Bí mật 18 năm của người giàu nhất châu Á

ANTĐ - Lần đầu tiên, doanh nhân Hồng Kông (Trung Quốc) Li Ka-shing - người giàu nhất châu Á đã tiết lộ chi tiết vụ bắt cóc con trai cả của ông, Victor Li Tzar-kai 18 năm trước. Trong vụ bắt cóc chấn động nhất châu Á thập niên 1990 này, số tiền chuộc lên tới tiền tỷ đã vào tay trùm “xã hội đen” Cheung Tze –keung nhưng tỷ phú Li Ka-shing không hề báo cảnh sát. 

Gia đình hạnh phúc của ông Li Ka-shing khi 2 con còn nhỏ

Kẻ bắt cóc nhờ cha con tin tư vấn

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, tỷ phú Li Ka-shing cho biết, đối tượng   Cheung Tze-keung  đã ngang nhiên có mặt tại nhà ông đúng hôm con ông bị bắt cóc ngày 23-5-1996, yêu cầu 2 tỷ đô la Hồng Kông và bỏ đi với 1 tỷ đô la Hồng Kông . 

Trả lời trên tờ Southern  Metropolis Daily có trụ sở ở Quảng Châu, nhà tài phiệt 85 tuổi nhớ lại, ông đã nói với tên gangster đó rằng: “Chỗ này chỉ có đủ 1 tỷ tiền mặt. Nếu cần, tôi có thể đến ngân hàng và rút số còn lại”. Hôm đó, ông còn khuyên hắn: “Giờ anh đã có đủ tiền để sống sung túc cả đời. Khi còn cơ hội, hãy “cao chạy xa bay”. Hãy hối cải, làm người lương thiện đi. Nếu còn quậy lần nữa, không ai giúp được anh đâu”.

Được hỏi sao ông lại có thể bình tĩnh đến vậy, vị tỷ phú đáp, đó là do lỗi bất cẩn, ông là người nổi tiếng Hồng Kông nhưng không cảnh giác tự bảo vệ mình. Ông cũng cho biết, ông thường dậy rất sớm đi đánh golf buổi sáng, xe cộ trên đường khi đó đã đông nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến vấn đề an ninh.

Hôm đó, Cheung và đồng bọn trang bị 2 khẩu AK-47, 7 súng ngắn và 4 áo chống đạn  bắt cóc Victor Li, 31 tuổi, con trai cả của tỷ phú Li Ka-shing trên đường Deep Water Bay khi anh này từ văn phòng về nhà. Victor Li được đưa đến khu vực  Shouson Hill Road West, bị bịt mắt, trói tay rồi chuyển tới một nơi bí mật.

Ông Li Ka-shing còn tiết lộ rằng chừng vài tháng sau, Cheung Tze-keung đã gọi điện thoại cho ông để được tư vấn.

- Tại sao anh gọi đến?

- Ông Li, tôi nghiện cờ bạc nặng và mất hết cả tiền. Ông có thể chỉ cho tôi cách đầu tư an toàn khác? - Cheung nói.

- Tôi chỉ có thể dạy anh cách làm người lương thiện, nhưng nếu hỏi chuyện khác, tôi e là không có câu trả lời. 

Cheung Tze-keung trong phiên xét xử tại Quảng Đông năm 1998

Lời chiêm nghiệm chính xác 

Cheung Tze-keung là đối tượng có khá nhiều chiến tích bất hảo. Theo hồ sơ tội phạm, y lọt vào danh sách tội phạm bị truy nã gắt gao nhất Hồng Kông và năm 1991 đã bị kết án 18 năm tù. Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau, Cheung được thả sau khi chống án. Sau khi ra tù, Cheung được mô tả là con bạc khát nước, thường nướng hết tiền vào các sòng bạc ở Macau (Trung Quốc). Tụ tập thành viên băng đảng từ nhiều địa phương khác nhau của Trung Quốc, nhóm của Cheung hoành hành bằng cách tổ chức cướp của, giết người và bắt cóc.

 Một bài báo trên tờ The Business Times năm 1998 cho biết, Cheung Tze -keung đã ấp ủ kế hoạch bắt cóc từ đầu năm 1995 và mục tiêu của hắn là lần lượt bắt cóc 10 người giàu nhất Hồng Kông. Ở vụ bắt cóc Victor Li, ban đầu Cheung đòi tiền chuộc 2 tỷ đô la Hồng Kông. Lo cho tính mạng của con trai, ông Li đã đồng ý trả số tiền này. Cheung sau đó đã một mình đến nhà họ Li với thuốc nổ quấn quanh người để nhận tiền chuộc. Gia đình tỷ phú Li vốn sở hữu một tập đoàn các doanh nghiệp bán lẻ, ngân hàng, bất động sản và nhiều ngành nghề kinh doanh khi đó không có đủ 2 tỷ đôla tiền mặt một lúc nên Cheung chấp nhận lấy 1 tỷ. Một ngày sau khi bị bắt, Victor Li đã được phóng thích.

