Bi kịch của những cô gái Trung Hoa khi "giấc mơ Mỹ" tan tành

ANTD.VN - Mái tóc dài buộc thành đuôi ngựa, chiếc khăn pha hai màu đen đỏ quấn quanh cổ, Sisi bay từ trên ban công tầng 4 chung cư xuống đất, xuyên qua những ánh đèn nhấp nháy của đêm tháng 11 lạnh băng...
Bi kịch của những cô gái Trung Hoa khi "giấc mơ Mỹ" tan tành ảnh 1
 

Chờ cô bên dưới là phố 40, con đường kinh doanh nhộn nhịp trong khu Flushing, quận Queens, New York, Mỹ. Nhìn đâu cũng thấy nhà hàng ẩm thực Trung Hoa với mặt tiền chật hẹp, hoặc những cầu thang tối dẫn đến những khu đèn mờ với giao dịch ngầm. Ánh đèn từ cây thông Noel được trang trí sớm không làm sáng nổi một góc đường. Những người đang đánh vật với sự mưu sinh và cả những người qua đường tất bật không ai để ý đến chuyện gì đang xảy ra.

Cô gái ấy làm trong một hiệu massage bấm huyệt ở đường Flushing. Ở tuổi 38, trông cô còn rất trẻ. Dù đã chấp nhận sống với người chồng có độ tuổi gấp đôi mình, song “giấc mơ Mỹ” của Sisi dường như ngày càng trở nên mờ mịt.

Hôm đó là ngày thứ 7 sau Lễ Tạ ơn, Sisi vừa thanh toán một khoản tiền lớn cho chủ nhà của căn hộ cũ nát mà cô thuê trọ. Ăn tối xong, cô quay về nhà trọ, cố gọi điện cho em trai nhưng không được. Cô không hề biết đến việc mình đang bị một thành viên trong nhóm 10 cảnh sát truy quét tệ nạn theo sát nút.

Sisi dừng một chút trước lối lên chung cư như một thói quen nghề nghiệp. Mấy phút sau, một người đàn ông xuất hiện và theo cô lên tầng. Cuộc ngã giá diễn ra ngay sau đó trên hành lang trống trải, dù ngắn song cũng đủ để người đàn ông biết Sisi phạm pháp; còn Sisi biết anh ta chính là một cảnh sát hóa trang. Cô đẩy anh ta ra ngoài, đóng cửa lại, song việc này đã không còn mấy ý nghĩa.

Với kinh nghiệm “hành nghề” lâu năm, Sisi biết chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo: cảnh sát sẽ ập đến đây trong nháy mắt. Còng tay, bị tống lên xe cảnh sát; sự sỉ nhục, lại thêm một lần nhục nhã.

Qua tiếng chân rầm rập, Sisi biết cảnh sát đang nhanh chóng lên tầng. Tiếng đập cửa nhanh chóng vang lên sau đó. Sisi lao ra ban công. Bên dưới là con phố tấp nập, nơi cô và rất nhiều “đồng nghiệp” vẫn phơi mặt dù trời mưa hay nắng để mời chào những người đàn ông dạo bộ qua: “massage không”?

Tiếng đập cửa càng gấp gáp. Sisi trèo lên lan can cao chừng 60cm. Bên dưới cô là phố 40, con phố dài chưa tới 400m ở New York nhưng tiếng Trung được dùng nhiều hơn tiếng Anh, nơi cảnh sát thỉnh thoảng lại tổ chức một đợt truy quét và bắt giữ những cô gái di dân hành nghề bán hoa.

Viên cảnh sát chìm nãy giờ còn đóng giả khách làng chơi để ngã giá với Sisi đã xong nhiệm vụ nên đứng bên dưới vỉa hè. Anh ta không ngờ rằng cô gái vừa mới đó còn xinh tươi hoạt bát lại rơi từ trên tầng xuống ngay cạnh chân mình và nằm trong vũng máu.

Những người phụ nữ “đứng đường”

Cô tên là Tống Dương.

