Bí ẩn đằng sau sự mất tích của một nhà báo Arập

ANTD.VN - Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, 15 người Arập Xêút đến Istanbul vào ngày 2-10 có liên quan tới sự mất tích của nhà báo Arập Xêút Jamal Khashoggi.

Bí ẩn đằng sau sự mất tích của một nhà báo Arập ảnh 1

Đại tá tình báo bị nghi có liên quan

Sabah, một tờ báo tư nhân thân Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây đã nêu đích danh 15 người mà báo này cho là liên quan tới sự mất tích của ông Khashoggi, người có quan điểm bất đồng với Chính phủ Arập Xêút và đã rời Arập Xêút hồi năm ngoái do lo sợ bị trả thù. Báo Sabah đã công bố danh tính và năm sinh của 15 người Arập Xêút mà báo này cho là đã đến sân bay Ataturk ở Istanbul hôm 2-10. Trong số đó, 12 người đã đến vào sáng cùng ngày, căn cứ vào những bức ảnh chụp tại khu vực kiểm soát của sân bay mà báo này công bố.

Theo Sabah, 15 nhân vật trên đã khởi hành vào bốn thời điểm khác nhau. Trước đó, một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin Reuters rằng một phái đoàn gồm 15 người Arập Xêút, trong đó có một số quan chức, đã vào Lãnh sự quán Arập Xêút tại Istanbul hôm 2-10, cùng ngày ông Khashoggi có mặt tại đó, và sau đó rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. 

Hãng thông tấn Anadolu cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận dạng được 8 trong tổng số 15 nghi phạm có liên quan vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Anadolu trích dẫn nguồn tin an ninh cho hay, tổng cộng 15 người Arập Xêút đã vào Lãnh sự quán nước này tại Istanbul khi ông Khashoggi đang ở trong khu vực lãnh sự. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nhiệm vụ của những người này là ám sát nhà báo Khashoggi. 

Trong số 15 nghi phạm có 1 người được xác định là Salah Muhammed al-Tubaiqi, người đứng đầu một cơ quan pháp y thuộc Bộ Nội vụ, từng nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Glasgow. Một bài báo vào tháng 10-2014 đăng trên Sharq al-Awsat có ảnh của Tubaiqi mặc bộ quân phục, được tác giả chú thích với cấp bậc hàm trung tá. Một thành viên khác của nhóm được truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ xác định là Muhammad Saad al-Zahrani, người từng xuất hiện trên truyền hình Arập Xêút cùng Thái tử Mohammed bin Salman.

Người thứ ba là Maher Abdulaziz Mutreb, từng giữ chức Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Arập Xêút ở London, Anh, theo danh sách các nhà ngoại giao nước ngoài năm 2007 của Chính phủ Anh. Một nguồn tin tại London quen biết Mutreb tiết lộ ông là đại tá tình báo Arập Xêút. Hãng Anadolu cho biết Zahrani và Tubaiqi rời Istanbul cách nhau 45 phút. 

Hai nguồn tin am hiểu vấn đề xác nhận với hãng tin CNN rằng 15 người đàn ông trong danh sách mà Sabah và Anadolu đưa ra đều đang bị nhắm tới trong cuộc điều tra của các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ. Không ai xuất hiện kể từ khi danh tính của họ bị truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ công bố.

Mỹ khẳng định sẽ “điều tra đến tận cùng”

Nhà báo Khashoggi đã mất tích kể từ ngày 2-10 sau khi vào tòa nhà Lãnh sự quán Arập Xêút để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Các báo cáo chưa được kiểm chứng cho rằng ông Khashoggi nhiều khả năng đã bị giết hại bên trong tòa lãnh sự, điều mà phía Arập Xêút phủ nhận là “vô căn cứ” và nói rằng ông Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán.  

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây đã kêu gọi Arập Xêút cung cấp bằng chứng liên quan đến vụ nhà báo Khashoggi mất tích. Tổng thống Erdogan cho biết giới chức lãnh sự quán không thể chỉ đơn giản giải thích việc này bằng cách nói rằng “ông ấy đã rời đi”. Ông nói giới chức lãnh sự quán phải đưa ra bằng chứng để chứng minh việc này. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã yêu cầu Arập Xêút cho phép vào Lãnh sự quán tại Istanbul để điều tra vụ việc. 

Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đề nghị Arập Xêút giải thích về vụ mất tích trên và khẳng định sẽ “điều tra đến tận cùng”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 11-10 cảnh báo rằng, Arập Xêút sẽ đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” nếu nghi ngờ của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nhà báo Khashoggi đã bị sát hại sau khi vào Lãnh sự quán Arập Xêút ở Istanbul hôm 2-10, là đúng sự thật.

Ông Jeremy Hunt nhấn mạnh: “Những nước lâu nay luôn nghĩ mình là bạn bè của Arập Xêút đều cho rằng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là đúng sự thật, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng bởi vì tình hữu nghị và quan hệ đối tác của chúng ta vốn dựa trên những giá trị chung”.