"Bông hồng Tokyo" và bản án oan suốt 10 năm

ANTD.VN - “Bông hồng Tokyo” là biệt danh mà những người lính quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương đặt cho một nữ phát thanh viên Nhật Bản, người có giọng đọc quyến rũ, đầy ma lực trong chương trình “0 giờ”. Nhưng ít ai biết được “Bông hồng Tokyo” lại là một công dân Mỹ, bị Mỹ bắt giữ, xét xử với mức án 10 năm tù vì tội phản quốc. Tháng 1-1977, Iva Toguri được Tổng thống G.Ford tuyên bố vô tội và đích thân nói lời xin lỗi với bà.

"Bông hồng Tokyo" và bản án oan suốt 10 năm ảnh 1Iva Ikuko Toguri trước Thế chiến ll

Đến với nghề phát thanh vì mưu sinh

Iva Ikuko Toguri sinh ngày 4-7-1916 ở Los Angeles. Cha Iva Toguri là một người Nhật nhập cư.  Từ nhỏ, ước mơ cháy bỏng của người phụ nữ này  là lớn lên trở thành bác sĩ. Sau này, bà theo học Đại học California và nhận bằng cử nhân chuyên ngành động vật học vào năm 1941.

Tháng 6-1941, người phụ nữ Mỹ gốc Nhật này rời San Pedor (California) lên tàu về cố hương với dự định thăm người dì đang bệnh nặng. Khi rời Mỹ, Toguri quên hộ chiếu nên đã đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Nhật để xin cấp hộ chiếu sau khi đến Nhật được 3 tháng. Cơ quan ngoại giao Mỹ tại Nhật đã chuyển đơn xin cấp hộ chiếu của Toguri về Bộ Ngoại giao Mỹ để thẩm tra, xét duyệt. Ngày 7-12-1941, Mỹ chính thức bước vào Thế chiến thứ hai sau vụ Trân Châu cảng, điều này khiến Toguri bị mắc kẹt ở Nhật.

Nhà chức trách địa phương coi Iva Toguri là kiều dân của nước thù địch. Họ nói bà nên đổi thành quốc tịch Nhật Bản để thuận tiện cho việc lưu trú tại Nhật. Không có nghề nghiệp và hầu như không biết chữ tiếng Nhật nào, bà phải dạy đàn piano để lấy tiền trả cho việc học tiếng Nhật. Sau này, bà tìm được công việc đánh máy, dịch bài cho hãng thông tấn Domei.

Do không được ăn uống đầy đủ, Iva Toguri phải nhập viện 6 tuần bởi bị suy dinh dưỡng, bệnh nứt da và tê phù. Bà phải vay mượn tiền của Felipe d’Aquino, một người bạn thân tại hãng Domei và bà chủ nhà trọ để thanh toán viện phí và tìm một việc làm khác để lấy tiền trả nợ. Bà lại xin được chân đánh máy ở Đài phát thanh Tokyo, dịch các bài viết ra tiếng Anh để phát trên đài. Mục tiêu mà đài phát thanh này hướng đến là làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương. Ở đây, Iva Toguri gặp viên Thiếu tá người Australia Charles Cousens, một phóng viên nổi tiếng của Đài phát thanh Sydney bị Nhật bắt ở Singapore.

Khi Đài phát thanh Tokyo yêu cầu Cousens giới thiệu một nhân vật nữ để dẫn cùng chương trình Zero Hour (0 giờ), ông liền đề cử Iva Toguri.

"Bông hồng Tokyo" và bản án oan suốt 10 năm ảnh 2Iva Ikuko Toguri trong một buổi phát thanh của Đài phát thanh Tokyo

Giọng đọc mê hoặc

Iva Toguri gia nhập nhóm phát thanh viên của Cousens vào năm 1943 với tên “Ann mồ côi” - từ được người Australia dùng để miêu tả những lực lượng bị chia rẽ khỏi những đồng minh của mình, chính là chỉ những lính chiến Mỹ xa quê hương.

Quân Nhật bàn giao cho Counsens và các cộng sự những bản tin đã được soạn sẵn nhưng họ đều yêu cầu chỉnh sửa khéo léo sao cho bản tin chuyển ngữ có nội dung như họ mong muốn. Trong các bài đọc, Iva Toguri đã cảnh báo người nghe rằng “0 giờ” là một chương trình tuyên truyền nguy hiểm để họ biết chọn lọc thông tin khi nghe.

Chính vì thế, lính Mỹ khi đó rất hào hứng chờ đón chương trình “0 giờ” và thay vì bị nhụt nhuệ khí chiến đấu, tinh thần của họ lại càng được đẩy lên cao hơn. Về phía người Nhật, họ không hề hay biết điều đó và vẫn nghĩ rằng Iva làm việc rất hiệu quả nên trả lương cho bà hậu hĩnh và thậm chí nhiều lần tìm cách giữ bà lại khi bà muốn nghỉ việc.

Theo đánh giá của quân đội Mỹ, chương trình “0 giờ” không gây ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của quân lính. Mối quan tâm duy nhất của họ là phát thanh viên tên “Ann mồ côi” mang lại cho họ ấn tượng về một phụ nữ rất thông minh, giọng đọc có sức hút đến ma mị. Chương trình này kéo dài cho đến khi chiến tranh kết thúc.

