ để giúp tăng cường cho nhóm nổi dậy Quân đội Syria tự do (FSA) trong cuôc chiến chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Giờ đây, Nga đã nhảy vào cuộc chiến này để hỗ trợ Tổng thống Assad, trong khi những tên lửa này đang có một ý nghĩa lớn hơn là mục đích ban đầu. 

Những quả tên lửa TOW đã giúp phiến quân Syria thành công ở khu vực Tây Bắc đến mức phiến quân gọi tên lửa này là “Người thuần phục Assad” - một cách chơi chữ dựa trên từ Assad, có nghĩa là con sư tử. Và trong những ngày gần đây, những quả tên lửa này đã được sử dụng rất thành công trong việc làm chậm cuộc tấn công được Nga hỗ trợ nhằm mục đích giành lại các khu vực từ tay phiến quân.

Tên lửa TOW khiến người ta nhớ đến vai trò của những quả tên lửa vác vai Stinger được Mỹ cung cấp buộc Liên Xô rút khỏi Afghanistan trong những năm 80 của thế kỷ trước. Điều này cũng kéo Washington vào điều thực chất là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Moskva, cho dù Tổng thống Obama khẳng định hồi đầu tháng này rằng: “Chúng tôi sẽ không biến Syria thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga.” 

Báo Bưu điện Washington dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Jeff White thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông Washington nhận định: “Đó là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm xảy ra một cách tình cờ. Phiến quân tình cờ có nhiều quả tên lửa TOW. Chế độ Assad tình cờ tấn công họ với sự hỗ trợ của Nga. Tôi không thấy đó là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm xảy ra bởi sự quyết định”.

Những quả tên lửa này được dự kiến thực hiện một mục tiêu khác của chính quyền Obama ở Syria, đó là gây sức ép buộc Tổng thống Assad phải thỏa hiệp về sự ra đi của nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, thay vào đó quân đội Nga đã can thiệp để chống đỡ cho quân đội Syria - một kết quả ngoài ý muốn. Chuyên gia Oubai Shahbandar, người từng làm việc với phe đối lập Syria, nhận định: “Một yếu tố then chốt dẫn đến sự tính toán đó của Nga là nhận thức rằng chế độ Assad đã bị suy yếu về mặt quân sự và có nguy cơ mất vùng lãnh thổ ở Tây Bắc Syria. Các quả tên lửa TOW đã đóng một vai trò nổi bật trong việc đó”. 

Hiện chưa rõ liệu các quả tên lửa TOW sẽ có thể thay đổi cuộc chiến như tên lửa Stinger đã làm ở Afghanistan, hay không, nhưng Nga giờ đây đã tiến hành thêm nhiều cuộc không kích ác liệt và lần đầu tiên các trực thăng chiến đấu của nước này cũng đã dược nhìn thấy trong các video ghi hình ở những ngôi làng tại khu vực Hama. Với tình hình hiện nay, tên lửa TOW có lẽ chỉ có thể làm chậm chứ không thể ngăn chặn bước tiến của quân Chính phủ Syria.