Bí ẩn dòng sông bóng tối

ANTĐ - Không như tất cả các dòng sông khác đều chảy từ Tây sang Đông để đổ về biển cả, dòng sông Sêrêpôk ở Tây Nguyên lại đi ngược lại với quy luật của trời đất bằng cách chảy ngược từ Đông sang Tây. Những cộng đồng dân cư sinh sống hai bên bờ sông Sêrêpôk còn gọi dòng sông này là “dòng sông ma” vì nó đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng người.

Một khu mộ của Vua Gru bị lãng quên

Linh thiêng mộ của Vua Gru

Bắt nguồn từ phía Tây của dãy Trường Sơn rộng lớn, dòng Sê rê pôk được khởi nguồn bởi hai dòng sông nhỏ mang tên sông Bố và sông Mẹ ở xã Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắk). Ngay từ điểm khơi nguồn, Sê rê pôk đã kỳ lạ bởi dòng sông Bố (mang tên là Krông Anô) thì quanh năm đục ngầu, sóng cuộn ầm ào không ai dám qua lại. Ngược lại, chảy song song với nó là dòng sông Mẹ (mang tên là Krông Ana) thì êm đềm, nước trong xanh ngằn ngặt phẳng lặng như một tấm gương trời soi rọi. Do được bắt nguồn từ phía Tây của dãy núi Trường Sơn cao vòi vọi nên dòng Sêrêpôk không thể nào vượt qua được để đổ về biển Đông như quy luật của hầu hết các dòng sông khác mà phải loanh quanh qua nhiều thung lũng khác nhau ở tỉnh Đắc Lắk, Đắk Nông trước khi đổ về dòng Tonlé Sap (Biển Hồ) của nước bạn Campuchia, rồi xuôi theo dòng Mê Kông ra biển.

Tại buôn Ea Ma (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắk), chúng tôi gặp già làng AmaTul, người M’nông, một trong những người cao tuổi nhất ở đây. Ngồi ngay dưới mái hiên của ngôi nhà Gươl bằng gỗ đã cũ kỹ, già AmaTul bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về dòng sông bên cạnh làng và các ngôi mộ của Vua Gru, tức là các dũng sỹ săn voi của cộng đồng người dân tộc M’nông mình. Già bảo, ngay dưới chân ngọn núi Yang, sát bên dòng Sêrêpôk chính là khu nghĩa địa của các Gru săn voi. Ở đó, chỉ có những ai khi còn sống từng được vinh danh là Vua săn voi thì lúc chết đi mới được chôn cất ở đó mà thôi. Cũng chính vì vậy, khi lăng mộ của các Gru ngày càng trở nên hiu quạnh bởi ngày nay, voi cũng không còn nhiều nên người săn voi cũng hiếm chứ đừng nói tới là Vua săn voi nữa. Tuy nhiên, khu mộ Gru này cũng từng quy tụ hàng chục các Vua săn voi lừng lẫy của núi rừng nơi đây. Già làng AmaTul còn cho rằng khu mộ Gru này còn có khu mộ (tượng trưng) của Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam khi ông từng nhiều lần lên đây, cưỡi voi đi săn cùng với các Vua săn voi khác. 

Theo sự hướng dẫn của già làng, chúng tôi quyết định tìm đến khu mộ Gru. Nó nằm ở một thung lũng hẻo lánh, dưới chân một đỉnh núi cao mà từ đó có thể quan sát thấy toàn bộ núi rừng nơi đây và đặc biệt, ngay phía trước của khu mộ Gru chính là dòng sông Sêrêpôk, dòng sông bí ẩn nghìn đời của đồng bào đang êm đềm như một dải thổ cẩm mềm hoang dại vắt ngang. Mặc dù nằm không xa làng nhưng đường vào khu nghĩa địa của các Vua săn voi thực sự rất khó đi vì nó gần như hoang vắng trong những năm gần đây. Ở đó, nơi được cho là an nghỉ của những vị tù trưởng hùng mạnh trong quá khứ mà biểu hiện chính là việc họ phải săn được càng nhiều voi càng tốt. Nổi bật trong những ngôi mộ hoang giữa rừng già là  mộ của Khun Su Nốp có kiến trúc hình tháp cao vút, biểu tượng bất hủ của quyền uy vô tận chốn rừng xanh. Theo tìm hiểu, lúc sinh thời, Khun Su Nốp từng săn được hơn 500 con voi, trong đó có cả một con bạch tượng (voi trắng) cho cộng đồng của mình và được coi là một trong những dũng sỹ săn voi giỏi nhất. Hay như khu mộ của Vua Y Thu Knul, một trong những huyền thoại săn voi đến từ đất nước Triệu Voi (Lào) xa xôi nhưng đã dành cả đời để sinh sống ở mảnh đất này. Ngoài ra, Y Thu Knul còn khai sinh ra một trong những dòng họ săn voi lẫy lừng ở Tây Nguyên bởi các con cháu ông, rất nhiều người đã học được những kỹ nghệ săn voi của ông khiến nó vang danh tới tận ngày nay.

