Bi kịch nếu Anh rời EU

ANTĐ - Việc một thành viên quan trọng và có ảnh hưởng như nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ là một bi kịch cho liên minh gồm 28 thành viên này.

Bi kịch nếu Anh rời EU ảnh 1Nước Anh dự định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý xem có tiếp tục ở lại hay rút khỏi EU

Phát biểu mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã không ngần ngại tuyên bố một cách lo ngại rằng: Nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, đó sẽ là một bi kịch. Sự lo lắng của người đứng đầu Chính phủ Pháp diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu  sắp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trong tháng 2 tới nhằm bàn về vấn đề cải cách liên minh, một điều kiện tiên quyết mà Anh đặt ra, nếu không sẽ xem xét việc “ly khai” khỏi liên minh này.

Trong cuộc điện đàm ngày 25-1 với người đồng cấp Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron đã nhấn mạnh rằng, các nước thành viên cần nỗ lực hơn nữa để đạt được thỏa thuận về cải cách EU trước khi London mở cuộc trưng cầu ý dân về việc ra đi hay ở lại liên minh. Ông Cameron cũng từng tuyên bố thẳng rằng nếu đạt được thỏa thuận thì nước này sẽ vận động cho việc tiếp tục gắn bó với EU.

Anh là một trong những thành viên đầu tiên và là thành viên có tiềm lực kinh tế mạnh hàng đầu và ảnh hưởng lớn trong EU. Tuy nhiên, cùng với tiến trình mở rộng liên minh, kết nạp thêm nhiều thành viên mới có nền kinh tế không phát triển… cũng như các vấn đề mới nảy sinh, đặc biệt là vấn đề nhập cư đã khiến việc làm thành viên EU tạo ra “gánh nặng” cho nước Anh. Vì  thế, Anh đã đặt điều kiện phải cải cách EU nếu muốn nước này tiếp tục ở lại.

Trong yêu cầu cải cách 4 điểm mà Anh đặt ra cho EU, một trong những điểm được cho là khó đạt sự đồng thuận nhất là yêu cầu của London "đóng băng" các khoản phúc lợi ngoài lương đối với công dân EU nhập cư cho đến khi họ đã có 4 năm làm việc tại Anh. Lý do mà Anh đưa ra là bởi lượng người nhập cư vào nước Anh đang ở mức quá cao, lên tới 330.000 người mỗi năm, gây quá tải cho hệ thống phúc lợi xã hội nước này.

Trường hợp những yêu cầu cải cách EU của London không được giải quyết tại Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh này trong tháng 2 tới, điều đó sẽ là nhân tố then chốt thúc đẩy Anh rời khỏi liên minh và đó sẽ là bi kịch như sự lo ngại của Thủ tướng Pháp. Tuy nhiên, bi kịch này không chỉ ở một phía mà sẽ là bi kịch với cả EU và nước Anh.

Việc một cường quốc tầm cỡ thế giới chứ không riêng ở châu Âu như Anh (nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, là thành viên quan trọng của G-7, Nhóm G-20, “đầu não” của Khối thịnh vượng chung gồm 54 thành viên…) rời bỏ sẽ làm sa sút nhất định vai trò, ảnh hưởng và tiếng nói của EU trên toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh EU đang rất cần xốc lại sự đoàn kết và sức mạnh chung để giải quyết các thách thức lớn đang đặt ra cho liên minh như vấn đề nhập cư, khủng hoảng nợ công… thì sự “ly khai” của Anh có thể làm cho tình hình tồi tệ thêm.

Ngược lại, rút khỏi một tổ chức khu vực mạnh hàng đầu thế giới như EU cũng mang lại “mất mát” khôn lường cho Anh về kinh tế cũng như vai trò và ảnh hưởng toàn cầu. Đó là chưa kể nguy cơ nước Anh sẽ bị thành viên quan trọng trong Liên hiệp Vương quốc Anh là Scotland “ly khai” bởi họ ủng hộ EU.