Bị tố quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc đổ ngược cho Mỹ

ANTĐ - Ngày 19-2-2016, Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Mỹ quân sự hóa vấn đề ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với các phóng viên rằng, các cuộc tuần tra của máy bay quân sự và tàu hải quân Mỹ, cùng các cuộc tập trận với những nước đối tác của Mỹ trong khu vực là nguyên nhân thực sự khiến cho sự căng thẳng và lo ngại tăng lên, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định ở khu vực.

Trung Quốc... la làng, đổ cho Mỹ gây căng thẳng trên Biển Đông

“Những hành động như vậy đã làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, và đó mới thực sự là hành động quân sự hóa Biển Đông”, Hồng Lỗi ngang ngược bày tỏ.

Trước đó, Mỹ và đối tác Đài Loan đã xác nhận những hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại cho thấy Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Phía Trung Quốc đã không bác bỏ thực tế đó, song ngụy biện rằng họ làm vậy để “bảo vệ lãnh thổ của mình”, cũng như phục vụ cho mục đích xây dựng các ngọn hải đăng, trạm khí tượng và các cơ sở hạ tầng khác để "giúp" cộng đồng quốc tế “giao thương hàng hóa, dịch vụ”.

Trước khi có động thái triển khai tên lửa đầy ngang ngược, Bắc Kinh cũng đã tiến hành xây dựng đảo nhân tạo và thiết lập căn cứ quân sự, nhằm phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông và các nguồn tài nguyên tại đây.

Cùng với Việt Nam, Philippines cũng đã bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng trước thông tin về việc Trung Quốc triển khai tên lửa nói trên.

“Những hành động đó đã phủ nhận các cam kết trước đó mà Trung Quốc đưa ra, là không quân sự hóa Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố.

Với lời tuyên bố ngang ngược của người phát ngôn Hồng Lỗi, Bắc Kinh đang cố gắng đẩy lời cáo buộc quân sự hóa sang phía Mỹ, mặc dù cộng đồng quốc tế đều đã thấy rõ những hành vi vi phạm trắng trợn những cam kết và thỏa thuận đã ký của Trung Quốc.