Bí mật đen tối sau những "thương vụ" hôn nhân trẻ em ở Thái Lan

ANTD.VN -Ở Malaysia, đàn ông muốn kết hôn với trẻ vị thành niên sẽ phải xin phép tòa án Hồi giáo (sharia) với những thủ tục ngặt nghèo. Bởi vậy, "lối tắt" cho những người này là đến Thái Lan.

Một ngày hè nắng lửa vài tháng trước, Ayu, cô bé mới 11 tuổi bước vào nhà thờ nhỏ bên bờ sông Golok ở phía nam Thái Lan để kết hôn với người chồng 41 tuổi Che Abdul Karim. Sáng hôm đó, Che Abdul Karim và cô dâu Ayu đã đi từ Malaysia để đến tỉnh Narathiwat, nơi diễn ra lễ cưới. Nghi thức giản đơn kéo dài đến 11h, sau đó họ đến Hội đồng Hồi giáo địa phương để lấy giấy chứng nhận kết hôn, rồi lại trở về Malaysia.

Ayu là người vợ thứ ba của Che Abdul Karim.

Ayu hôn tay người chồng mới cưới 41 tuổi theo nghi thức 

Ở Malaysia, nơi đàn ông có thể kết hôn với trẻ vị thành niên nếu họ được tòa án Hồi giáo (sharia) thông qua, những trường hợp như của Ayu gây nên sự phản đối kịch liệt trong quốc hội và cả trên đường phố. Nhưng chỉ cần vượt qua biên giới Thái Lan, nơi điều đó vẫn là vấn đề tranh cãi, thì phản ứng của cả chính phủ lẫn giới chức tôn giáo gần như không có.

“MÓN HỜI” CHO RẤT NHIỀU NGƯỜI

Hashim Yusoff, người thầy tế đứng ra ban phép cho đám cưới, bảo vệ sự sắp đặt đó với lý lẽ là Ayu đã “trưởng thành”, nên đám cưới “sah” (hợp pháp - theo luật sharia của đạo Hồi). Hashim đã yêu cầu Che Abdul - cũng là một thầy tế ở làng của ông ta - không được quan hệ tình dục với cô dâu trẻ tuổi, nhưng các xét nghiệm sau đó cho thấy người đàn ông 41 tuổi đã không giữ lời hứa của mình.   

Bố của Ayu, Madroseh Romadsa, người cũng có mặt tại đám cưới, nói một cách đơn giản: “Chúng tôi không làm điều gì sai cả. Ở Thái Lan, nhiều người cũng kết hôn khi còn rất trẻ”.

Bí mật đen tối sau những "thương vụ" hôn nhân trẻ em ở Thái Lan ảnh 2 

Từ năm 2003, khi những quy định pháp luật nghiêm ngặt về bảo vệ trẻ em được thực thi, không ai được phép kết hôn khi chưa đủ 17 tuổi và hành vi quan hệ tình dục với trẻ em là phạm pháp. Tuy nhiên ở các tỉnh phía cực bắc nước này, gồm Narathiwat, Pattani và Yalla, nơi cộng đồng đa số là người theo Hồi giáo, vẫn tồn tại lỗ hổng pháp lý cho phép luật đạo Hồi được thực thi.

Theo luật này, hoàn toàn không có tuổi tối thiểu cho hôn nhân và các bé gái được coi là trưởng thành khi chúng bắt đầu có kinh nguyệt. Chính vì vậy, đám cưới trẻ em vẫn tiếp tục xảy ra và những gì chính phủ làm chỉ là “mắt nhắm mắt mở” cho qua.

“Ở đây nếu một đứa con gái không cưới trước 16 tuổi, người ta sẽ coi đó là quá muộn và không có ai thèm lấy nó”, Amal Lateh, một phụ nữ sống ở Pattani bị ép lấy người họ hàng hơn cô 10 tuổi lúc mới 15 tuổi cho hay.

Lỗ hổng pháp lý cũng được miêu tả như một món hời với dịch vụ tổ chức kết hôn xuyên biên giới. Những người đàn ông Malaysia nhập cảnh Thái Lan có thể dễ dàng kết hôn với trẻ em hoặc cưới nhiều vợ, trong khi để được chấp thuận việc này ở Malaysia, họ sẽ phải làm rất nhiều thủ tục. 

Mohammad Lazim là một người điều hành đường dây tổ chức kết hôn như vậy. Anh ta ký hợp đồng với hơn 50 chú rể mỗi năm, phần lớn là cưới vợ hai hoặc ba, song Lazim từ chối làm dịch vụ lấy vợ vị thành niên. Do đó, công ty của Lazim hoạt động ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với những doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực. 

 

“Người ta đến từ mọi miền của Malaysia”, Lazim cho biết, “Việc kinh doanh đang nở rộ. Thay vì phải đệ đơn lên một tòa án sharia ở Malaysia và trả lời tất cả những câu hỏi cực khó - một quá trình thậm chí có thể tốn tới 1 năm - thì đường tắt là đến Thái Lan”.

Mối lợi cũng đến với các thầy tế khi họ kiếm được gấp 4 lần khi tổ chức đám cưới cho du khách Malaysia, so với người bản địa.