Quận Queens rộng chưa đầy 461m2 ấy là nơi sinh sống của 2,3 triệu người với gần một nửa là dân di cư, có lẽ là khu vực đa ngôn ngữ nhất trên thế giới. Mỗi ngày lại có thêm những người lạ mang theo đầy hy vọng đáp xuống sân bay quốc tế Kennedy cách đó không xa, sẵn sàng gia nhập đội quân rửa bát, cọ nhà vệ sinh hay thái rau, làm móng... để thực hiện “giấc mơ Mỹ” của mình.

Bi kịch của những cô gái Trung Hoa khi "giấc mơ Mỹ" tan tành ảnh 2

Một góc "Chinatown" ở quận Queens, New York, Mỹ

Nhiều người trong số đó cuối cùng buộc phải chọn nghề buôn phấn bán hương, đứng vật vạ ở những góc đường bẩn thỉu và tối tăm đợi khách. Giống như Tống Dương, họ phải mặc những bộ áo quần “thiếu vải”, đứng co ro trong cái lạnh tháng 11 song vẫn cố tỏ ra yểu điệu dễ thương để mời mọc những người đàn ông, kiếm tiền để trả cho những ông chủ trọ béo nhẫy làm giàu trên bất hạnh.

“Tôi nghe nói Tống Dương thuộc hàng có giá: trẻ trung, xinh xắn, lại biết cách chiều chuộng”, Michael Chu, một người làm công ở cửa hàng đối diện với nơi Sisi “đầu quân” cho biết, “Có những khi khách còn xếp hàng để đợi cô ấy”.

Không biết từ bao giờ Flushing đã trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho ngành công nghiệp tình dục ở Mỹ. Trong mỗi cuộc truy quét tệ nạn, người ta đều bắt được những cô gái có địa chỉ tạm trú ở đây. Các tiệm massage biến mất rồi lại mọc lên, bất chấp nỗ lực của cảnh sát. Một số tiệm hoạt động có giấy phép và sử dụng nhân viên hợp pháp, song một số tiệm có giấy phép thì kinh doanh “thêm” dịch vụ mại dâm. Có cả những tiệm hoạt động trái phép và tổ chức mại dâm.

Phần lớn các cô gái hành nghề này bị chủ chứa khống chế, dù cảm thấy công việc hết sức nhục nhã, song họ không dám báo cảnh sát. Báo cảnh sát đồng nghĩa với mất việc làm, sẽ không còn tiền gửi về cho gia đình ở Trung Quốc hoặc để trả món nợ đã vay khi xuất cảnh.

Dù vậy, xã hội ngày càng nhận thức được sự phức tạp và bất bình đẳng tồn tại trong nền công nghiệp tình dục, bao gồm hệ thống tư pháp hình sự chủ yếu nhắm vào những người bị khai thác - thường là phụ nữ nhập cư và các thành viên của nhóm chuyển giới, và hiếm khi khách hàng cũng như những kẻ tổ chức, môi giới phải chịu trách nhiệm.

Đầu năm 2017, Cảnh sát trưởng New York James O'Neill tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng ông sẽ “thay đổi tư duy” để giải quyết vấn đề mại dâm. "Chúng tôi đã chuyển phần lớn trọng tâm từ gái mại dâm sang những kẻ môi giới và khách mua dâm", ông nói, " chúng ta không thể sử dụng lệnh bắt giữ để giải quyết vấn đề này”.

Bi kịch của những cô gái Trung Hoa khi "giấc mơ Mỹ" tan tành ảnh 3

Cảnh sát New York bắt giữ đối tượng môi giới mại dâm

Kết quả có thể được kiểm chứng khi số lượng gái mại dâm bị bắt tại New York giảm hơn 20% so với năm ngoái, trong khi số lượng khách hàng bị bắt giữ tăng lên.   

Đáng tiếc là điều đó không giúp được gì nhiều cho những người như Tống Dương. Cô qua đời sáng hôm sau trong bệnh viện, mang theo giấc mơ Mỹ của mình.

“Con muốn đi, bố, con muốn đi”

Đó là những lời đầu tiên vang lên trong đầu bố mẹ Tống Dương khi nhận được tin báo về cái chết của cô.

