Biển Đông làm "nóng" G-20

ANTD.VN - Dù được coi là diễn đàn chủ yếu về các vấn đề kinh tế thế giới, nhưng Hội nghị thượng đỉnh G20, khai mạc ngày 4-9 tại Hàng Châu, Trung Quốc, lại nóng lên với chủ đề Biển Đông.

Tổng thống B. Obama đưa ra lời cảnh báo Trung Quốc ngay trước khi đặt chân đến Hàng Châu dự Hội nghị thượng đỉnh G20

Nhóm G20 tập hợp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch ngoại thương và 85% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Vì thế, Trung Quốc chỉ muốn hội nghị lần này tập trung vào vấn đề kinh tế. Ấy thế nhưng, một ngày trước khi hội nghị khai mạc, chủ đề Biển Đông đã được nhắc tới khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm và tránh những hành động phô diễn sức mạnh làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. 

Trả lời phỏng vấn kênh CNN, ông B. Obama khẳng định, Mỹ ủng hộ một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình song cần công nhận rằng “sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng cao”.

Ông B. Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc, một bên ký kết UNCLOS, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo công ước: “Nếu bạn ký một hiệp định kêu gọi cần có sự phân xử quốc tế về các vấn đề trên biển, thì thực tế rằng bạn lớn hơn Philippines và Việt Nam hay các nước khác không phải là lý do để bạn diễu võ giương oai. Bạn cần phải tuân theo luật lệ quốc tế...”.

Lời cảnh báo của ông B. Obama không phải không có lý do. Hôm 2-9, Tổng thống Philippines R. Duterte cho biết vừa nhận được một báo cáo tình báo “đáng lo ngại” cho thấy Trung Quốc đã đưa các sà lan đến bãi cạn Scarborough tranh chấp và dường như bắt đầu xây dựng ở khu vực này. Ông R. Duterte nói: “Tôi cho rằng họ đang bắt đầu ở bãi Scarborough và đây sẽ là một vụ gây náo động mới ở đó”.

Nằm cách vịnh Subic gần 200km, bãi Scarborough trở thành “điểm nóng” tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc từ tháng 4-2012, khi Trung Quốc điều tàu đến ngăn chặn Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực trên. Trong khi Philippines cho rằng bãi Scarborough nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này theo luật pháp quốc tế thì Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này.

Sự kiểm soát hiện nay trên thực tế với bãi Scarborough cũng như yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông dựa trên “đường lưỡi bò” bị thách thức nghiêm trọng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines, hôm 12-7, ra phán quyết rằng, các yêu sách chủ quyền và quyền lợi khác của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. 

Mặc dù Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa nhưng nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU… đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng và tuân theo quyết định của tòa, như một hành động thượng tôn pháp luật. Mỹ cũng đặt ra một “lằn ranh giới đỏ” trên Biển Đông, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A. Carter lên tiếng cảnh báo nếu Trung Quốc xây dựng một hòn đảo nhân tạo mới trên bãi cạn Scarborough, Mỹ cũng như các quốc gia trong khu vực sẽ hành động.

Chính vì thế, việc Tổng thống Philippines R. Duterte cảnh báo về những động thái mới của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận. Việc Tổng thống Mỹ B. Obama cảnh báo Washington sẽ có những hành động kiên quyết nếu nhận thấy bất kỳ sự vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế nào tại Biển Đông cho thấy vấn đề Biển Đông sẽ nóng lên lại Hội nghị G20 tại Hàng Châu.

Gần đây, Mỹ đã 3 lần điều tàu hải quân áp sát các thực thể đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên Biển Đông vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động này của Mỹ để khẳng định quyền tự do hàng hải và thách thức các yêu sách của Bắc Kinh tại đây. Nếu tình hình bãi cạn Scarborough phức tạp lên, chắc chắn các hoạt động tương tự vẫn sẽ được Mỹ tiến hành.