Bí ẩn nào khiến gia đình tin rằng kẻ ám sát mục sư Martin Luther King vô tội?

ANTD.VN - Ngày 4-4-1968, mục sư Martin Luther King bị bắn trong khi đang đứng trên ban công khách sạn Lorraine ở thành phố Memphis thuộc tiểu bang Tennessee, Mỹ. Một giờ sau, các nhà chức trách thông báo ông đã qua đời. Gần 50 năm, nhiều người cho rằng James Earl Ray là tay súng ám sát Martin Luther King vào ngày hôm đó nhưng trong gia đình của mục sư vẫn có một niềm tin rằng Ray vô tội và cái chết của ông che giấu một sự thật khác.

Bí ẩn nào khiến gia đình tin rằng kẻ ám sát mục sư Martin Luther King vô tội? ảnh 1James Earl Ray, tên sát nhân tuyên thệ trước bồi thẩm đoàn vào ngày 16-8-1978

Tên sát thủ thay đổi lời thú tội

Cái chết của nhà đấu tranh dân quyền Martin Luther King vào tháng 4-1968 ngay lập tức làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ. Bạo động đã nổ ra tại hơn 60 thành phố trên toàn nước Mỹ. Năm ngày sau, Tổng thống Lyndon B.Johnson tuyên bố một ngày quốc tang. Khoảng 300.000 người đã dự đám tang ông. Hai tháng sau, cảnh sát Anh bắt được James Earl Ray tại phi trường Heathrow ở London trong khi người này đang tìm cách đến châu Phi bằng hộ chiếu giả mang tên một người Canada. Ray lập tức bị dẫn độ sang Tennessee và sau đó bị truy tố về tội    sát hại mục sư Martin Luther King. Vào ngày 10-3-1969, Ray đã nhận tội nhưng sau đó 3 ngày thì rút lại lời thú tội trên. 

Theo các tài liệu đã được công bố, Ray nói rằng sở dĩ ông ta nhận tội là để tránh phải ngồi ghế điện, theo như lời khuyên của luật sư bào chữa Percy Foreman, một lời khuyên mà sau này luật sư mới của Ray đánh giá là “quá sai lầm”. Ray đã bị kết án 99 năm tù vì cái chết của mục sư King. 

Ray sau đó đã thay luật sư và luôn tìm cách phủ nhận mọi tội lỗi, nhưng bất thành. Luật sư mới của Ray là William Pepper nói rằng, yêu cầu rút lại lời nhận tội chưa bao giờ được tòa án chấp thuận. Tháng 4-1998, đúng 30 năm sau khi vị mục sư đáng kính bị ám sát, Ray chết trong tù vì bệnh thận ở độ tuổi 70. Như vậy, theo hồ sơ chính thức, Ray là thủ phạm duy nhất trong vụ ám sát này.

Bí ẩn nào khiến gia đình tin rằng kẻ ám sát mục sư Martin Luther King vô tội? ảnh 2Bồi thẩm đoàn xem xét khẩu súng đã bắn chết mục sư Martin Luther King

Nghi ngờ hướng về FBI

Không rõ khi nào Coretta Scott King, vợ  của mục sư King bắt đầu tin vào sự vô tội của Ray. Nhưng gần như ngay sau khi chồng bị ám sát, bà nghi ngờ rằng Cục Điều tra Liên bang Mỹ - FBI đã tham gia vào chính âm mưu này. Theo Trung tâm King, bà Coretta King đã phát biểu trong một cuộc họp báo vào năm 1999: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy một âm mưu lớn hơn rất nhiều trong âm mưu ám sát chồng tôi, Martin Luther King”. Đó là giả thuyết mà bà luôn tin cho đến khi qua đời vào năm 2006 và cho đến nay chưa bao giờ được chứng minh.  John McMillian, Giáo sư lịch sử tại Đại học bang Georgia cho biết, cái cách mà FBI đối xử với bà và gia đình đã tạo ra nghi ngờ. Những kết luận của bà Coretta King về kẻ giết chồng mình có vẻ rất hợp lý.

Trong những năm 1950-1960, FBI đã điều tra và liên tục quấy rối ông King, gia đình và các cộng sự của ông. FBI theo dõi điện thoại và mọi diễn biến của mục sư King, nhất là trong những dịp ông rối trí vì công việc hoặc chán nản. Một lần, FBI gửi cho ông một cuốn băng ghi âm làm bằng chứng chứng tỏ ông đang vướng sai phạm và kèm theo một bức thư yêu cầu ông dừng lại nếu không mọi chuyện sẽ công khai trước công chúng

Thực tế, một cựu nhân viên của văn phòng thực địa của FBI tại Atlanta cho hay, việc theo dõi mục sư King giống như cách mà họ theo đuổi Jimmy Hoffa, cựu Chủ tịch Nghiệp đoàn Lái xe tải quốc tế, người biến mất một cách đầy bí ẩn năm 1975. Chính trong năm 1975, một nhóm các cựu nhân viên FBI đã kêu gọi Quốc hội điều tra sự quấy rối này. Cuộc điều tra đã giải mật các bản ghi nhớ ghi lại hành vi lạm dụng của FBI, nhưng không tiết lộ bất cứ bằng chứng nào cho thấy FBI chính thức lên kế hoạch cho cái chết của ông Jimmy Hoffa.

