Bẻ sừng tê giác trong bảo tàng

ANTĐ - Thị trường toàn cầu “sốt” vì sừng tê giác không chỉ dẫn đến việc bùng nổ nghề săn lậu thú hiếm ở châu Phi, mà còn làm gia tăng các vụ trộm cắp cả sừng tê giác được trưng bày trong các bảo tàng ở châu Âu. Giá sừng tê giác tăng mạnh trên thị trường “chợ đen”, lên tới 50.000 euro (65.500USD)/kg - cao hơn cả giá kim cương, vàng, heroin và cocaine. 

Tiêu bản tê giác Rosie tại Bảo tàng Ipswich đã bị trộm vặt mất sừng

Những vụ trộm táo tợn

Bảo tàng Offenburg ở thành phố cùng tên, tây nam nước Đức, tự hào là nơi lưu giữ bộ sưu tập lớn gồm những chiến lợi phẩm săn bắn ở châu Phi. Nơi đây sở hữu khoảng 80 tiêu bản động vật hoang dã do Gretchen Cron, một phụ nữ giàu có, cùng chồng quyên tặng vào năm 1950, sau khi bà cảm thấy hối hận vì đã sát hại rất nhiều động vật có nguy cơ tuyệt chủng. 

Trong số những hiện vật được trưng bày tại đây có đầu con tê giác đen Nam Phi. Thứ bảy ngày 18-2-2012, 4 tên trộm đột nhập vào Bảo tàng Offenburg giữa ban ngày. 2 tên tìm cách đánh lạc hướng nhân viên bảo tàng, trong khi 2 tên khác nhanh chóng tiến tới nơi đặt chiếc đầu tê giác. Chỉ một loáng, chiếc sừng tê giác đã biến mất, sau đó nhóm đối tượng “lặn mất tăm”. 3 tuần sau, cảnh sát ở Munich đã bắt giữ 2 đối tượng nam và một phụ nữ liên quan đến vụ trộm táo tợn trên. 

Trước đó vài tháng, khoảng nửa đêm 28-7-2011, bọn trộm đã dùng xà beng nạy cửa phía sau Bảo tàng Ipswich (Anh). Phớt lờ chiếc mặt nạ vàng, đồ trang sức hình bọ hung hay chiếc bùa hộ mạng cổ Ai Cập ở tầng trên, chúng tiến thẳng tới nơi đặt con tê giác Rosie quý hiếm được trưng bày từ năm 1907, rồi nhanh chóng vặn mạnh chiếc sừng dài 49,5cm. Không chỉ vậy, chúng còn lấy thêm chiếc đầu của con tê giác đen gần đó trước khi bỏ trốn. Vụ trộm hoàn tất trong vòng chưa đầy 5 phút. Khi cảnh sát tới nơi, chúng đã kịp bỏ trốn trên chiếc ô tô màu bạc. Cảnh sát Suffolk cho biết, chúng gồm 2 tên chụp mũ trùm đầu màu nhạt. 

Táo tợn hơn, hồi tháng 12-2011, bọn trộm còn xịt hơi độc để vô hiệu hóa các nhân viên bảo vệ tại một bảo tàng ở Paris (Pháp), lấy đi chiếc sừng tê giác trắng săn được ở châu Phi trong thập niên 1980. Mới đây, 4 tên trộm cũng đột nhập định cuỗm chiếc đầu tê giác tại Bảo tàng lâu đài Norwich ở Scotland nhưng đã bị các nhân viên bảo tàng kịp thời ngăn chặn.

Đây chỉ là một số vụ điển hình khi nạn trộm sừng tê giác có xu hướng gia tăng tại châu Âu. Việc trộm sừng tê giác ở các bảo tàng và nhà bán đấu giá xảy ra tại 15 quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Thụy Điển và Cộng hòa Czech. Hầu hết các vụ trộm này được cho là có liên quan đến tổ chức tội phạm người Ireland, hoạt động mạnh ở châu Á, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ.

Đắt hơn kim cương

Sở dĩ các vụ trộm sừng tê giác tại châu Âu gia tăng vì chúng được coi là “thần dược” tại các nước phương Đông, có thể chữa được các bệnh như ung thư hay đột quỵ... Tình trạng săn trộm tê giác cũng tăng mạnh ở châu Phi trong hơn 3 năm qua với khoảng 800 con tê giác bị giết hại, và hiện châu lục này chỉ còn khoảng 5.000 con tê giác đen. “Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng trộm sừng tê giác tồi tệ nhất trong nhiều thập niên”, phát ngôn viên của tổ chức Save the Rhino International đánh giá. 

Chính nhu cầu lớn trong Y học cổ truyền Trung Quốc đã làm giá sừng tê giác trên thị trường “chợ đen” tăng lên tới 50.000 euro (65.500USD)/kg - cao hơn cả giá kim cương, vàng và heroin. Theo đánh giá của Cơ quan Cảnh sát châu Âu Europol, tùy theo kích cỡ và chất lượng, một chiếc sừng tê giác có thể trị giá khoảng 25.000 -200.000 euro. Ngoài việc dùng trong y học, sừng tê giác còn được sử dụng làm vật trang trí hoặc để tạo ra các hàng hóa xa xỉ. Thị trường tiêu thụ chính sừng tê giác được cho là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). 

Phối hợp ngăn chặn

Trước tình trạng các vụ trộm ngày càng gia tăng, nhiều biện pháp phòng ngừa đang được triển khai tại một số bảo tàng ở châu Âu. Bảo tàng lịch sử tự nhiên London (Anh) đã phải thay sừng tê giác xịn bằng sừng giả, còn Bảo tàng Horniman ở tây nam London đã cất giữ tất cả bộ sưu tập sừng tê giác và ngà voi. Để bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới này, Tổ chức phòng chống tội phạm động vật hoang dã quốc gia Anh cảnh báo các vườn thú phải thắt chặt an ninh và thông báo những hành động khả nghi cho cảnh sát. 

Hiện các nước và tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới đang hợp tác cùng nhau chia sẻ thông tin, cách thức kiểm soát và phát động chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép sừng tê giác. 

Một cơ sở dữ liệu DNA đặc biệt đang được các nhà khoa học về tội phạm động vật hoang dã tại Hiệp hội động vật Hoàng gia Scotland phát triển để giúp cảnh sát triệt phá những vụ trộm cắp sừng tê giác châu Phi từ các viện bảo tàng trên khắp châu Âu. Theo đó, nhà chức trách có thể sử dụng hồ sơ DNA để xác định những chiếc sừng bị đánh cắp ngay cả khi nghiền thành dạng bột. Kỹ thuật mới này cho phép xác định “danh tính” của bất kỳ chiếc sừng tê giác nào cảnh sát thu giữ được tại khu vực biên giới, giúp đưa tội phạm ra truy tố trước pháp luật.