Biệt tài của Tiến sĩ Fauci - cố vấn y tế hàng đầu của Mỹ trong đại dịch Covid-19

ANTD.VN - Chức danh chính thức của Tiến sĩ Anthony Stephen Fauci là Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia, trực thuộc Viện Y tế quốc gia. Nhưng kể từ khi trở thành cố vấn hàng đầu về đại dịch Covid-19 của nước Mỹ, chuyên gia về miễn dịch từng chiến đấu với mọi đại dịch từ AIDS đến Ebola được đông đảo mọi người gọi là “bác sĩ của người Mỹ”.

Tiến sỹ Anthony S. Fauci có mặt ở hầu hết các cuộc họp báo thường ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng từ khi đại dịch Covid-19 bước vào giai đoạn căng thẳng tới nay

Trong thời gian tự cách ly vì tiếp  xúc với nhân viên Nhà Trắng nhiễm Covid-19, Tiến sĩ Anthony Fauci hôm 12-5 đã có buổi điều trần trực tuyến trước một ủy ban Thượng viện  về cách ứng phó dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Một lần nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chuyên gia dịch tễ Anthony Fauci đưa ra quan điểm mâu thuẫn nhau, nhất là việc mở cửa kinh tế trở lại liệu đã an toàn. Tuy vậy, Tiến sĩ Anthony Stephen Fauci (79 tuổi) chứng tỏ ông vẫn là tiếng nói mà công chúng Mỹ thực sự muốn lắng nghe. Và kể cả Tổng thống Donald Trump dù là một lãnh đạo đầy cá tính nhưng cũng “nhún nhường” trước chuyên gia dịch tễ này.

Tony Fauci là ai?

Tiến sĩ Fauci lớn lên ở Brooklyn (New York) trong một gia đình có gốc là những người nhập cư Ý. Bố mẹ ông điều hành một hiệu thuốc. Hồi nhỏ, để giúp bố mẹ mình, ông vẫn dùng xe đạp đi giao hàng, còn đơn đăng ký do chị gái Denise đảm nhiệm. Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, ông Fauci tiết lộ, việc được giáo dục về sự chăm chỉ đặt nền móng cho một cuộc sống dành cho khoa học và dịch vụ công cộng của ông sau này.

Fauci hồi học trung học Regis ở  Manhattan phải mất cả tiếng di chuyển bằng xe buýt và tàu điện ngầm. Mặc dù có khiếu về bóng rổ nhưng chiều cao tương đối khiêm tốn đã thôi thúc ông tìm kiếm một sự nghiệp ngoài thể thao. Thời đại học, ông theo học Holy Cross ở Worcester (bang Massachusetts). Là người yêu lao động, đợt nghỉ hè thời sinh viên, Fauci làm thêm trong ngành xây dựng. Hồi đó, ông tham gia công trình xây tòa nhà mới tại Đại học Y Cornell và tự nhủ với mình một ngày nào đó sẽ là sinh viên trường này. 

Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức vào năm 2017 đến nay, hàng loạt quan chức đã bị sa thải vì có quan điểm trái chiều, trong đó có cựu Giám đốc FBI James Comey, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Nhưng chính sự phức tạp của đại dịch và sự tôn kính dành cho Tiến sĩ Anthony Fauci - người muốn chống lại kẻ thù dịch tễ hơn là chính trị - đã bảo vệ ông cho đến tận bây giờ.

Chỉ 1 năm sau, mong ước đã thành sự thật. Sau khi tốt nghiệp, ông nói với mọi người rằng sẽ đến Viện Y tế quốc gia để nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm. Gần 50 năm trong sự nghiệp gắn bó với Viện, Tiến sĩ Fauci đã trải qua 6 đời Tổng thống như Reagan, George H.W.Bush, Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama. Ông đã cùng họ vượt qua các cuộc khủng hoảng bao gồm các nỗi sợ hãi về bệnh than sau vụ khủng bố 11-9-2001, đại dịch SARS năm 2003, H1N1 năm 2009 và Ebola năm 2014.

Công thức cho sự thành công của sự nghiệp có lẽ gói gọn trong phát biểu của ông  khi dự lễ tốt nghiệp của Đại học bang Ohio năm 2016. Tiến sĩ Fauci chỉ ra phương châm sống: Học suốt đời, mong đợi những điều bất ngờ, phục vụ cộng đồng, làm gương và theo đuổi hạnh phúc. Ông nói thêm, việc theo đuổi mục tiêu yêu thích mang đến niềm vui, hãy tìm nguồn vui cho bạn và nắm lấy nó. 

Tiến sỹ Anthony S. Fauci ôm chúc mừng Nina Pham, y tá đầu tiên bị lây nhiễm virus Ebola năm 2014 để chứng tỏ không nên kỳ thị người đã khỏi căn bệnh truyền nhiễm này

Ấn tượng trong mắt bạn bè và đồng nghiệp

Các cuộc phỏng vấn với bạn bè và đồng nghiệp đã khắc họa châu dung của Tiến sĩ Anthony Stephen Fauci. Đó là một người đàn ông tận tâm với công việc, đầy trọng trách nhưng cũng không quên dành thời gian cho vợ mình, nhà khoa học Christine Grady và 3 cô con gái thành đạt. Bà Christine Grady hết lòng ủng hộ chồng và giống như chồng mình, dù ở tuổi 67, bà vẫn làm việc với cường độ cao, bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh.

