Bỏ mạng tìm “miền đất hứa”

ANTĐ - Nhiều người giật mình trước con số từ đầu năm đến nay đã có tới ít nhất 4.100 người bỏ mạng trên hành trình di cư đầy nguy hiểm từ quê hương nghèo khó, loạn lạc tới các “miền đất hứa” Âu-Mỹ.
Bỏ mạng tìm “miền đất hứa” ảnh 1 Một con thuyền chở người nhập cư đang lênh đênh trên Địa Trung Hải

Trong báo cáo “Hành trình chết người: Dõi theo những người thiệt mạng do di cư” công bố ngày 29-9, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã lên tiếng báo động về số người chết mỗi ngày trong hành trình di cư tìm kiếm những nơi tốt đẹp hơn để sinh sống. Theo báo cáo dựa trên một nghiên cứu kéo dài 6 tháng, IOM cho biết trung bình mỗi ngày có 8 người di cư bỏ mạng tính từ năm 2000 tới nay.

Thống kê cho thấy có gần 40.000 người di cư thiệt mạng trong quá trình di cư giai đoạn 2000-2014, trong đó hơn 22.000 người tử vong trên hành trình tới châu Âu; tại khu vực dọc biên giới Mỹ - Mexico là gần 6.000 người; còn tại khu vực sa mạc Sahara và Ấn Độ Dương là 3.000 người. Đặc biệt, số người di cư bỏ mạng trong năm 2014  tăng đột biến. Ước tính, đến thời điểm này, đã có ít nhất 4.100 người thiệt mạng.

Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới số người di cư tới châu Âu nhiều nhất. Đó là đói nghèo, loạn lạc tại các khu vực láng giềng như châu Phi - Trung Đông và bị các tổ chức buôn người dụ dỗ, lôi kéo lừa gạt.

Liên tiếp các cuộc chiến tranh tại Iraq, Libya cũng như bất ổn từ “Mùa xuân Arab” và mới đây nhất là hành vi  tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã làm bùng phát  dòng người di cư từ Bắc Phi, Trung Đông sang châu Âu, vốn chỉ ngăn cách bởi quãng đường biển không dài trên Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, việc kiếm được từ 2.000-4.000 USD với mỗi người muốn di cư sang châu Âu đã kích thích lòng tham của các tổ chức buôn người, chuyên đứng ra tổ chức các “chuyến đi chết chóc” tới “miền đất hứa”.

Là quốc gia ven Địa Trung Hải và trên hải trình chính từ Bắc Phi - Trung Đông tới châu Âu, Italia hàng năm phải đón nhận số lượng người di cư nhiều nhất, đồng thời cũng phải giải quyết nhiều vụ đắm tàu chở người di cư nhất. Sau vụ đắm tàu khiến hơn 400 người di cư thiệt mạng tháng 10-2013, Chính phủ Italia đã triển khai chiến dịch đặc biệt mang tên “Mare Nostrum” (Biển của chúng ta), nhằm cứu sống hàng nghìn người di cư trái phép vào châu Âu trên những con thuyền ọp ẹp và quá tải. 

Liên minh châu Âu (EU) cũng triển khai kế hoạch trợ giúp các nước châu Âu nằm ven Địa Trung Hải như Italia, Cyprus, Hy Lạp, Malta, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đối phó với người tị nạn và đấu tranh với nạn buôn người. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn chưa đủ để ngăn dòng người nhập cư đổ vào châu Âu, đặc biệt là bớt đi cái chết đau lòng của những con người vốn dĩ đã quá nghèo khó và khổ cực.

Với chức năng của mình, IOM hiện đang thực hiện một dự án tìm kiếm người di cư mất tích (MMP) với mục đích không chỉ là cầu nối thông tin giữa người di cư với thân nhân của họ mà còn đóng vai trò cảnh tỉnh những người đang có ý định dấn thân vào các hành trình di cư nguy hiểm. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề vẫn chính là phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội và bình yên tại quê hương những người muốn di cư.