Có thể nói, mặc dù nằm biệt lập với khu dân trong và ở sâu trong một thung lũng dưới chân núi Yang nhưng khu mộ Gru của những Vua săn voi vẫn là nơi vô cùng linh thiêng với cộng đồng người M’nông quanh vùng bởi với họ, đó chính là những con người ưu tú nhất mà người M’nông từng sản sinh ra. Vào những ngày lễ hội lớn của mình, họ vẫn xuyên rừng già vào đây thờ cúng, chiêm bái.

Chuyện đau lòng về “dòng sông ma”

Dời khu mộ của các vua săn voi bên bờ Sêrêpôk, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá dòng sông kỳ lạ này bằng cách đi xuyên qua những cánh rừng đại ngàn xanh thẳm đang trải dài trước mắt. Và, thật kỳ lạ là với nhiều người dân ở hai bên bờ của dòng sông, Sêrêpôk không chỉ có vẻ đẹp mơ màng, mang đến những nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú, mang đến ánh sáng điện năng với rất nhiều các nhà máy thủy điện cắt ngang dòng sông mà nó còn được gọi bằng một cái tên rất hãi hùng, nhuốm màu thần bí, “dòng sông bóng tối” hay “dòng sông ma”. Ban đầu, chúng tôi rất lạ lẫm vì cái tên này bởi với gần chục hệ thống thủy điện trải dài trên chiều dài hơn 100 cây số của Sêrêpôk, nó được gọi bằng cái tên “dòng sông ánh sáng” khi đã mang ánh sáng tới khắp các buôn trấp xa xôi của vùng Tây Nguyên rộng lớn, giúp đời sống của người dân về cơ bản đã bước sang một trang sử mới.

Nguyên nhân chính là bởi từ trước đến nay, nó đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng người, nhất là về mùa mưa như thời gian sắp tới đây. Không tính đến những khu nghĩa trang dành riêng cho người đã bị dòng sông “ăn mất linh hồn” trong truyền thuyết trước kia, chỉ tính riêng vài năm gần đây, có rất nhiều những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra bên dòng sông này. Đó là trường hợp có 6 em học sinh đi tắm sông thì bị nước cuốn trôi mất 4 hay một nhóm học sinh khác 3 em cũng bị chìm vĩnh viễn xuống dòng sông này khi đang nô đùa ở ven bờ. Rồi chuyện đi hái măng rừng, đi tắm, đi chơi, đi chài lưới, đi học, đi chơi… bị dòng sông nuốt mất đã trở thành vô số. Nhưng, kinh hoàng nhất chính là vụ rơi xe khách xuống dòng Sêrêpôk khi đâm qua cây cầu 14 năm trước cướp đi mạng sống của khoảng 40 con người.

Ngồi nhìn dòng sông đang đục ngầu một màu phù sa từ phía… hạ lưu chảy về, ông Đinh Hiếu, một người dân sinh sống ở ngày sát bên bờ Sêrêpôk tâm sự: Trong cuộc đời hơn 70 năm ở đây, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu vụ chết đuối ở đoạn sông này. Họ bị con ma nước nó dẫn đường đi mất. Nói chung, nhiều người ở đây gọi Sêrêpôk là dòng sông ma là vì thế. Ngoài ra, còn có một truyền thuyết kể rằng, tại điểm khởi nguồn của dòng sông, nơi dòng sông Bố và sông Mẹ gặp nhau trước kia từng có một đôi trai gái yêu nhau nồng nàn say đắm. Tình yêu của họ đẹp như hoa giữa núi rừng, bao la như nước nguồn cuộn chảy nhưng sau đó, vì oan tình mà không được ở bên nhau, cả hai lần lượt phải trẫm mình xuống dòng sông lạnh lẽo. Oan hồn của họ, sau bao nhiêu năm trời vẫn không siêu thoát do oán hận quá lớn đã khiến nhiều người phải bị lụy lây. Không biết câu chuyện kia thực hư thế nào, chỉ biết đúng là dòng sông này đã cuốn đi quá nhiều mạng người, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hiện nay, cùng với sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn), sông Sêpon (Quảng Trị), sông Sêrêpôk là một dòng sông chảy ngược lạ lùng, kéo một đường dài như sợi chỉ trên cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên huyền bí. Và, với vô số những thác ghềnh, những núi non và cả những thung lũng hoang vắng, không ai có thể khám phá hết được dòng chảy của Sêrêpôk dù nó chỉ vỏn vẹn dài đúng 126 km trên lãnh thổ Việt Nam mà thôi. Thực tế, nguyên nhân dòng sông này đã có nhiều người bị chết là bởi hai bên bờ có nhiều buôn làng sinh sống nên chuyện phải qua sông cũng nhiều. Mà ở đây, nước sông nhiều đoạn không sâu nhưng đá dưới lòng sông rất nhiều, trượt chân là rất khó cứu. Theo các nhà nghiên cứu địa lý thì dòng sông này được hợp thành từ 2 dòng sông khác và gặp nhiều thác ghềnh nên nước của dòng sông chảy xiết và trở nên hung dữ, chính vì thế người dân qua lại con sông này dễ bị tai nạn nước cuốn trôi mất xác. Việc cho rằng có con ma nước ở dòng sông này chỉ là cách giải thích của người dân khiến cho suốt bao đời qua, dòng sông này vẫn mang trong mình những huyền thoại bí ẩn.