Bê bối rò rỉ thông tin của facebook còn kéo dài vài năm

ANTD.VN - Việc đích thân ông chủ tập đoàn Facebook Mark Zuckerberg lên tiếng thừa nhận phải mất tới vài năm mới sửa hết các vấn đề trong vụ rò rỉ thông tin của khách hàng cho thấy, vụ bê bối chấn động của mạng xã hội lớn nhất thế giới này còn kéo dài.

Bê bối rò rỉ thông tin của facebook còn kéo dài vài năm ảnh 1Facebook cùng ông chủ Mark Zuckerberg đang đối mặt với vụ bê bối nghiêm trọng liên quan đến việc rò rỉ thông tin của 50 triệu khách hàng

Trả lời trên trang tin Vox ngày 2-4, người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Facebook Mark Zuckerberg cho biết, Facebook sẽ cần “vài năm” để sửa các vấn đề lộ ra trong vụ rò rỉ dữ liệu khách hàng gần đây. Ông chủ Facebook cũng có ý thanh minh về vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người sử dụng  khi cho rằng một trong những vấn đề của mạng xã hội lớn nhất thế giới này là tập trung vào những mặt tích cực của việc kết nối mọi người và không dành đủ thời gian đầu tư vào hay nghĩ đến những mặt trái của việc sử dụng những công cụ đó.

Gần 3 tuần qua, Facebook phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi mạng xã hội này ra đời khi lần đầu tiên thừa nhận dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook đã bị Cambridge Analytica, một hãng phân tích dữ liệu của Anh truy cập bất hợp pháp. Theo đó, Cambridge 

Analytica  đã được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê để thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump năm 2016. 

Vụ rò rỉ thông tin khách hàng vì thế ngay lập tức đã khiến mạng xã hội có hơn 2 tỷ người sử dụng mỗi tháng, chiếm hơn 1/4 tổng số dân toàn thế giới này phải hứng chịu vô số chỉ trích, bất bình của những người sử dụng và dư luận. Rắc rối với Facebook chưa dừng lại ở làn sóng tẩy chay đang lan rộng với từ khóa  #DeleteFacebook, mà mạng xã hội này còn phải đối mặt với biện pháp pháp lý cũng như những thiệt hại khôn lường khác.

Hãng tin ABC (Mỹ) dẫn các nguồn tin cho biết, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller - cựu Tổng giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hiện đang đứng đầu cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 - đang tìm bằng chứng cho vai trò của Cambridge Analytica trong chiến dịch tranh cử giúp ông Trump giành chiến thắng. Các nhân viên điều tra ở Mỹ đã thẩm vấn một số chuyên gia kỹ thuật số trong ban chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump về việc thuê Cambridge Analytica thu thập dữ liệu người dùng Facebook. 

Cùng với việc trở thành đối tượng mới trong cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, Facebook còn đối mặt với nhiều cuộc điều tra hay cuộc chiến pháp lý khác ở ngay tại nước Mỹ, nơi đặt “tổng hành dinh” của Facebook cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các Ủy ban Tư pháp, Thương mại của Quốc hội đã yêu cầu ông Mark Zuckerberg cùng lãnh đạo của Cambridge Analytica và Twitter phải điều trần về vấn đề bảo mật dữ liệu vào ngày 10-4 tới; trong khi Liên minh châu Âu (EU), Đức, Anh, Ấn Độ… cũng đã lần lượt yêu cầu nhà sáng lập Facebook ra điều trần sau khi Công ty Cambridge Analytica của Anh bị cáo buộc thu thập trái phép thông tin của người dùng Facebook.

Về kinh tế, Facebook cũng đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề, cổ phiếu của Facebook đã giảm khoảng 20% kể từ khi bê bối bắt đầu khiến trị giá thị trường của công ty “bốc hơi” gần 100 tỷ USD. Các công ty đối tác quảng cáo của Facebook như Mozilla, Commerzbank… đã ngừng sử dụng dịch vụ trên trang mạng xã hội này. 

Cho dù Facebook đã có những biện pháp khắc phục hậu quả như đích thân ông chủ Mark Zuckerberg công khai lên tiếng xin lỗi hay xem xét lại các công cụ về chế độ riêng tư để giúp người dùng tăng quyền kiểm soát thông tin cá nhân trên mạng xã hội này… song hậu quả của bê bối rò rỉ thông tin người dùng vẫn chưa dừng lại, có thể mất “vài năm” như chính người sáng lập đã thừa nhận.