Báo Nga: Hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

ANTĐ - Trang mạng Tin tức quốc gia (Nga) ngày 9-1 có bài viết cho hay, hôm 2-1, máy bay của Trung Quốc lần đầu tiên hạ cánh xuống đảo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố việc máy bay Trung Quốc hạ cánh trên đường băng do quốc gia này xây dựng trái phép trên bãi bồi nhân tạo đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi thông báo phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động tương tự. 

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc kể trên, khẳng định chiếc máy bay dân sự hạ cánh thử nghiệm trên quần đảo này với mục đích để kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chuẩn của sân bay mới đối với các chuyến bay dân sự.

Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý với gần như toàn bộ vùng Biển Đông, mà qua vùng biển đó, hàng năm lưu thông gần 5 nghìn tỷ USD thương mại thế giới và cũng là nơi mà theo một số báo cáo đã phát hiện trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu khí lớn.

Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, đặc biệt là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo, mà Nhà Trắng cho là để phục vụ các mục đích quân sự của Trung Quốc. Đường băng dài 3.000m mà Trung Quốc xây dựng trái phép có thể đáp ứng không chỉ hàng không dân dụng mà còn cả những máy bay tiêm kích và ném bom của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc thử nghiệm sân bay trên quần đảo Trường Sa đã “kích động leo thang xung đột và đe dọa ổn định trong khu vực”.

Trong bối cảnh việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa đang vô cùng phức tạp, các chuyến bay của Trung Quốc được coi là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, đi ngược lại với quan điểm của các quốc gia trong xung đột là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm 4-1 cho biết: “Mối đe dọa chính hiện nay là việc Trung Quốc sẽ thiết lập quyền kiểm soát trên Biển Đông và ảnh hưởng tới tự do hàng hải và hàng không tại đây”. Cũng giống Việt Nam, Philippines cũng gửi Công hàm phản đối tới Đại sứ Trung Quốc. 

Mặc dù, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trong khu vực, nhưng trên thực tế, các hành động của Trung Quốc đang gây lo ngại cho các quốc gia kế cận.