Bi kịch của những phụ nữ xa nhà
(ANTĐ) - Không ai biết liệu cậu bé Yunus, 1 tuổi, sẽ có ngày được gặp mẹ mình một lần nữa. Cũng giống như khoảng 6 triệu người Indonesia khác, mẹ của Yunus phải rời xa gia đình để đi tìm việc làm. Cô được một gia đình giàu có ở Saudi Arabia thuê làm việc. Nhưng một ngày, khi đi làm ở trang trại của người chủ, cô đã bị hai gã kẻ xấu làm nhục. Và Yunus là kết quả của nỗi đau đớn đó.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi |
Do quá tủi nhục, cô đã phải để Yunus cho bà Normawati, 50 tuổi và người bạn thân Ibu Herlina, 53 tuổi, nuôi dưỡng. Mặc dù là những người thân trong gia đình, nhưng hai người phụ nữ đang nuôi giữ cậu bé Yunus vẫn không muốn sau này cậu sẽ biết về người mẹ đẻ của mình, chứ chưa nói đến người cha của cậu.
Hoàn cảnh của Yunus chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp liên quan đến cuộc sống của những người lao động di cư và bản thân bà Normawati cũng đã quá biết những hoàn cảnh giống như của Yunus. Quả thực, bà Normawati hiện đang nuôi dưỡng khoảng gần chục đứa cháu lai bị bỏ rơi. Trong ngôi nhà của bà Normawati, Yunus có một người chị nuôi Nadia cùng chung cảnh ngộ.
Mẹ của Nadia từng đi xuất khẩu lao động tại Kuwait. Cô đã phải bỏ về nước sau khi bị người chủ hãm hiếp. Cả Yunus và Nadia đều được sinh ra tại Jakarta, nhưng không giống như những đứa trẻ khác, chúng lại mang những nét bề ngoài của người Arab. Bà Normawati cho biết, ước tính ở Jakarta và những vùng lân cận có khoảng vài chục trẻ em được sinh ra do nạn hiếp dâm công nhân nữ đi xuất khẩu lao động. Chúng bị những người mẹ bỏ rơi và rất hiếm khi họ quay trở lại hoặc liên hệ với chúng.
Toàn cầu hóa tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động do thị trường lạo động được mở rộng hơn. Hiện nay, phụ nữ chiếm tới 50% trong số 100 triệu công nhân lao động di cư của toàn thế giới. Những lao động di cư này cũng góp phần đáng kể vào nguồn thu của quốc gia. Năm 2008, những người Indonesia làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là làm những công việc gia đình ở các nước Đông Âu và một số nước châu á, đã đóng góp khoảng 6,8 tỉ USD vào nền kinh tế quốc gia thông qua những khoản tiền, hàng gửi về trong nước.
Tuy nhiên, đi lao động ở nước ngoài cũng dẫn đến lắm bi kịch xã hội phức tạp, đặc biệt là khi những người đóng vai trò nội trợ trong gia đình lại phải đi lao động phổ thông ở nước ngoài. Họ thường bị gia đình chủ nhà ngược đãi, bóc lột sức lao động tàn tệ, mỗi ngày phải dậy sớm làm việc quần quật đến đêm khuya mới được nghỉ. Việc nặng, việc nhẹ trong nhà họ đều phải làm. Thậm tệ hơn, ngày càng có nhiều người lao động bị lạm dụng, hãm hiếp, thậm chí có cả những trường hợp bị chủ sát hại. Bà Normawati cho biết, mặc dù, rất khó có được những con số thống kê chính xác, nhưng ngày càng phải chứng kiến nhiều người phụ nữ Indonesia mang trong mình những đứa con lai trở về nước.
Tình trạng lạm dụng thể xác và tình dục những người Indonesia xuất khẩu lao động ở một số nước đã đến mức báo động khiến Jakarta phải xem xét một số lệnh cấm đi lao động ở một số nơi nhất định. Bộ trưởng Bộ Nhân lực và Di cư Muhaimin Iskander cho biết, những người lao động có thể sẽ sớm bị cấm đi lao động ở Saudi Arabia và Jordan nếu có những chứng cứ xác thực cho thấy Chính phủ những nước này không có những sự bảo trợ đầy đủ đối với người lao động Indonesia. Trong nhiều trường hợp, những lao động nữ bị người chủ hãm hiếp. Sau khi những ông chủ phát hiện họ mang thai với mình liền đẩy đuổi họ ra ngoài đường nhưng lại không trả lại hộ chiếu. Những bà mẹ bất hạnh này vô tình trở thành người lang thang, không nơi nương tựa, nếu không may họ sẽ bị cảnh sát bắt tống giam. Đôi khi họ bị trục xuất trước khi đứa bé trong bụng ra đời.
Bà Ibu Herlina cho biết, mặc dù rất đau lòng trước cảnh ngộ của những đứa trẻ bị ruồng bỏ, nhưng có lẽ như vậy cũng vẫn tốt cho chúng. Vì những người mẹ đẻ của chúng thường sẽ lập gia đình, có con và điều quan trọng là những ông chồng ở Indonesia thường không chấp nhận con của người đàn ông khác. Nếu một người phụ nữ nào dũng cảm tiếp tục nuôi đứa con lai của mình thì người chồng của họ sẽ nổi cáu và đòi ly dị hoặc chính người phụ nữ phải lựa chọn bỏ gia đình ra đi cùng với đứa con. Hiếm khi người đàn ông Indonesia chấp nhận đứa trẻ. Bà Normawati và bà Ibu Herlina cố gắng duy trì cơ sở nhân đạo của họ bằng cách kêu gọi những nhà hảo tâm và gia đình của một số trẻ ở đây. Và đến nay vẫn không có một cơ chế hiệu quả nào để bảo vệ quyền và nhân phẩm của những người phụ nữ xuất khẩu lao động.
Hiếu Trung
(Tổng hợp)