Hơn 1 năm sau, Cheung cùng các thành viên băng đảng thực hiện vụ bắt cóc thứ hai hôm 29-9-1997, mục tiêu là tỷ phú Walter Kwok. Gia đình Kwok được đánh giá là giàu thứ 2 sau gia đình họ Li. Doanh nhân bất động sản Walter Kwok đã bị đánh đập, lột đồ lót, bị nhốt trong 6 ngày. Ông trùm này đã từ chối hợp tác với nhóm bắt cóc, khiến nhóm của Cheung phải hạ tiền chuộc xuống 600 triệu đôla Hồng Kông.

Tháng 7-1998, cảnh sát Hồng Kông nhận được mật báo Cheung và băng đảng vận chuyển một món hàng đáng ngờ qua biên giới. Qua kiểm tra, đó là khoảng 800kg thuốc nổ, toàn bộ số vật liệu nổ này được cho là để sử dụng đánh bom một nhà tù. Cheung cùng 4 trợ thủ bị bắt. Đúng như lời của tỷ phú Li Ka-shing hồi đó rằng “hãy hối cải nếu không sẽ có kết cục buồn”, Cheung đã bị tử hình vì các tội giết người, bắt cóc, cướp của và buôn lậu thuốc nổ. Cho đến sau này, gia đình tỷ phú Li Ka - shing vẫn còn ám ảnh về sự việc đó. Vì thế hiện nay, ông Victor Li hiếm khi xuất hiện nơi công cộng mà không có vệ sĩ đi cùng. 

Tỷ phú Li Ka-shing đã sẵn sàng “nhường ngôi” cho con trai cả Victor Li

Khi nhà tài phiệt trải lòng

Ông Li Ka-shing, người giàu nhất châu Á rất ngại trả lời phỏng vấn trên báo chí nhưng tờ Southern Metropolis Daily số cuối tháng 11-2013 vốn mạnh về mảng phóng sự điều tra và phản biện đã đăng tải bài phỏng vấn với nhân vật này dài 6 trang, tổng số tới hơn 20.000 chữ. Ngoài những tình tiết về vụ bắt cóc nói trên, ông cũng tâm sự rất nhiều về gia đình, chính trị, tình hình thị trường và Hồng Kông.

 Ông Li Ka-shing, Chủ tịch Tập đoàn Trường Giang, Hutchinson Whampoa và Li Ka Shing Foundation cho biết, nếu có thể quay ngược thời gian để bắt đầu lại, có lẽ ông sẽ là một chính trị gia. Nhưng với người dân Hồng Kông, họ thường gọi ông là “siêu nhân” bởi những nỗ lực phi thường của ông trong cuộc sống và sự nghiệp kinh doanh. Là người gốc Triều Châu, ông Li Ka-shing bỏ học năm 12 tuổi, mồ côi cha năm 15 tuổi, đi làm công nhân nhà máy, rồi khởi nghiệp từ xưởng nhựa ở Hồng Kông. Năm 1987, lần đầu tiên ông xuất hiện trong danh sách các tỉ phú thế giới của Forbes. Đến năm 2012, tài sản của Li Ka-shing ước tính là 31 tỉ USD, ông trở thành người giàu nhất châu Á và giàu thứ 8 trên thế giới. Tài sản gia đình ông trải từ bất động sản, cảng biển, đường dây điện, cung cấp nước tới siêu thị, cửa hàng dược phẩm và viễn thông, chưa kể các chi nhánh ở 52 quốc gia. Tính trung bình, cứ 7 khu dân cư ở Hông Kông thì có một là do công ty ông làm chủ đầu tư.

Trong cuộc phỏng vấn, tỷ phú Li khá cởi mở khi nói về gia đình mình. Vợ ông đã mất, hiện ông sống cùng 2 con trai và các cháu. “Chúng tôi có rất nhiều điểm chung”, ông nói về con trai cả Victor Li Tzar-kai. “Khi còn trẻ, tôi không nhiệt tình lắm với các hoạt động xã hội, Victor cũng vậy. Đó là một người chồng, người cha tốt, nghiêm túc, cẩn thận trong công việc, thận trọng và hòa nhã với nhân viên công ty. Nhưng Victor hơn tôi bởi có được nền tảng giáo dục tuyệt vời và vốn tiếng Anh nữa”, người cha nhận xét. “Tôi yêu cả hai” - ông nói “Richard thông minh và linh hoạt. Nó có tính ham vui nhưng cũng coi trọng công việc. Sự nghiệp của Richard tiến bộ dần nên tôi cảm thấy an tâm”. 

 Được biết, những ngày chưa có internet, Victor Li, người thừa kế của gia tộc giàu nhất châu Á, thường phải ngủ lăn lóc cạnh chiếc máy fax, sẵn sàng nhận mệnh lệnh liên tiếp từ người cha vì ông Li Ka-shing có thể dựng con dậy giữa đêm khuya. Tỷ phú “lão làng” Li Ka-shing cho biết, ông đã sẵn sàng ngừng làm việc nhưng “do sự bất ổn chính trị và kinh tế thế giới, tôi chưa đặt ra thời điểm nghỉ hưu cụ thể”. Mãi tới tháng 5-2013, ông mới chính thức chỉ định Victor làm người thừa kế các cổ phần. Ông tin rằng Victor, năm nay 49 tuổi có thể đảm nhận quyền quản lý tập đoàn bất cứ lúc nào.