Steven Gabbe đã gặp ông Fauci khi cả 2 đang học ở Trường Y Cornell (New York) vào cuối những năm 1960. “Người mà bạn thấy bây giờ trên tivi cùng là một người mà tôi đã gặp hồi đó, thông minh và khiêm tốn”. 

Nhận xét về vai trò của Tiến sĩ Fauci trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, ông Michael Osterholm - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách của Đại học  Minnesota nhận xét: “Ông ấy có khả năng nâng cấp trò chơi của mình lên bất cứ lúc nào cần thiết. Trong mắt công chúng Mỹ, ông ấy là tiếng nói tin cậy mà chúng ta cần đúng lúc này”.

 Ông Eric Goosby nhớ lại, hồi đang điều hành một bệnh viện AIDS đầu tiên của Mỹ vào cuối những năm 1980, ông có tham dự một cuộc họp với ông Fauci ở Washington. Cuộc họp để thảo luận về các loại thuốc mới chống virus HIV đã bị các nhà hoạt động xã hội bao vây, dùng dây xích khóa lại. “Nhiều người lo lắng và sợ bạo lực có thể xảy ra. Tuy nhiên, Tony (tên thường gọi của ông Fauci) nhìn chúng tôi và nói: “Đây là cơ hội để tìm hiểu về sự thất vọng của cộng đồng, là cơ hội để chúng ta học hỏi và cống hiến”. Tôi không bao giờ quên điều đó”.

Matt Sharp, một nhà hoạt động và người sống sót sau đại dịch AIDS ở San Francisco từng tham gia biểu tình phản đối ông Fauci cho biết, Fauci có khả năng biến đối thủ thành bạn bè. Với ông, sự thay đổi trong thái độ, tránh xa sự cứng nhắc của các hoạt động khoa học và hướng tới thực tế đã sớm biến kẻ thù thành bạn suốt đời. “Chúng tôi dần chuyển sang sự tôn trọng lẫn nhau rất thú vị, dù anh hùng trước mặt từng là kẻ thù. Hôm nay, cộng đồng chống AIDS rất vui mừng vì ông ấy là người dẫn đầu những nỗ lực này”.

Thiên tài xóa nhòa rào cản chính trị

“Những người biết Fauci đều ngạc nhiên về cách ông giữ kín quan điểm chính trị của mình. Nói thật, tôi không biết ông ấy theo đảng Dân chủ hay Cộng hòa, nhưng tôi biết ông ấy có được vinh dự và ân sủng tuyệt vời nhờ thiên tài của mình” - ông Matt Sharp nói. Biệt tài đó trở nên đặc biệt có giá trị ở thời điểm hiện tại, khi ông Fauci tiếp tục đóng vai trò “sửa lưng” Tổng thống Donald Trump bằng việc chỉ nói lên sự thật. “Sứ giả của sự thật” là biệt danh nhiều đồng nghiệp đặt cho ông vì sự chính trực, không ngại va chạm với bất kỳ ai, kể cả đó là nguyên thủ quốc gia. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-5 đã lên tiếng phản bác sau khi Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu chính phủ khuyến khích các bang mở cửa trở lại quá sớm. Ông Anthony cho rằng, nếu vội vàng mở cửa trở lại, Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ dịch tái bùng phát “không thể kiểm soát”. Đáp lại cảnh báo này, ông Trump nói: “Ông ấy kiểu nào cũng nói được. Tôi thực sự ngạc nhiên với câu trả lời của ông ấy. Với tôi, đó là câu trả lời không thể chấp nhận được, đặc biệt về việc mở cửa lại trường học”. Phải nói rằng, ông Trump dùng đến cụm từ “không thể chấp nhận được” với tính cách riêng của ông thì đó vẫn thể hiện sự “nhún nhường” khi bày tỏ phản đối.

Trước đó, Tiến sĩ Fauci vàTổng thống Trump đã nhiều lần bất đồng trong cách ứng phó dịch Covid-19. Mâu thuẫn này đã xảy ra từ nhiều tháng qua, cho thấy sự đối đầu chưa từng có giữa khoa học và chính trị trong chiến dịch ứng phó Covid-19 của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định rằng, không có chuyện sa thải Tiến sĩ Fauci. Có lẽ họ gặp nhau ở một điểm, đó là niềm tự hào của người New York, luôn có một thái độ thẳng thắn, quyết liệt mà tinh tế.

Người ta nói rằng, những ngày này Tiến sĩ Fauci mất ngủ vì còn phải đấu tranh với các lực lượng chính trị tranh cãi nhau về việc liệu việc nới lỏng phong tỏa quá sớm có thể khiến bùng phát đợt dịch thứ 2 hay không. Nhưng bạn bè của ông khẳng định rằng, ông sẽ không muốn đi bất cứ nơi nào khác ngoài chiếc “ghế nóng” đó. Nói như ông Michael Oster từ Đại học Minnesota: “Tony chính là người phù hợp nhất với công việc này trong nhiều thập kỷ nay”.