Bảo vệ nhà báo chân chính

ANTĐ - Nghề báo vẫn luôn là một nghề nguy hiểm khi ngày càng có nhiều nhà báo bị sát hại trong lúc tác nghiệp để đưa những thông tin nóng hổi, chân thực nhất đến độc giả khắp thế giới.

Bảo vệ nhà báo chân chính ảnh 1Phóng viên chiến trường James Foley tác nghiệp tại một điểm nóng trước khi rơi vào tay IS

Ngày 2-11, lần đầu tiên LHQ kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống lại những hành động tội ác đối với các nhà báo mà không bị trừng trị. Nhân dịp này, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi thông điệp tới các quốc gia thành viên và giới báo chí để bày tỏ lo ngại trước thực tế: 10 năm qua đã có hơn 700 nhà báo trên thế giới bị sát hại chỉ vì một lý do đơn giản là họ thông tin trung thực cho xã hội biết sự thật họ đang chứng kiến. 

Không chỉ thế, theo người đứng đầu LHQ, trong quãng thời gian trên còn có một lượng lớn hơn các nhà báo bị ngấm ngầm thủ tiêu do đã thực hiện những cuộc điều tra và viết bài phanh phui hoạt động của các băng nhóm tội phạm hay những vụ tham nhũng lớn liên quan tới các quan chức cấp cao. Ông Ban Ki-moon dẫn số liệu thống kê của UNESCO cho biết có tới 90% số vụ sát hại nhằm vào các nhà báo không được điều tra đến cùng, thậm chí không hề được điều tra vì những lý do khác nhau.

Tổng thư ký LHQ lo ngại cho biết, ngày càng có nhiều nhà báo và những người làm việc trong giới truyền thông bị đe dọa vũ lực, kể cả đe dọa mạng sống, trong khi những kẻ ngang nhiên chống lại nhà báo lại không bị trừng phạt thích đáng. Chỉ riêng thống kê tại Iraq đã cho thấy, có tới 17 nhà báo nước này bị sát hại trong năm 2013 song thủ phạm đến nay vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Thực trạng đáng báo động trên được LHQ đưa ra trong bối cảnh liên tiếp diễn ra các “Năm chết chóc với nhà báo” như trong năm 2012 có tổng cộng 141 nhà báo bị sát hại tại 29 quốc gia trên thế giới, tăng 31% so với năm trước đó. Sang năm 2013, ngoài ít nhất 70 nhà báo thiệt mạng khi hoạt động tại các điểm nóng ở Syria, Iraq… thì  Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) cũng tiến hành điều tra hàng chục trường hợp nhà báo bị sát hại do đưa tin liên quan đến tham nhũng, buôn bán ma túy cũng như khoảng 30 nhà báo mất tích sau khi bị bắt cóc tại  Syria.

Hiện chưa có thống kê về số nhà báo tử nạn khi tác nghiệp trong năm 2014 song dư luận toàn thế giới đã phải bàng hoàng chấn động trước các vụ sát hại nhà báo tàn bạo của các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, IS đã liên tiếp tung ra các đoạn video quay cảnh hành hình 2 nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff, những người đã muốn đến để ghi nhận và phản ánh chân thực về cuộc chiến tại các điểm nóng ở Trung Đông với thế giới.

Việc ngày càng có nhiều nhà báo bị sát hại khi tác nghiệp sẽ khiến công chúng có tâm lý hoang mang, lo sợ, không dám đứng lên tố cáo tội phạm hay những hành động tham nhũng, lộng quyền, vi phạm quyền con người, tội ác chiến tranh và các loại tội phạm khác. Vì thế, Tổng thư ký Ban Ki-moon thúc giục các thành viên LHQ thông qua kế hoạch hành động nhằm tạo môi trường an ninh, loại trừ bạo lực và hiểm nguy với nhà báo bởi bảo vệ nhà báo chính là việc làm thiết thực để bảo vệ công lý trên toàn thế giới.