Tống Dương sống cùng bố mẹ và em trai trong một ngôi làng nhỏ xa xôi ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Họ sống nhờ vào mảnh ruộng được hợp tác xã phân phối, cây trồng chính là nhân sâm. “Con bé rất chăm chỉ, càng được bố khen nó càng chăm chỉ”, mẹ Tống Dương, Thạch Ngọc Mai nhớ lại.

Với hy vọng giúp gia đình khám khá lên, năm 19 tuổi, Tống Dương rời nhà, gia nhập đội quân xuất khẩu lao động đến đảo Saipan thuộc quần đảo Mariana, Mỹ. Cô trở thành một trong số hàng nghìn nữ công nhân Trung Quốc tại các nhà xưởng sản xuất áo quần “Made in USA” tại đây.

Quy mô của ngành công nghiệp may mặc Saipan bắt đầu thu hẹp vào đầu những năm 2000, Tống Dương bỏ việc và trở thành một người phục vụ trên đảo. Cô kết hôn với một người đàn ông gốc Trung Quốc là Chu Trương, đã ly hôn và có nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh nhà hàng ở New York. Khi cưới, Chu Trương đã 67 tuổi, còn Tống Dương mới 27.

Năm 2006, cặp đôi này mở một nhà hàng ẩm thực Việt Nam ở Saipan. Công việc kinh doanh rất tốt, vì vậy họ mở cửa hàng thứ hai với 150 chỗ. Chu Trương phụ trách nhà bếp và Tống Dương chạy bàn. "Cô ấy đã thu hút rất nhiều khách hàng thân thiện", chồng cô nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Tống Hải, em trai Tống Dương cũng đến Saipan và chung vốn với bạn bè mở một hiệu xăm. Tuy nhiên, trận động đất và sóng thần thảm khốc tấn công Nhật Bản vào năm 2011, dẫn đến sự gián đoạn của một nguồn khách du lịch lớn đến Saipan. Vợ chồng Tống Dương buộc phải bán nhà hàng còn hiệu xăm thì bị đóng cửa.

Bi kịch của những cô gái Trung Hoa khi "giấc mơ Mỹ" tan tành ảnh 4

Bức ảnh cuối cùng mà Tống Dương (bên trái) chụp với gia đình ở Trung Quốc

Tháng 4-2013, Tống Dương đến New York. Cô hy vọng cùng chồng làm lại từ đầu trong ngành công nghiệp nhà hàng ở Flushing. Song hiện thực không phải là mơ.

Vì chồng cô quá già để làm đầu bếp nên Tống Dương trở thành nguồn thu nhập duy nhất trong gia đình. Công việc của một người phục vụ đáp ứng được chi phí sống ở thành phố đắt đỏ nhất Mỹ nên cô bắt đầu một khóa học về liệu pháp massage, hy vọng kiếm thêm một số tiền. Sau đó, một người bạn giới thiệu với cô một nghề cho thu nhập tốt hơn - ở phố 40.

Qua mạng xã hội, cha mẹ cô và em trai nghĩ rằng Tống Dương đang làm nghề bấm huyệt. Họ nhận những món quà từ New York, chỉ biết rằng khi nói chuyện cô thường ngồi trong một chiếc ghế văn phòng màu đen, thư thái uống trà, trông vui vẻ và hạnh phúc.

Có những khi Tống Dương từ chối cuộc gọi video trong vài ngày, sau đó cô giải thích rằng bị một người đàn ông đánh vào mặt. Một lần khác, cô ấy tiết lộ một người đàn ông chĩa súng vào đầu cô ấy và yêu cầu cô cho quan hệ tình dục bằng miệng. Gia đình chỉ biết an ủi cô: đành cố vậy thôi.

Khu đèn đỏ chôn vùi những giấc mơ

Phố 40 có từ thế kỷ 19 với nhiều nhà hàng ẩm thực xuất xứ khác nhau. Đến nay, phần lớn nhà hàng ở đây kinh doanh ẩm thực Trung Quốc với những tấm biển không được viết bằng tiếng Anh – nhắc người ta nhớ rằng thứ duy nhất bất biến ở New York là biến đổi.

