Bọn trộm tranh của Pablo Picasso đã bị bắt như thế nào?

(ANTĐ) - Không nằm ngoài dự kiến của giới chuyên môn, 2 bức tranh của đại danh họa Pablo Picasso và họa sĩ người Brazil Candido Portinari đã được cảnh sát tìm thấy trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Sao Paulo của Brazil hôm 8-1-2008. Để tới được địa chỉ kể trên, cảnh sát đã phải nhờ tới lời khai của 2 nghi can bị bắt trước đó.

Bọn trộm tranh của Pablo Picasso đã bị bắt như thế nào?

(ANTĐ) - Không nằm ngoài dự kiến của giới chuyên môn, 2 bức tranh của đại danh họa Pablo Picasso và họa sĩ người Brazil Candido Portinari đã được cảnh sát tìm thấy trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Sao Paulo của Brazil hôm 8-1-2008. Để tới được địa chỉ kể trên, cảnh sát đã phải nhờ tới lời khai của 2 nghi can bị bắt trước đó.

Giám đốc Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo, ông Julio Neves khẳng định, 2 bức tranh vẫn trong tình trạng nguyên vẹn, không bị hư hỏng, được bọc plastic, xếp dựa vào tường nhà và là tranh thật. Điều này chứng tỏ những tên trộm tranh chưa tìm được người tiêu thụ và không nghĩ tới khả năng bị bắt nhanh đến như vậy.

Tuy đã tìm được tranh, bắt được kẻ tình nghi, song cảnh sát Brazil vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ cách thức đột nhập vào Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo mà bọn trộm đã thực hiện hôm 18-12-2007. Theo lời khai của những nghi can, bọn chúng chỉ sử dụng xà beng và đòn bẩy chạy bằng sức nước để đột nhập vào Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo và đánh cắp tranh.

Toàn bộ vụ đánh cắp chỉ diễn ra trong 3 phút chứng tỏ bọn chúng rất chuyên nghiệp. Ban đầu nhiều người cho rằng, 2 bức tranh sẽ bị bọn trộm tranh bí mật đưa ra nước ngoài để tiêu thụ bởi “Chân dung Suzanne Bloch” là một trong những tác phẩm đắt tiền nhất của Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo.

Nếu không có vụ mất trộm 2 bức tranh trị giá ít nhất 55 triệu USD thì Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo sẽ không thể biết rằng, có tới 8.000 tác phẩm nghệ thuật tại đây đều không được bảo hiểm. Đây là điều không thể chấp nhận đối với Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo, địa điểm được coi là lớn nhất, chuyên lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, cũng như ở Brazil.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tranh của đại danh họa Pablo Picasso bị đánh cắp ở Brazil và lần này là tác phẩm “Chân dung Suzanne Bloch” được ông vẽ năm 1904. Theo kết quả điều tra của cảnh sát, bọn trộm 2 bức tranh kể trên đã lên kế hoạch đánh cắp khá chi tiết, cụ thể bởi chúng động thủ nhanh gọn, chính xác.

Cả 2 bức tranh này đều được trưng bày tại phòng riêng trên tầng hai của Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo. Theo thanh tra Marcos de Moura, người đứng đầu cuộc điều tra cho biết, đây không phải là một vụ trộm nghiệp dư bởi hiện trường cho thấy chúng rất chuyên nghiệp trong việc ăn trộm tranh.

Sau khi bọn trộm đột nhập vào Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo, chuông báo động trên cửa không reo. Camera an ninh tuy quay được cảnh đột nhập nhưng lại không ghi được thời điểm 2 bức tranh bị tháo ra khỏi tường. Ngay sau khi vụ việc được báo cáo, cảnh sát đã đề nghị Bộ Ngoại giao Brazil và nhân viên an ninh quốc tế giúp đỡ điều tra.

Và người sưu tập tranh là một trong những đối tượng bị đưa vào diện nghi vấn chính. Cảnh sát cho biết, trước khi vụ mất 2 bức tranh xảy ra, người ta đã phát hiện có 2 tên trộm đang cố gắng đột nhập vào Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo hồi tháng 11-2007.

Được biết, bọn trộm đã đột nhập vào Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo đúng thời điểm bảo vệ đang đổi gác nên không bị phát hiện. Hơn nữa 2 nghi phạm bị bắt từng có khá nhiều tiền án. Theo phát ngôn viên của Viện bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo, ông Eduardo Cosomano cho biết, đây là vụ trộm đầu tiên trong lịch sử 60 năm của mình.

Theo thống kê, họa sỹ có số tranh bị đánh cắp nhiều nhất hiện nay là Pablo Picasso (290 bức). 3 bức tranh “Maya và con búp bê”, “Marie-Therese tuổi 21” và “Chân dung Jacqueline” của Pablo Picasso trị giá 70 triệu USD cũng từng bị bọn trộm lấy đi tại tư dinh của bà Diana Widmaier Picasso, cháu gái của đại danh họa tại quận 7, Paris, Pháp, nhưng đã được cảnh sát Pháp tìm thấy hôm 7-8-2007.

Cách đây gần 8 năm (25-6-2000), Thổ Nhĩ Kỳ từng tìm thấy bức “Ugly Woman” và đó là bức tranh thứ hai của đại danh họa Pablo Picasso được cảnh sát nước này tìm thấy trong tháng 6-2000. Nhưng vụ mất trộm tại Viện bảo tàng Chacara de Ceu tại Rio de Janeiro, Brazil hôm 24-2-2006 hiện vẫn chưa có kết quả. Được biết, Interpol đã được cơ quan chức năng Brazil mời tham gia tìm giúp bức “The Dance” của Pablo Picasso.

Đích thân Bộ trưởng Văn hóa Jose do Nascimento Jr đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp ra lệnh cho lực lượng an ninh và cảnh sát Brazil áp dụng mọi biện pháp và dốc toàn lực nhằm nhanh chóng truy tìm hung thủ, thu hồi 4 bức tranh về cho Viện bảo tàng Chacara de Ceu, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo Giám đốc Viện bảo tàng Chacara do Ceu, bà Vera de Alencar, bọn cướp đã dùng súng và lửa đạn đe dọa nhân viên bảo vệ tắt toàn bộ hệ thống báo động và hệ thống camera theo dõi trong bảo tàng. Do đó cảnh sát không có nhận dạng của bọn chúng, mà chỉ biết qua lời kể của các nhân chứng.

Điều này chứng tỏ, hoặc bọn chúng có sơ đồ hệ thống an ninh, hoặc có người cung cấp thông tin này cho chúng, hoặc ít nhất bọn chúng đã điều tra, nghiên cứu rất kỹ về bảo tàng Chacara do Ceu trước khi động thủ. Bà Vera de Alencar cho biết, 4 bức tranh bị cướp lấy đi đều thuộc loại có giá nhất của Viện bảo tàng Chacara do Ceu bởi chúng có giá ít nhất 50 triệu USD/bức.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)