Bầu chọn Tổng thư ký Liên hợp quốc: "Nóng" từ màn khởi động

ANTĐ - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 21-7 đã bỏ phiếu kín không chính thức để chọn người thay thế ông Ban Ki-moon trở thành Tổng thư ký Liên hợp quốc nhiê%3ḅm kỳ tiếp theo (2017 - 2021).

Ông Antonio Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, cựu ủy viên cao cấp của LHQ về vấn đề tị nạn, cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu

Hiện 12 ứng cử viên đang ráo riết chạy đua vào chiếc ghế Tổng thư ký LHQ mặc dù nhiệm kỳ của ông Ban Ki-moon phải đến cuối năm nay mới kết thúc.

Bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO

Trong cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên diễn ra vào ngày 21-7, ông Antonio Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và từng là ủy viên cao cấp của LHQ về vấn đề tị nạn đang dẫn đầu, tiếp sau là ông Danilo Turk - cựuTổng thống Slovenia, vị trí thứ ba thuộc về bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO.

Ông Danilo Turk - cựu Tổng thống Slovenia

Những ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay còn bao gồm bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand và hiện là Tổng giám đốc Chương trình phát triển LHQ và bà Susana   Malcorra - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Argentina.

Tất cả các ứng viên hiện đang có những bước đi hết sức cẩn trọng cho tiến trình bầu cử. Họ đều ý thức được rằng,  cho dù ban đầu chỉ là các cuộc bỏ phiếu mở khi tên và sơ yếu lý lịch của các ứng viên đều được công khai, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay Hội đồng Bảo an và đặc biệt là 5 thành viên thường trực của Hội đồng bởi họ có quyền loại bỏ bất kỳ ứng viên nào họ cảm thấy không phù hợp.

Bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand và hiện là Tổng giám đốc Chương trình phát triển LHQ 

Đối với cuộc chạy đua năm nay, quyền đề cử vẫn thuộc về Hội đồng Bảo an, song điểm khác biệt là các ứng cử viên có cơ hội để công khai thể hiện năng lực cũng như trình bày những kế hoạch hành động của mình nếu như được đắc cử vào chức vụ lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

Bà Susana Malcorra - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Argentina

Đáng chú ý, một số ứng viên ở tốp sau  đã cố gây ấn tượng bằng các  chiến dịch tranh cử liên quan đến những đề xuất về cải cách nhằm khắc phục những yếu kém của LHQ như giải quyết xung đột ở Syria hay bùng phát dịch bệnh Ebola.

Bà Vesna Pusic, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Croatia, một trong số ứng cử viên phát biểu rằng, bà sẽ cải cách bộ máy của LHQ về vấn đề nhân quyền và đặc biệt là quyền của phụ nữ. Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian, bà Pusic chia sẻ: “Tôi nghĩ nhân quyền nên bắt đầu từ việc vận động phụ nữ trở thành những nhà lãnh đạo của cộng đồng”. 

Trong khi đó, các ứng viên khác tập trung vào  giải quyết xung đột ở Syria và Iraq, vấn đề mà nguyên nhân nằm ở việc bất đồng quan điểm giữa các nước trong Hội đồng Bảo an.

Các chính sách họ đưa ra đều đang đối chọi lại với những chính sách hiện tại của LHQ. “Thành thật mà nói, họ rất khó để giành chiến thắng nhưng nó là một cơ hội tuyệt vời để nâng cao hình ảnh, khuyến khích họ nói những điều thú vị trên các phương tiện truyền thông quốc tế”, ông Richard Gowan, một chuyên gia của LHQ tại Hội đồng châu Âu nhận định.

Tuy nhiên, ngoại lệ duy nhất có lẽ là ông Antonio   Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha. Ông là người hoạt động rất tích cực về vấn đề nhân quyền. Với lập trường đi ngược lại với Nga và Trung Quốc, ông Guterres có thể bị mất phiếu từ 2 nước này nhưng  vẫn đang là ứng cử viên sáng giá nhất trong tốp dẫn đầu.

Theo dự kiến, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu không chính thức nữa vào tuần tới, tiếp theo là một số cuộc trong tháng 8 và có thể cả trong tháng 9 trước khi đưa ra kiến nghị trước Đại hội đồng vào tháng 10 tới. 

Theo quy định, tiến trình bầu chọn Tổng thư ký diễn ra tại các cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an và cơ quan nắm quyền lực cao nhất trong Liên hợp quốc này sẽ đề cử ứng cử viên duy nhất để Đại hội đồng nhất trí thông qua.