Bí ẩn nào khiến gia đình tin rằng kẻ ám sát mục sư Martin Luther King vô tội? ảnh 3Martin Luther King suốt đời đấu tranh vì quyền con người

Có một tay súng khác?

Niềm tin đặc biệt của bà Coretta King đối với sự vô tội của Ray có vẻ hơi khó giải thích khi gia đình mục sư King bắt đầu công khai ý kiến với báo giới năm 1997. Cũng năm 1997, Dexter Scott King, con trai của Martin Luther King, đã công khai ủng hộ việc xét xử lại Ray. Sự ủng hộ của Dexter một lần nữa cho thấy họ chưa bao giờ tin rằng Ray là sát thủ.

Năm đó, Dexter Scott King đã đến thăm Ray trong nhà tù để thể hiện sự quan tâm của gia đình mình về việc Ray kháng án. Kể cả sau khi Ray qua đời vào năm 1998 do các biến chứng viêm gan C, gia đình mục sư King vẫn tiếp tục khẳng định: “Những bằng chứng xác định người khác, chứ không phải James Earl Ray là người nổ súng, và ông Ray đã được dựng lên để chịu trách nhiệm”.

Niềm tin của gia đình mục sư King đối với sự vô tội của Ray bị ảnh hưởng một phần bởi nhân vật kỳ lạ, ông Loyd Jowers, người sở hữu nhà hàng bên dưới phòng thuê của Ray ở khách sạn Memphis. Trong 25 năm đầu sau cái chết của mục sư King, Jowers không tuyên bố bất kỳ sự liên quan nào tới vụ giết người. 

Mọi chuyện thay đổi sau khi HBO thực hiện một chương trình phỏng vấn giả định trên truyền hình vào năm 1993 về những vụ ám sát. Trong chương trình đó, Ray đã lần đầu tiên khẳng định  mình không có tội còn Jowers đã tuyên bố rằng ông ta là một phần của âm mưu giết hại mục sư King và rằng Ray được dựng lên để nhận tội. Những tuyên bố này của Loyd Jowers đã đẩy gia đình mục sư King đến một vụ kiện dân sự. Mãi đến năm 1999, gia đình của mục sư King đã thắng kiện chống lại Loyd Jowers (ông này tuyên bố là nhận 100.000 USD để sắp đặt việc ám sát mục sư King) và một số người chủ mưu khác trong việc ám sát mục sư King. Bồi thẩm đoàn tuyên bố Jowers có tội và chính quyền Mỹ có can dự trong cái chết của mục sư Martin Luther  King.

Một ngày sau khi phiên tòa chấm dứt, bà Coretta King đã tổ chức một cuộc họp báo ở Atlanta để ca ngợi quyết định của tòa: “Tôi hết lòng hoan nghênh bản án của Bồi thẩm đoàn và tôi thấy rằng công lý đã được thực thi đúng sau cuộc thảo luận của họ. Bồi thẩm đoàn đã được thuyết phục rõ ràng bằng những bằng chứng sâu rộng trong phiên xử, ngoài tội lỗi của ông Jowers, đó còn là âm mưu của các cơ quan chính phủ, địa phương, tiểu bang, liên bang và cả Mafia đã tham gia vào vụ ám sát chồng tôi”.

Tuy nhiên, trong điều tra của cơ quan tư pháp Mỹ vào năm 2000, không có bằng chứng rõ ràng là cái chết của mục sư có sự tham dự của chính quyền. Trong số các bằng chứng là một bản ghi âm của Jowers, trong đó ông nói rõ mong muốn được mọi người quan tâm đến câu chuyện mà ông ta tạo ra để đạt được lợi ích về tài chính.

Vì vậy, vẫn còn đó những câu hỏi về điều gì thực sự xảy ra trong ngày ám sát mục sư King? Cho đến nay, các học giả luật pháp và lịch sử luôn có sự đồng thuận rộng rãi rằng James Earl Ray là thủ phạm, mặc dù hắn có thể không hành động đơn độc.

Mục sư huyền thoại được trao giải Nobel Hòa bình năm 1964

Sinh ngày 151-1929, cũng như rất nhiều người Mỹ gốc Phi lớn lên trong thời kỳ này, mục sư Martin Luther King đã phải chứng kiến và cũng từng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ. Do đó, ngay từ thời sinh viên, ông đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và chống nạn phân biệt chủng tộc. Trong suốt 12 năm đấu tranh, ông đã đi qua nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết để truyền cảm hứng và niềm tin cho cộng đồng. Bài diễn văn bất hủ “Tôi có một giấc mơ” mang theo niềm tin về một xã hội công bằng và bình đẳng trong tương lai, nơi mỗi công dân đều được hưởng quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc vẫn thường xuyên xuất hiện trong danh sách những bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ XX. 

Năm 1964, mục sư Martin Luther King được trao giải Nobel Hòa bình. Khi ấy, ông là người trẻ nhất giành giải thưởng danh giá này, khi mới 35 tuổi. Bài phát biểu nhận giải của ông ở Na Uy có một câu nổi tiếng: “Tôi tin rằng sự thật không cần vũ khí và tình yêu vô điều kiện sẽ có tác động cuối cùng lên thực tế. Đó là lý do vì sao lẽ phải tạm bị đánh bại lại mạnh hơn chiến thắng của điều ác”.