Bóng ma nhiễm độc thủy ngân ám ảnh sau 50 năm

ANTD.VN - Giống như gần 950 người ở Grassy Narrows (Canada), ông  Fobister bị nhiễm độc thủy ngân. Ông phải uống 16 viên thuốc mỗi ngày để kiểm soát các cơn co giật, đau đớn và trầm cảm.

Bóng ma nhiễm độc thủy ngân ám ảnh sau 50 năm ảnh 1Khung cảnh tại một nghĩa trang ở Grassy Narrows, Ontario. Hầu hết người dân ở đây đã bị nhiễm độc thủy ngân từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản lầu đầu tiên phát hiện người dân ở Grassy Narrows bị nhiễm độc thủy ngân vào đầu những năm 1970. Từ năm 1962 đến thời điểm đó, nhà máy giấy của Reed Paper thuộc một công ty ở Dryden gần đó đã đổ khoảng 9 tấn thủy ngân thô xuống hệ thống sông Wabigoon. Cá ở đây lại là nguồn thực phẩm chính cho người dân khu vực hạ lưu của Grassy Narrows. Khi người ta phát hiện ra sông ô nhiễm và ngành công nghiệp cá ở đây bị đóng cửa thì cư dân đã tiêu thụ một lượng cá đáng kể.

Điều khó hiểu là tại sao cho tới bây giờ lượng thủy ngân ở đây vẫn rất cao. Trung tâm nghiên cứu Minamata ở Nhật thống kê có khoảng 90% cư dân Grassy Narrows có triệu chứng nhiễm độc thủy ngân: tê tứ chi, run, mất trí nhớ, giảm tầm nhìn, dị tật bẩm sinh, kể cả những em bé sinh ra rất lâu sau khi việc nhiễm độc thủy ngân này được phát hiện lần đầu cũng mắc bệnh.

Năm 2016, các tình nguyện viên của tổ chức Earthroots và các nhà báo của tờ The Toronto Star đã lấy hơn 10 mẫu do ông Glowacki xác nhận và 3 mẫu có mức độ thủy ngân cao gấp 80 lần mức độ dự đoán có ở đất trong khu vực. Phải tới tận ngày 13-2-2017, Cơ quan Môi trường và Biến đổi khí hậu Ontario mới xác nhận những nơi có khả năng bị ô nhiễm để có hành động khắc phục toàn diện cho hệ thống sông Wabigoon. Việc này được kết hợp với người dân ở Grassy Narrows và khu vực lân cận. Chính quyền cam kết cải tạo lại hệ thống sông hiện tại và bồi thường cho những người bị ảnh hưởng.

Mặc dù tình trạng nhiễm độc thủy ngân đã hiển hiện ở nhiều chứng bệnh nan y, nhưng không vì thế mà tất cả người dân đều từ bỏ ăn cá ở dòng sông ô nhiễm. Bà Chrissy Swain vẫn tiếp tục ăn cá cho dù các ngón tay bà đã loang lổ và ngứa, chân trái run và thường bị co giật. Bà cho rằng nhiều khi thiếu thực phẩm thì đành phải ăn cá và có người cho rằng đằng nào họ cũng bị bệnh rồi và dù sao cũng phải thích nghi với thực tế cuộc sống.