Bày keo khác
(ANTĐ) - Cuối cùng Quốc hội Mỹ đã phải nhượng bộ chính quyền Tổng thống George W. Bush trong vấn đề đặt ra một thời hạn cho việc rút quân Mỹ khỏi Iraq.
Đây được xem như là một bước lùi chiến thuật của những người Dân chủ để chuẩn bị cho đòn tấn công còn quyết liệt hơn nhiều trong vấn đề mà họ đang giành được sự ủng hộ của đa số người dân Mỹ.
Ở Iraq hiếm ngày không xảy ra bạo lực, đánh bom |
Cho dù suốt 4 tháng qua, Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát luôn tỏ ra rất cứng rắn trong cuộc đối đầu với chính quyền Tổng thống Bush song người ta lại không hề bất ngờ khi thấy cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều thông qua dự luật chi tiền cho các cuộc chiến ở Iraq và Afganistan mà không kèm theo điều khoản xác định thời gian biểu cho việc rút quân Mỹ khỏi Iraq.
Do không thể thu được 2/3 số phiếu trong Quốc hội Mỹ để bác quyền phủ quyết của Tổng thống Bush nên giới quan sát nhận định rằng trước sau thì đảng Dân chủ cũng phải lùi bước trong cuộc đấu quyền lực với Nhà trắng. Như vậy, cỗ máy chiến tranh của Mỹ tại Iraq và Afghanistan sẽ lại tiếp tục guồng quay của nó sau khi được “bơm” thêm 100 tỷ USD trong khoảng thời gian từ nay tới tháng 9-2007.
Chút vớt vát chẳng mấy đáng kể của những người Dân chủ là dự luật có điều khoản kêu gọi chính phủ Iraq đưa ra một lộ trình an ninh và tái thiết đất nước nếu không số tiền tái thiết cho Iraq sẽ bị Quốc hội Mỹ phong toả.
Dù buộc phải nhượng bộ Nhà trắng trong vấn đề xác định một thời gian biểu cho việc rút quân Mỹ khỏi Iraq song phe Dân chủ vẫn cho rằng cuộc chiến quanh vấn đề này vẫn chưa kết thúc. Nhiều thành viên Dân chủ trong Quốc hội Mỹ tuyên bố họ sẽ sớm có biện pháp để thúc đẩy một sự “thay đổi đường hướng” hiện nay ở Iraq, nơi ít nhất 3.420 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 34.000 lính bị thương.
Lại thêm một vụ đánh bom tại Iraq |
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố, đảng Dân chủ sẽ nhanh chóng xem xét lại vấn đề rút lính Mỹ khỏi Iraq trong các dự luật sắp tới. Lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Harry Reid nêu rõ: “Thời kỳ tấm séc trắng và đèn xanh cho những chính sách thất bại của Tổng thống đã hết”.
Là ứng cử viên Tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Hillary Clinton cảnh báo việc không vạch ra một chiến lược rút quân sẽ là “vô trách nhiệm”. Kiên quyết với quan điểm đòi rút quân, bà Clinton gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates yêu cầu: “Quốc hội phải được bảo đảm rằng chúng ta đã sẵn sàng cho việc rút các lực lượng của mình”.
Một ứng cử viên Tổng thống khác của Đảng Dân chủ là John Edwards cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ sử dụng quyền của mình để buộc Nhà Trắng rút khẩn cấp 50.000 lính chiến đấu Mỹ tại Iraq, tiến tới rút toàn bộ quân Mỹ khỏi đất nước này trong vòng 1 năm. Theo ông, cuộc chiến này không những làm tổn hại quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh mà còn làm suy yếu vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Ngay người chiến thắng trong hiệp đấu đầu tiên với đảng Dân chủ nhưng Nhà trắng cũng chẳng vui mừng được lâu bởi còn phải đau đầu với câu hỏi làm thế nào để giảm thiệt hại mà cuộc chiến Iraq có thể gây ra cho Đảng Cộng hoà của ông Bush trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008.
Không thể phớt lờ thực tế ngày càng có nhiều chính khách và người dân Mỹ đòi chính quyền Bush rút quân khỏi Iraq, Nhà Trắng đã chỉ thị cho giới chức quân sự cấp cao và các nhà ngoại giao Mỹ tại Iraq hoàn tất một dự thảo chiến lược mới nhằm để quân chính phủ Iraq dần thay thế việc bảo đảm an ninh của quân Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Peter Pace), tiết lộ Lầu Năm Góc đang nghiên cứu cách thức chuyển hướng nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại Iraq từ chiến đấu sang tập trung vào vai trò hỗ trợ, giúp Mỹ giảm quân tại chiến trường.
Giới quan sát cho rằng thua Nhà trắng trong hiệp đấu vừa qua song chắc chắn phe Dân chủ sẽ “bày keo khác” để tiếp tục “chiến đấu” trong vấn đề mà họ đang có lợi thế rất lớn là được đa số người dân Mỹ ủng hộ.
Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận do hãng tin CBS và tờ “Thời báo New York” công bố tối 24-5 cho thấy một con số kỷ lục về số người Mỹ được hỏi tỏ ra bi quan về hậu quả của cuộc chiến tranh Iraq và muốn sớm rút quân.
Hoàng Hà