“Bóng ma” sốt vàng da

ANTĐ - Nỗi ám ảnh về dịch sốt vàng da lại trỗi dậy không chỉ ở quốc gia Sudan nghèo khó mà cả nhiều quốc gia khác trên Lục địa đen khi mà dịch bệnh nguy hiểm chết người này đang bùng phát dữ dội và lây lan nhanh tại khu vực Darfur của Sudan.

Điều kiện sống và vệ sinh tồi tệ là nguyên nhân khiến dịch sốt vàng da tái bùng phát ở Sudan

Mức độ lây lan của dịch bệnh đáng báo động tới mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7-11 đã phải ra thông cáo để bày tỏ lo ngại trước tình trạng dịch sốt vàng da đang bùng phát dữ dội ở khu vực Darfur của Sudan làm nhiều người thiệt mạng. Theo tổ chức này, dịch bệnh mới bùng phát từ tháng 10 vừa qua song có tốc độ lây lan rất nhanh và đã lan ra 17 điểm dân cư ở Darfur tính tới thời điểm hiện tại. 

Đáng lo ngại nhất là tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân sốt vàng da ở Darfur rất cao khi trong 194 ca mắc bệnh đã có tới 67 trường hợp tử vong. Chính vì thế, WHO đã khẩn thiết kêu gọi chính quyền và nhân dân các vùng thường xuyên xảy ra dịch sốt vàng da cần tăng cường công tác phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt muỗi, đồng thời chủ động tiêm vaccine phòng bệnh. WHO cho biết sẽ sớm có những trợ giúp cần thiết để khu vực trên ngăn chặn nguy cơ dịch sốt vàng da tiếp tục lây lan trên diện rộng.

Việc WHO lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh sốt vàng da ở Darfur đã làm dấy lên nỗi lo lắng sâu sắc không chỉ riêng với Sudan mà cả các quốc gia châu Phi chung quanh. Sốt vàng da là bệnh siêu vi trùng chủ yếu ở châu Phi và Nam Mỹ, thường bùng phát vào cuối mùa mưa với khoảng 200.000 ca mắc bệnh mỗi năm, trong đó có khoảng 30.000 người tử vong. 

Muỗi là tác nhân chính gây bệnh sốt vàng da, một căn bệnh rất khó chẩn đoán ở giai đoạn nhiễm bệnh ban đầu song lại rất dễ lây lan. Bệnh sốt vàng da từng gây ra đại dịch tàn khốc, khiến 300 nghìn người Tây Ban Nha thiệt mạng trong thế kỷ 19, song từ đó đến nay giới y học vẫn chưa tìm loại thuốc đặc hiệu nào để chữa trị căn bệnh này, ngoài vaccine phòng bệnh được cho là giải pháp phòng ngừa tốt nhất.

WHO cho biết, trong giai đoạn từ năm 1940-1960, nhiều chiến dịch tiêm chủng rộng rãi được thực hiện ở châu Phi đã gần như triệt tiêu được bệnh dịch sốt vàng da. Tuy nhiên, sau đó, do sự chủ quan của giới chức y tế địa phương, các thế hệ mới không được tiêm chủng phòng bệnh nên dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trở lại.

Theo nhìn nhận của WHO, tiến trình đô thị hóa và hoạt động di cư cùng điều kiện sống và vệ sinh tồi tệ đã làm cho căn bệnh này trở lại châu Phi, vì thế việc tiêm chủng phòng chống bệnh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 

WHO, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Tổ chức thầy thuốc không biên giới và các tổ chức xã hội khác đã cùng phối hợp phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng chống bệnh sốt vàng da ở nhiều nước châu Phi từ gần 3 năm nay. Tiến sỹ William Perea, người đồng phối hợp chiến dịch này của WHO, tin tưởng việc tiêm vaccine rộng rãi trên toàn châu Phi sẽ ngăn chặn được sự bùng phát của bệnh sốt vàng da, nơi được cảnh báo có nguy cơ lây nhiễm bệnh sốt vàng da lên tới đỉnh điểm vào năm 2015.