Bắt giữ vụ buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất trong lịch sử

ANTĐ - Giới chức Costa Rica cho hay, Maciej Oskroba, 31 tuổi, người Đức vừa bị bắt giữ khi cố gắng buôn lậu hơn 400 con vật bò sát giấu trong các hộp nhựa đựng thức ăn. Đây được coi là vụ buôn lậu động vật hoang dã qua đường hàng không lớn nhất trong lịch sử nước này. 
Bắt giữ vụ buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất trong lịch sử ảnh 1
Những con thằn lằn nằm trong hộp đựng thức ăn dưới hành lý của Oskroba 
bị nhân viên sân bay Costa Rica bắt giữ

Những “vật lạ” trong túi hành lý ký gửi 

Qua hệ thống camera và máy quét tại sân bay, nhân viên an ninh đã phát hiện nghi vấn trong túi hành lý ký gửi của hành khách có tên là Maciej Oskroba, quốc tịch Đức. Tiến hành kiểm tra, an ninh sân bay đã phát hiện 184 con ếch, 42 con thằn lằn, 9 con rắn và 203 con nòng nọc đặt trong hộp nhựa dưới túi hành lý ký gửi đến châu Âu. Ngay lập tức, Maciej Oskroba bị bắt giữ. Oskroba đang trên đường đến Panama trong lộ trình đến Dusseldorf, Đức. Cảnh sát nghi ngờ rằng, Oskroba có kế hoạch buôn bán các loài động vật bò sát và lưỡng cư. “Trong 20 năm làm việc tại sân bay, đây là trường hợp buôn bán động vật hoang dã lớn nhất mà chúng tôi được biết”, ông Carlos Viquez, Giám đốc an ninh sân bay quốc tế Costa Rica cho biết. “Chúng tôi đang nỗ lực để ngăn chặn việc buôn lậu động vật từ những cánh rừng nhiệt đới”. 

Việc buôn bán các loài động vật bất hợp pháp từ lâu đã trở thành một vấn đề rất “nóng” ở Costa Rica. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ riêng trong năm 2013, chính quyền Costa Rica đã thu giữ 239 con chim, 82 con vật bò sát và động vật có vú từ 159 trạm kiểm soát ở khu vực biên giới và nhà riêng của những đối tượng nghi vấn. Mặc dù từ năm 2012, luật pháp Costa Rica đã quy định buôn bán động vật là hành vi phạm tội và tăng hình phạt với hành vi này. Tuy nhiên, hình phạt nghiêm khắc hiếm khi được áp dụng. Theo quy định, Oskroba có thể phải đối mặt với hình phạt tiền hoặc phạt tù nhưng sau đó, các nhà chức trách quyết định trục xuất Oskroba về Đức.

Lợi nhuận “khủng” từ việc buôn bán động vật bất hợp pháp

Buôn bán động vật hoang dã được coi là lĩnh vực thương mại bất hợp pháp lớn thứ tư trên thế giới. Thị trường chợ đen buôn bán động vật bất hợp pháp rất sôi động. Theo ước tính của Liên hợp quốc, số tiền từ việc buôn bán bất hợp pháp này có giá dao động từ 7 tỷ USD đến 23 tỷ USD mỗi năm. “Lợi nhuận là lý do khiến nạn buôn bán động vật hoang dã có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Costa Rica chỉ là một trong rất nhiều cửa ngõ buôn lậu động vật trên thế giới. Các loài động vật mà người nước ngoài buôn lậu rất đa dạng, có khi là cả chim ruồi và ếch mắt đỏ. Động vật quý hiếm như mèo rừng của Costa Rica bị bắt, buôn lậu và giết chết để lấy da. Năm ngoái, chúng tôi cũng phát hiện một người đàn ông cố gắng giấu một số con chim ruồi trong thùng gỗ”. 

Theo ông Rafael Gutierrez, một quan chức của cơ quan bảo tồn thiên nhiên Costa Rica (SINAC) thì động vật ở vùng nhiệt đới có thể bán được với giá cao ở thị trường nước ngoài. “Một số loài rắn và ếch có thể được đẩy giá lên đến 1.500 USD/con ở châu Âu”, ông Gutierrez nói. “Bộ sưu tập” của Oskroba có thể đáng giá nhiều ngàn USD tại châu Âu - nơi mà các cửa hàng bán vật nuôi luôn có những lời quảng cáo rất ấn tượng trên website của mình. Một chú ếch nhỏ cũng có thể bán với giá 50 USD”. 

“Cơn ác mộng” của việc bảo tồn đa dạng sinh học

Chuyên gia các Trung tâm bảo vệ thiên nhiên cho biết, sau phá hủy môi trường sống, buôn bán động vật là mối đe dọa lớn thứ hai dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loại động vật. “Buôn bán động vật là cơn ác mộng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học”, một chuyên gia của Liên hợp quốc nhận định. Một thực trạng cũng rất đáng báo động là ý thức của người dân với việc bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều người thả vào tự nhiên những vật nuôi không rõ nguồn gốc và chính trong môi trường tự nhiên, vật nuôi đã tấn công các loài động vật bản địa. “Chúng tôi thường xuyên thấy mọi người đưa các động vật lạ từ bãi biển hoặc rừng về nhà nuôi như thú cưng. Khi những con vật bị bệnh, nhiều người mang chúng đến trung tâm bảo tồn thiên nhiên nhưng đôi khi họ bỏ chúng tại một nơi  nào đó trong thành phố. Không được chăm sóc và chữa trị kịp thời, nhiều động vật quý hiếm đã chết. Chính điều này cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Carlos Gomez nói.