Ở Malaysia, Che Abdul Karim sẽ rất khó khăn để xin cưới được Ayu; nhưng khi sang Thái Lan, ông ta chỉ phải trả cho thầy tế 4.500 baht (3,2 triệu đồng). Karim từng bị một tòa án sharia phạt 1.800 ringgit (khoảng 10 triệu đồng) vì đa thê và cưới vợ khi chưa được tòa cho phép.

VẤN ĐỀ NHẠY CẢM

Wannakanok Pohitaedaoh, người bị ép vào một cuộc hôn nhân bạo lực khi mới 13 tuổi, hiện điều hành một nhà cứu trợ trẻ em ở Narathiwat. “Vấn đề lớn nhất với hôn nhân trẻ em ở Thái Lan là không ai muốn nói về nó - Hội đồng Hồi giáo không, các thầy tế không và chính phủ cũng không. Giống như múa gậy trong bị, họ muốn nó ở yên tại đó”.

Giờ đã 34 tuổi, Wannakanok vẫn còn ký ức kinh khủng về những gì mình trải qua. “Khi anh ta đòi quan hệ tình dục, tôi vẫn chưa sẵn sàng. Tôi thậm chí còn không biết chính xác nó là gì, và tôi từ chối. Vậy là anh ta cưỡng hiếp tôi”, cô kể lại, “Mỗi lần muốn quan hệ, anh ta lại trở nên cực kỳ bạo lực”.

Bí mật đen tối sau những "thương vụ" hôn nhân trẻ em ở Thái Lan ảnh 4 

Wannakanok phải lấy chồng khi mới 13 tuổi

Theo Wannakanok, rất nhiều bạn bè cùng trang lứa của cô cũng rơi vào tình cảnh tương tự. “Nhiều đứa phải lấy chồng ở tuổi 12-13, với những người đàn ông già hơn nhiều lần, 30-40 tuổi. Và vì chúng tôi còn quá nhỏ để đáp ứng được nhu cầu tình dục của họ nên bạo lực xảy ra như cơm bữa”, Wannakanok cho biết.

Phần lớn bạn gái của Wannakanok có thai ở tuổi 14. Đến giờ cô vẫn thường xuyên nghe được những câu chuyện tương tự như của cô và Ayu. Ví dụ như Naa, một cô bé 13 tuổi đang sống ở nhà cứu trợ Luk Riang khi bố mẹ cô bé đến Malaysia làm việc. “Mẹ cô bé đến đón con nhưng không lâu sau đó họ gả cô bé cho một người đàn ông 40 tuổi làm vợ lẽ”, Wannakanok nói, “Gia đình họ quá nghèo và cô bé là một gánh nặng tài chính, nên họ mới gả bán đi”.

Không có một con số thống kê chính xác cho tình trạng trẻ em kết hôn ở Thái Lan, song dữ liệu từ một tổ chức nhân quyền cho thấy, riêng năm 2016 đã có 1.100 trẻ vị thành niên sinh con ở bệnh viện công thuộc tỉnh Narathiwat. Con số này chưa tính tới 3 tỉnh khác, nơi chấp nhận hôn nhân vị thành niên, cũng như số tự sinh nở tại các phòng khám tư và tại nhà.

Dù vậy, chính phủ Thái Lan lại tỏ ra miễn cưỡng trong việc xử lý vấn đề này. Nguyên nhân của nó bắt nguồn từ sự nhạy cảm liên quan đến quyền tự quyết của cộng đồng Hồi giáo ở cực Nam Thái Lan. Trong vòng 14 năm, những cuộc bạo loạn đã liên tiếp xảy ra ở 3 tỉnh Narathiwat, Pattani và Yala, nơi từng là một tiểu vương quốc Hồi giáo bị chính phủ Thái Lan sát nhập vào đầu thế kỷ 20. Các cuộc xung đột đã yên ắng mấy năm qua, song các cuộc đánh bom và xả súng vẫn thường diễn ra giết chết gần 7.000 người, trong đó 90% là dân thường.

Chính vì vậy, các chính sách áp đặt ở miền Nam thường bị coi là nguyên nhân gây xảy ra xung đột. Chính phủ Thái Lan với hàng nghìn binh sĩ đóng quân ở miền Nam, rất ít khi can thiệp vào nội bộ vấn đề “tôn giáo nhạy cảm” ở khu vực này.

Suraporn Prommul, nghị sĩ tỉnh Narathiwat gần đây đã có cuộc gặp với Hội đồng Hồi giáo địa phương về vấn đề hôn nhân trẻ em. Thỏa thuận duy nhất họ đạt được đó là các đám cưới có liên quan đến cô dâu vị thành niên và chú rể người nước ngoài từ giờ sẽ phải được tiến hành ở văn phòng của Hội đồng Hồi giáo tỉnh, để các thành viên hội đồng có thể giám sát.

Song quy định này không có điều khoản đảm bảo thi hành.