"Bông hồng Tokyo" và bản án oan suốt 10 năm ảnh 3Iva Ikuko Toguri trong buổi phỏng vấn để lộ danh tính là “Bông hồng Tokyo”

Công dân Mỹ thứ bảy bị kết án phản quốc

Trong chiến dịch tìm kiếm những người có tội và phản quốc vào năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh, hai phóng viên Henry Brundidge và Clark Lee cùng lực lượng quân đội Mỹ truy tìm một phát thanh viên có biệt danh “Bông hồng Tokyo” trong chương trình “0 giờ” - một chương trình phát thanh đặc biệt được những người lính quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương yêu thích.

Nhờ mạng lưới tình báo, hai phóng viên này tìm được phụ nữ trẻ người Mỹ, Iva Ikuko Toguri d’Aquino đang là phát thanh viên. Brundidge và Lee tặng bà một số tiền đáng kể và còn hứa sẽ tặng một khoản tiền lớn nữa để đổi lại có thể phỏng vấn bà. Iva Toguri đồng ý, ký tên vào bản hợp đồng mang tên “Bông hồng Tokyo”.

Ngay sau khi tên tuổi của Iva Toguri bị báo chí công khai, lực lượng quân đội Mỹ đã bắt giam bà. Cơ quan điều tra liên bang FBI thực hiện một cuộc điều tra quy mô lớn để quyết định xem người phụ nữ này có phạm tội phản bội Tổ quốc hay không. Nhưng rồi họ tuyên bố không đủ bằng chứng kết tội và Toguri được thả. Vài tháng sau đó, khi Iva Toguri làm hộ chiếu trở về Mỹ thì bà bị một nhóm cựu chiến binh Mỹ ngăn chặn. Họ yêu cầu cơ quan chức năng coi bà như kẻ phản bội. Cuộc tranh cãi công khai đã khiến Bộ Tư pháp vào cuộc và FBI được yêu cầu điều tra lại. 

Các cuộc điều tra của FBI dựa trên những hoạt động của Iva Toguri trong vòng 5 năm trước đó. Trong suốt thời gian điều tra, FBI đã phỏng vấn hàng trăm cựu chiến binh Mỹ và những người đã tham gia mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới II, cũng không quên xem lại những tài liệu từ phía Nhật Bản cùng các bài phát thanh của “Bông hồng Tokyo” trên đài.

Tuy nhiên, phần nhiều cuộc ghi âm này đã bị phá hủy nên không có đủ bằng chứng truy tố Iva Toguri vào năm 1946. Nhưng Bộ Tư pháp Mỹ quyết tâm có được bằng chứng để kết tội người phụ nữ này. Họ đăng một bài báo đề nghị tất cả những binh lính Mỹ, những thủy thủ đã từng nghe chương trình phát thanh của Tokyo và những ai nhận ra được giọng của phát thanh viên liên lạc với FBI.

Không chỉ vậy, họ gửi phóng viên và luật sư tới Nhật Bản để tìm kiếm các nhân chứng khác. Với nhân chứng và bằng chứng mới, tòa án truy tố Iva Toguri với một số tội danh mới vào tháng 9-1948. Bà bị bắt tại Nhật Bản và đưa về Mỹ dưới sự giám sát của quân đội. Sau đó, họ bàn giao người này cho FBI vì tội phản quốc, hỗ trợ Chính phủ Hoàng gia Nhật Bản trong suốt Chiến tranh thế giới II.

Năm 1949, bồi thẩm đoàn tuyên bố Iva Toguri có tội. Bản án 10 năm tù giam đã làm cho “Bông hồng Tokyo” trở thành người thứ bảy bị kết án vì tội phản quốc. Ngoài ra bà còn phải nộp phạt 10.000 USD cho tội danh này.

Đích thân Tổng thống Mỹ xin lỗi

Năm 1974, một số phóng viên điều tra phát hiện ra các nhân chứng chính trong vụ việc đã khai báo gian dối và quá trình pháp lý đã bị xâm phạm. Thực tế, theo các cựu binh chiến đấu tại Thái Bình Dương, các chương trình của “0 giờ” không làm mờ ý chí của quân lính Mỹ. Các quân nhân đã được thưởng thức các bản nhạc nổi tiếng, có những giây phút giải trí khi được lắng nghe sự châm biếm hài hước của “Bông hồng Tokyo” trong mỗi lần phát sóng.

Nhờ sự tháo gỡ nút thắt của các phóng viên điều tra, Iva Toguri khi đó đã được minh oan, được tự do và sống cùng cha mình. Không những thế, Tổng thống Gerald Ford còn đứng ra xin lỗi vì đã khiến bà là công dân nữ duy nhất bị kết tội và cũng là người đầu tiên được Tổng thống xin lỗi. Ngoài ra, chính thẩm phán và những kẻ đã làm chứng chống lại bà cũng đã lên tiếng xin lỗi vì những “mù quáng” của họ. Còn người chịu trách nhiệm về vụ án “Bông hồng Tokyo” đã bị truy tố về tội cố ý xét xử sai và hối thúc nhân chứng khai man. Tuy nhiên, cho đến nay vai trò gián điệp của Iva Toguri vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

“Xin chào các bạn! Đây là kẻ thù số 1 của các bạn, người bạn đồng hành của các bạn, Ann mồ côi trên Đài phát thanh Tokyo! Hãy đón nhận sự tra tấn về tinh thần, 75 phút âm nhạc và bản tin thời sự dành cho các bạn - kẻ thù của chúng tôi!”, giọng nói đầy ma lực của Aquino cất lên. Trong suốt 20 phút lên sóng, Iva cũng khéo léo truyền tải tới lính Mỹ những thông tin ở quê nhà, cho họ nghe những bản nhạc đậm chất quê hương và cả những phút giải trí sau những giờ chiến đấu qua giọng đọc truyền cảm, đầy hài hước.