Video: Chinatown ở Flushing, Queens, New York

20 tòa nhà chung cư, trong đó có khu nhà mà Tống Dương sống phần lớn có 4 tầng, được xây dựng từ những năm 1980-1990, đều ngột ngạt và chật chội. Vỉa hè vứt đầy các thùng gỗ đựng hoa quả là địa bàn của những người phụ nữ massage. Phần lớn họ đều ở tuổi 40-50, lúc nào cũng như đang nhìn vào điện thoại di động trong khi phì phèo thuốc lá buôn lậu từ Hàn Quốc, nhưng đôi mắt sẽ đảo lên nhanh như cắt khi xuất hiện bóng dáng một người đàn ông trên phố để xem có lực lượng thực thi pháp luật lẩn quất đâu đó hay không.

“Massage không?”.

Thông điệp rõ ràng. Nếu đồng ý, người đàn ông sẽ được đưa đến một căn nhà mờ tối, thường nằm chen giữa các hiệu cắt tóc hay trung tâm giới thiệu việc làm.

Phòng massage cung cấp dịch vụ mại dâm không phải là một hiện tượng mới, nhưng giao dịch tình dục trên phố 40 đặc biệt lộ liễu. Những người phụ nữ quá tuổi thường đứng cả đám túm tụm như ở chợ lao động, gây ra những lời phàn nàn từ cư dân.

Một sự đồng thuận bất thành văn là bất kể họ thu bao nhiêu từ mỗi khách, các chủ cho thuê trọ sẽ nhận được 20USD. Nếu may mắn, một người phụ nữ có thể mang lại ít nhất 100USD cho chủ trọ mỗi ngày.

Dù vậy, chủ trọ chưa bao giờ bảo vệ cho những “con gà đẻ trứng vàng” của mình. Số phận của những người phụ nữ này phụ thuộc vào con phố, nơi họ bị cướp, đánh đập, cưỡng hiếp và ném xuống cầu thang. Hầu như mọi ngóc ngách đều có camera, nhưng việc sử dụng chúng chỉ để cung cấp cho chủ chứa số lượng khách đến tận nhà.

Bi kịch của những cô gái Trung Hoa khi "giấc mơ Mỹ" tan tành ảnh 5

Phụ nữ Trung Quốc đến Mỹ với giấc mơ đổi đời, song thứ chờ đón họ không như mong đợi

Trong những giờ “rảnh rỗi”, những người phụ nữ trên phố 40 kể với nhau bằng tiếng phổ thông về căn nguyên đưa đẩy họ đến đây. Một phụ nữ nói rằng cô từng làm nhân viên y tế. Một phụ nữ khác nói cô từng là phóng viên mảng tin tức bất động sản. Nhiều người đã mô tả tình huống mà họ bị phá sản: công ty đóng cửa, kinh doanh sập tiệm, hay người chồng nghiện cờ bạc... Thậm chí một phụ nữ đã 60 tuổi còn cho biết bà định đến đây để làm vú em, kiếm tiền trả nợ cho con trai, song không thể nào tìm được việc.

Một người phụ nữ 40 tuổi trông mạnh mẽ với mái tóc ngắn màu đen được gọi là "Rachel” cho biết cô từng phục vụ tại một nhà hàng Trung Quốc ở Seattle. Khi bắt đầu tìm kiếm các công việc khác trên nền tảng WeChat, cô thấy một lời mời làm việc: “Massage đường phố, 20.000USD một tháng. Flushing, New York”.

Rachel gọi số ở trên và hỏi về công việc. Ông chủ trả lời: làm đủ thứ. Sau ngày làm việc đầu tiên, Rachel lao về nhà để tắm và khóc. Nhưng bây giờ khi đã quen, cô chỉ cần nghĩ đến những điều tốt đẹp để quên đi cảm giác ghê tởm.

“Giấc mơ Mỹ”, Rachel nói, “Chúng tôi từng có giấc mơ Mỹ”.