CHƯA TÌM RA LỐI THOÁT

Sau những tranh cãi về đám cưới của Ayu ở Malaysia, trong tháng này cô bé cùng cha mẹ sẽ trở về Thái Lan. Song các nhà hoạt động về quyền trẻ em lo ngại rằng sự hờ hững của chính phủ Thái Lan về vấn đề này đồng nghĩa với việc Che Abdul Karim, kẻ vẫn tiếp tục sống ở Malaysia sẽ không bao giờ bị buộc tội tảo hôn và xâm hại trẻ em.

Những hậu quả của việc tảo hôn đã được chứng minh là đe dọa nghiêm trọng sức khỏe tâm thần và thể chất của các bé gái, song cũng đồng thời là nguyên nhân của sự đói nghèo. Trẻ em gái ở miền Nam Thái Lan thông thường sẽ bỏ học khi phải lấy chồng. Rất nhiều trong số đó ly hôn sau khi đã có con thậm chí trước khi đủ 18 tuổi.

Suranya Litae, một nạn nhân khác của tục tảo hôn, cùng cậu con trai 7 tuổi

Ông Safei Cheklah, người đứng đầu Hội đồng Hồi giáo ở Narathiwat cho dù nhấn mạnh rằng hội đồng đã “định hướng” rằng trẻ em dưới 18 tuổi không nên kết hôn, và thừa nhận rằng việc đó “không phù hợp”, song vẫn bảo vệ cho những đám cưới kiểu này: “Dựa trên nguyên tắc của đạo Hồi, người cha có thể cho phép con gái mình lấy chồng miễn là nó đã trưởng thành về thể chất”.

Theo thư ký của Hội đồng Hồi giáo, Abdul Razak Ali, người có mẹ chỉ mới 13 tuổi khi kết hôn với người cha 70 tuổi của mình, cho phép những người dưới 18 tuổi kết hôn là một cách để ngăn chặn các trường hợp ngoại tình hoặc quan hệ tình dục bất hợp pháp. Điều này cũng hiểu là việc buộc các cô gái vị thành niên bị cưỡng hiếp kết hôn với những kẻ hiếp dâm.

Cách đây không lâu ở Yala, một cô bé 15 tuổi bị hãm hiếp và 2 ngày sau vụ việc, Hội đồng Hồi giáo địa phương đã đến nhà để tìm cách ép cô cưới kẻ hiếp dâm. “Họ nói điều đó là tốt nhất cho cô bé”, Angkhana Neelapaijit, một nhà hoạt động nhân quyền ở Thái Lan cho biết.

Trong thế giới Hồi giáo đang có một cuộc vận động hướng tới việc hình sự hóa hành vi kết hôn với trẻ em. Algeria, Oman, Bangladesh, Pakistan, Ai Cập, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ đã đều hạn chế độ tuổi tối thiểu được kết hôn là 18, và gần đây Indonesia cũng đã chuẩn bị một nghị định để lấp lỗ hổng khiến trẻ em bị buộc kết hôn.

Ngay cả các nhà từ thiện cũng tránh né vấn đề này. Aiyub Chena, phó giám đốc tổ chức phi chính phủ Hồi giáo Nusantara cũng cho rằng hôn nhân trẻ em bảo vệ các bé gái khỏi sự kỳ thị nếu chúng bị bắt khi ở cùng với một người đàn ông.

“Anh có thể thay đổi luật nhưng sẽ không thay đổi được xã hội ở đây. Nó có nghĩa là những bé gái mang thai khi chưa kết hôn sẽ bị ruồng bỏ, và con của chúng cũng sẽ không được chấp nhận”, Aiyub Chena nói.

Ở một ngôi làng nhỏ thuộc quận Sai Buri, Pattani, những người phụ nữ ngồi kể cho nhau nghe về việc hôn nhân cưỡng ép vẫn tồn tại ở miền Nam nước này. Họ nói về những “người thúc đẩy” thường đến làng thay mặt những người đàn ông tìm vợ.

“Khi họ đến các nhà, họ không hỏi việc đó một cách trực tiếp. Họ sẽ hỏi những câu như ‘Ông bà có cừu hay dê non để bán không?’. Mọi người đều hiểu, câu đó có nghĩa là họ đang tìm một cô dâu để cưới”, Amal Lateh, người bị ép lấy chồng lúc 15 tuổi kể, “Thỏa thuận sau đó diễn ra giữa người môi giới và bố cô gái, trong khi các cô bé không được nói gì”.

Suranya Litae, một nạn nhân khác của tục tảo hôn, người bị ép lấy chồng lúc 15 tuổi để cứu vãn tình trạng tài chính của gia đình cho biết, cô cảm thấy giận dữ vì pháp luật không bảo vệ các cô gái khỏi tình trạng hôn nhân trẻ em.

“Tôi không muốn lấy chồng. Tôi đã khóc rất nhiều, tôi muốn bỏ trốn”, cô nói, “Nhưng gia đình tôi cần tiền để xây nhà. Khi đó, lấy chồng có nghĩa là tôi buộc phải chấm dứt việc học hành”.

Với vẻ mặt buồn bã, Suranya xoa đầu đứa con trai 7 tuổi, Afdon: “Tôi từng mơ ước được làm cô giáo. Nhưng nó sẽ không bao giờ thành hiện thực”.