Bức ảnh "Em bé Syria" lay động thế giới như "Em bé Napalm" Việt Nam

ANTĐ - Bức ảnh “Em bé Sirya” chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đã có sức lay động triệu triệu trái tim, giống như bức ảnh “Em bé Napalm” trong chiến tranh Việt Nam trước đây.

Bức ảnh “Em bé Syria” lay động cả thế giới

Bức ảnh cậu bé Aylan mặc chiếc áo phông đỏ, quần màu xám, đi đôi giày nhỏ trôi dạt vào bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ đã lan truyền khắp các trang mạng xã hội và báo chí thế giới, có sức lay động triệu triệu trái tim về cuộc khủng hoảng nhập cư vào châu Âu.

Cậu bé Aylan chỉ là một trong số gần 3.000 di dân đã chết vì tìm cách vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền quá tải và không an toàn. Anh trai 5 tuổi Galip và mẹ Rehan của Aylan cũng mất mạng trong thảm kịch chìm tàu cướp đi sinh mạng của 12 nạn nhân trên 2 con thuyền vượt biển đơn sơ.

Cả gia đình họ đã lên tàu chạy khỏi thị trấn Kobane của Syria để tìm cách đến Canada, nơi họ có người thân. Giữa biển cả mênh mông, ông Abdullah đã không thể cứu được vợ con mình trong đêm tối mịt mùng, để rồi người cha đau thương tới nhà xác ở thành phố Mugla để chào cậu con trai bé bỏng lần cuối.

“Trông chúng giống như đang còn sống, như chúng đang ngủ và thậm chí còn mỉm cười. Khuôn mặt và tay chân của chúng đều không giống như đã ở dưới nước lâu. Những đôi mắt trẻ thơ vẫn mở và tôi vuốt nhẹ cho chúng nhắm lại…”.

Bức ảnh “Em bé Syria” lay động hàng tỷ trái tim nhân loại như "Em bé Napalm" Việt Nam

Đó là những hình ảnh và lời chia sẻ đầy khắc khoải của chàng trai người Thổ Nhĩ Kỳ Adil Demirtas về cảnh tượng ám ảnh khi anh vô tình tìm thấy thi thể của bé Aylan Kurdi dạt vào bãi biến ở Bodrum hôm 2-9.

Adil đã bắt gặp thi thể của cậu bé Aylan nằm úp trên bãi biển vắng và thi thể một bé gái khác mặc chiếc quần màu hồng bé xíu khi anh tới nơi làm việc vào khoảng 6 giờ 30 sáng 2-9. Lúc đó, đã quá muộn để cứu các em.

Bức ảnh cậu bé Syria 3 tuổi nằm úp mặt bất động trên mép nước ở Thổ Nhĩ Kỳ và hình ảnh một nhân viên hiến binh nhẹ nhàng đưa hình hài bé nhỏ của Aylan rời khỏi bãi biển đã khiến hàng tỷ trái tim trên thế giới thổn thức và nó đã trở thành biểu tượng đau đớn về cuộc khủng hoảng di cư giữa lòng châu Âu.

Tình trạng xung đột, khủng bố ở Trung Đông và châu Phi đã buộc hàng trăm nghìn người dân phải mạo hiểm mạng sống để đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, các quốc gia trong Liên minh châu Âu phải tiếp nhận tới 200.000 người tị nạn theo một chiến lược “cả gói” thống nhất, thay cho cách tiếp cận từng phần của khối này đối với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Cậu bé 3 tuổi Aylan và người anh trai 5 tuổi Galip

Sức lan tỏa mãnh liệt của bức ảnh “Em bé Syria”

Bức ảnh được đặt tên là “Em bé Syria” thậm chí đã được ví một bức ảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam là “Em bé Napalm” Phan Kim Phúc - bức ảnh đã thay đổi nhận thức của người dân phương Tây về cuộc chiến tranh Việt Nam và dấy lên phong trào phản chiến ở khắp nơi trên thế giới.

Giờ đây mọi người cũng muốn bức ảnh “Em bé Syria” sẽ khiến không chỉ châu Âu mà cả thế giới thay đổi nhận thức và chung tay giải quyết vấn nạn di dân ở châu Âu - nơi một số quốc gia bị cho là “sắt đá, thờ ơ” trước sinh mạng của hàng trăm, nghìn người tị nạn châu Á, châu Phi.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài giờ sau khi xuất hiện bức ảnh thương tâm về cậu bé Syria, nhiều người ủng hộ Đảng Bảo thủ của Anh đã bắt đầu thúc giục Thủ tướng David Cameron rằng đã đến lúc Anh phải thay đổi quan điểm và chấp nhận thêm người tị nạn.

Ông Nadhim Zahawi, một dân biểu Đảng Bảo thủ, đồng minh thân cận của ông Cameron, đã lên tiếng về những tác động của bức ảnh: “Chúng ta không là gì cả nếu không có lòng từ bi. Bức ảnh khiến tất cả chúng ta cảm thấy xấu hổ. Chúng ta đã thất bại ở Syria. Tôi xin lỗi thiên thần nhỏ…”.

Những người tị nạn chen chúc trên những con tàu bé nhỏ hướng đến “giấc mơ châu Âu”

Theo thống kê, tại Anh chỉ có 216 người tị nạn Syria được tái định cư, gần 5.000 người được cấp giấy phép tị nạn kể từ năm 2011 - một con số quá nhỏ so với các nước khác như Đức hay Thụy Điển. Chính điều này đã khiến nước Anh bị mang tiếng là “đất nước ích kỷ”.

Ngay sau khi xuất hiện bức ảnh “Em bé Syria”, thủ tướng Anh David Cameron đã phải chịu áp lực rất lớn và cáo buộc gay gắt từ nhiều phía, kể cả trong và ngoài nước vì hành động “thiếu trách nhiệm” và “vô lương tâm” của đất nước ông.

Đứng trước áp lực từ dư luận và các nước châu Âu khác, ngay sau khi đưa ra lập trường cứng rắn không mở cửa cho người tị nạn, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 5-9 đã phải nhanh chóng thay đổi quan điểm và cho biết sẽ tiếp nhận thêm hàng ngàn người dân tị nạn Syria.

Ông Cameron cam kết rằng “Anh sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm nhân đạo của một nước phát triển. Nước Anh đã có hàng ngàn người nhập cư và bây giờ sẽ mở cửa cho thêm hàng ngàn người nữa”. Tờ Daily Telegraph dự kiến thủ tướng Anh sẽ đưa ra thông báo cụ thể trong vài ngày tới.

Ngay sau đó, 2 quốc gia châu Âu khác là Đức và Áo cũng đã đồng ý tiếp nhận thêm khoảng 1.500 người nhập cư ở Trung Đông và châu Phi đang trên đường từ thủ đô Budapest của Hungary, tới khu vực biên giới giữa Hungary với 2 nước này.