Bình yên - quý giá vô chừng

(ANTĐ) - Sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày thứ Bảy cuối tuần, dòng người lao động xuất khẩu trở về từ Libya - quốc gia Bắc Phi đang xảy ra bất ổn, giữa bao mong ngóng, đón đợi. Lần trở về này có tiếng cười và cả nước mắt đoàn tụ. Bình yên mới hay quý giá vô chừng với mỗi chúng ta.

Thế giới một tuần nhìn lại

Bình yên - quý giá vô chừng

(ANTĐ) - Sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày thứ Bảy cuối tuần, dòng người lao động xuất khẩu trở về từ Libya - quốc gia Bắc Phi đang xảy ra bất ổn, giữa bao mong ngóng, đón đợi. Lần trở về này có tiếng cười và cả nước mắt đoàn tụ. Bình yên mới hay quý giá vô chừng với mỗi chúng ta.

Một lao động nước ngoài rời Libya với nỗi buồn mất việc làm
Một lao động nước ngoài rời Libya với nỗi buồn mất việc làm

Tuần qua, tình hình Libya căng thẳng leo thang với nhiều hệ lụy xấu, New Zealand đau xót sau thảm họa động đất kinh hoàng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tổn thương trước những diễn biến chính trị và thiên tai khó lường. Có tổn thương, có đau xót, mới thấy sự bình yên, an lành quý giá đến nhường nào.

Các nước bày tỏ lo ngại tình hình Libya vì làn sóng biểu tình tại nước này đang đẩy giá dầu mỏ tăng cao. Libya là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới và là nước đầu tiên của nhóm xuất khẩu dầu mỏ OPEC hứng chịu biểu tình quy mô lớn, nên tác động của sự kiện này   lên giá dầu toàn cầu là điều dễ hiểu.

Điều này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Từ bất ổn tới tổn thương là thấy rõ, nền kinh tế toàn cầu hiện dễ tổn thương hơn so với năm 2008, khi giá dầu từng tăng lên 140 USD/thùng. Trong khi đó, một số nước châu Âu còn lường trước nguy cơ dòng người tị nạn Libya từ bên kia bờ Địa Trung Hải sẽ ồ ạt tràn sang khi quốc gia Bắc Phi này thực sự lâm vào nội chiến hỗn loạn.

Khát vọng bình yên còn là mong mỏi của hàng nghìn người dân New Zealand khi tuần qua - ngày 23-2, trận động đất kinh hoàng 6,3 độ richter đã tàn phá ghê gớm thành phố Christchurch lớn thứ nhì quốc gia này.

 Sau thảm kịch, có biết bao câu chuyện kể về tình người và tình yêu. Bà Judy Prime, một công dân 66 tuổi còn sống sót kể: “Những người hàng xóm của tôi đã như trở thành một gia đình sau động đất. Chúng tôi tụ tập lại ở sân, góp với nhau ít thịt và bia còn sót lại trong tủ đông để làm món thịt nướng. Chúng tôi giờ đây có cơ hội chăm sóc lẫn nhau mà những ngày bình thường không có được”.

Rồi chuyện cô gái Emma Howard 23 tuổi bất ngờ bị chôn vùi dưới tòa nhà đổ sập khi đang chuẩn bị lễ cưới. Nhưng như chuyện cổ tích, cô được cứu sống nhờ bàn tay của chính vị hôn phu tương lai và họ tiến hành hôn lễ dù bị mất áo cưới, bánh ga tô… trong đống đổ nát.

“Trong lúc tìm kiếm, anh ấy đã nhắn tin vỗ về tôi: Anh đang ở bên bố mẹ em. Anh yêu em rất nhiều. Ở đây có rất nhiều người cố gắng cứu em ra”, Emma sung sướng kể lại 6 giờ sau khi bị chôn vùi trong tòa nhà sập. Hai ngày sau thảm họa, đôi uyên ương này làm lại lễ cưới trong nước mắt của hạnh phúc khó tin. Không chỉ nơi đây mà hàng triệu người khác ở Trung Đông, Bắc Phi đang cầu cho bình yên trở lại!

Tô Trung Phan