Bảo vệ “lá chắn” của sự sống

ANTĐ - Là khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay song châu Á-Thái Bình Dương cũng lại là nơi đang sản xuất và tiêu thụ lớn nhất các chất phá hoại tầng ozon - tấm “lá chắn” bảo vệ sự sống trên hành tinh.

Châu Á - Thái Bình Dương là nơi sản xuất và tiêu thụ nhiều chất phá hủy tầng ozon nhất

Trong báo cáo công bố ngày 13-4, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhấn mạnh, châu Á-Thái Bình Dương hiện vẫn là khu vực sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới các hoá chất phá hoại tầng ozon (HCFC). Theo UNEP, châu lục này sản xuất tới 85% và tiêu thụ 74% lượng HCFC được sản xuất và tiêu thụ trên toàn cầu.

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Trung Quốc là nước sản xuất, tiêu thụ và cung cấp HCFC lớn nhất thế giới, bất chấp Nghị định thư Montreal về việc loại bỏ dần các HCFC để bảo vệ tầng ozon đã có hiệu lực từ năm 2009. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang sản xuất hầu hết các thiết bị tủ lạnh, điều hòa không khí, thông gió và sưởi ấm, đồng thời cũng là nước có lượng sử dụng HCFC tăng nhanh nhất thế giới.

Báo cáo của UNEP không khỏi khiến thế giới, nhất là các nhà bảo vệ môi trường sống trên Trái đất lo ngại. Bởi cả thế giới đều biết rất rõ rằng việc gìn giữ, bảo vệ tầng ozon - loại khí hiếm trong không khí nằm trên tầng bình lưu khí quyển gần bề mặt Trái đất và tập trung thành một lớp dày ở độ cao từ 16 - 40 km tùy theo vĩ độ - có vai trò sống còn đối với nhân loại. 

Tầng ozon có vai trò ngăn chặn tia cực tím tác động trực tiếp tới con người và các loài sinh vật trên Trái đất. Bức xạ tia cực tím có thể hủy hoại mắt, làm đục thủy tinh thể và phá hoại võng mạc, gây ung thư da, làm tăng các bệnh về đường hô hấp, đồng thời có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của con người và động vật...

Để bảo vệ tầng ozon, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Nghị định thư Montreal, theo đó đặt mục tiêu loại bỏ dần gần 100 chất phá hủy tầng ozon trong thời gian 24 năm. Việc các bên tuân thủ Nghị định thư sẽ giúp cắt giảm sản xuất và tiêu dùng tới hơn 98% các hóa chất phá hoại tầng ozon, giúp tới giữa thế kỷ này phục hồi tấm “lá chắn” bảo vệ sự sống này trở về mức trước năm 1980.

Theo tính toán của UNEP, nếu không có Nghị định thư Montreal và Công ước Vienne nhằm bảo vệ tầng ozon, tác động của các chất phá hoại tầng ozon có thể tăng lên gấp 10 lần vào năm 2050. Hậu quả của nó là sẽ tăng thêm 20 triệu ca ung thư da và thêm 130 triệu người bị bệnh đục nhân mắt, cùng những tác hại không thể dự báo trước đối với hệ miễn dịch của con người, đời sống hoang dã và nông nghiệp.

Chính vì thế, UNEP nhấn mạnh rằng sự tuân thủ của các nước, nhất là đối với các mục tiêu giảm dần sử dụng và tìm các hóa chất khác thay thế HCFC theo Nghị định thư Montreal, quyết định thành công hay thất bại của hiệp định môi trường quốc tế này. Các nước đang phát triển tham gia tiến trình này đã cam kết không tăng lượng sử dụng HCFC từ ngày 1-1-2013 và giảm 10% lượng sử dụng HCFC vào năm 2015.

Nhằm hỗ trợ Trung Quốc thực thi Nghị định thư Montreal, Ban lãnh đạo Ủy ban đa phương thực hiện Nghị định thư này đã cấp không hoàn lại cho Trung Quốc 265 triệu USD để thực hiện giai đoạn đầu tiên của Kế hoạch giảm dần lượng HCFC của nước này. Theo đó, vào năm 2015, Trung Quốc sẽ phải giảm tiêu thụ 3.320 tấn HCFC, tương đương 17% tổng lượng HCFC mà nước này hiện sử dụng.