Bao giờ đại dịch Covid-19 chấm dứt?

ANTD.VN - Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt? Và nó sẽ chấm dứt theo cách nào? - Đó là những câu hỏi mà toàn nhân loại đang đặt ra khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn đang gây ra nỗi khiếp sợ trên toàn cầu.

Bao giờ đại dịch Covid-19 chấm dứt? ảnh 1Tiến sĩ Naomi Rogers (Trường Đại học Yale - Mỹ): “Xác định sự kết thúc của dịch Covid-19 sẽ là một quá trình dài và khó khăn” 

Theo các nhà sử học, các đại dịch thường kết thúc theo 2 cách: 

- Về mặt y tế: Khi mà tỉ lệ tử vong và mắc bệnh giảm. 

- Về mặt xã hội: Khi nỗi sợ về dịch bệnh tan biến đi. 

Nói cách khác, một đại dịch có thể kết thúc không phải vì bệnh đó biến mất mà là khi con người trở nên mệt mỏi với sự sợ hãi bệnh tật và học cách sống chung với nó. 

Nhà sử học Allan Brandt, thuộc trường Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng điều tương tự đang xảy ra với đại dịch Covid-19. “Như những gì chúng ta thấy trong cuộc tranh luận về mở cửa lại nền kinh tế trong mùa đại dịch, nhiều câu hỏi về cái gọi là kết thúc đại dịch lại được quyết định bởi không phải từ dữ liệu y tế và sức khỏe cộng đồng, mà từ quy trình xã hội chính trị học”. 

Những đại dịch khủng khiếp trong quá khứ

Trong 2.000 năm qua, bệnh dịch hạch nhiều lần xảy ra, giết chết hàng triệu người và làm thay đổi cả tiến trình lịch sử. Mỗi lần có dịch bệnh, nỗi sợ hãi lại càng được khuếch đại lên đi kèm với sự bùng phát dịch. 

Các nhà sử học đã ghi lại 3 làn sóng dịch hạch lớn trong lịch sử: 

- Dịch bệnh hạch thời trung cổ vào thế kỷ XIV. 

- Dịch bệnh hạch Justinian vào thế kỷ XVI. 

- Đại dịch bệnh hạch vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Bệnh hạch bắt đầu vào năm 1331 tại Trung Quốc, giết chết một nửa dân số Trung Quốc khi đó. Tiếp đến, bệnh dịch đã di chuyển dọc theo các tuyến thương mại đến châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Từ năm 1347-1351, bệnh dịch này đã giết chết ít nhất 1/3 dân số châu Âu, trong đó có một nửa dân số ở Siena, Italia. “Ngôn ngữ của con người không thể đủ để tả lại sự thật khủng khiếp đó” - nhà sử học Agnolo di Tura viết trong cuốn biên niên sử thế kỷ XIV. Lúc đó, thi thể những người chết vì dịch bệnh cao chất đống, chôn xuống những chiếc hố lớn. Ở Florence, Italia, nhiều người trốn biệt trong nhà nhưng một số khác lại “uống nhiều rượu, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn, hát hò vui vẻ, thỏa mãn mọi thú vui và coi dịch bệnh như một trò đùa” - nhà sử học Giovanni Boccaccio viết. 

“Điều tương tự đang xảy ra với đại dịch Covid-19. Như những gì chúng ta thấy trong cuộc tranh luận về mở cửa lại nền kinh tế trong mùa đại dịch, nhiều câu hỏi về cái gọi là kết thúc đại dịch lại được quyết định bởi không phải từ dữ liệu y tế và sức khỏe cộng đồng, mà từ quy trình xã hội chính trị học”. 

Nhà sử học Allan Brandt (Trường Đại học Harvard - Mỹ)

Đại dịch đó kết thúc, nhưng dịch hạch lại tái diễn. Một trong những đợt bùng phát dịch hạch khủng khiếp nhất là vào năm 1855, tại Trung Quốc và lan ra toàn cầu. Chỉ tính riêng Ấn Độ đã có 12 triệu người chết trong đợt dịch bệnh này. Không rõ điều gì đã khiến bệnh dịch hạch được đẩy lùi và biến mất. Một số học giả cho rằng có thể nhờ thời tiết lạnh đã giết chết bọ chét mang mầm bệnh, sự thay đổi trong những con chuột - vật chủ mang virus gây bệnh, hoặc virus tự tiến hóa ít gây chết người hơn hay con người phòng ngừa bệnh tốt hơn…, song không có giả thuyết nào là hoàn toàn thuyết phục. 

Trong số các bệnh đạt được kết thúc y tế là dịch bệnh đậu mùa. Bởi bệnh này có loại vaccine hiệu quả, giúp bảo vệ suốt đời. Virus bệnh - variola nhỏ - không có vật chủ, vì vậy loại bỏ bệnh ở người có nghĩa là loại bỏ bệnh hoàn toàn. Triệu chứng bệnh rất rõ, đặc trưng, do đó việc kiểm dịch và theo dõi liên lạc rất dễ dàng, hiệu quả. Dù vậy, bệnh đậu mùa cũng gây ra những hậu quả tệ hại.

Bệnh này càn quét trên thế giới ít nhất trong vòng 3.000 năm, giết chết 3/10 người bệnh, gây đau đớn khổ sở cho họ. Năm 1633, dịch bệnh đậu mùa hoành hành ở Mỹ, gây hoảng sợ tột độ. Người cuối cùng mắc bệnh đậu mùa một cách tự nhiên là ông Ali Maow Maalin, một đầu bếp bệnh viện ở Somalia vào năm 1977. Ông này đã khỏi bệnh đậu mùa và chết vì bệnh sốt rét vào năm 2013. 

Đại dịch cúm năm 1918 được coi là một ví dụ về sự tàn phá của đại dịch và giá trị của kiểm dịch và giãn cách xã hội. Trước khi kết thúc, đại dịch này đã giết chết từ 50 triệu đến 100 triệu người trên toàn thế giới. Mọi đối tượng đều có thể là nạn nhân của bệnh này. Từ trẻ tuổi đến trung niên, binh lính thời Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. William Vaughan - bác sĩ nổi tiếng thời đó đã viết: “Virus cúm đã chứng minh sự thấp kém của con người trong cuộc hủy diệt cuộc sống con người”. Sau khi càn quét khắp thế giới, bệnh cúm biến mất và phát triển thành một biến thể của bệnh cúm lành tính hơn, xuất hiện hàng năm. 

Dịch bệnh Ebola, trong nhiều tháng liền vào năm 2014, đã khiến hơn 11 nghìn người ở Tây Phi tử vong và khiến nhiều người châu Âu khiếp sợ.

Sự kết thúc đại dịch Covid-19

Theo các nhà sử học, đại dịch Covid-19 có lẽ sẽ kết thúc xã hội trước khi kết thúc về mặt y tế. Mọi người có thể trở nên mệt mỏi với những hạn chế đến mức họ tuyên bố đại dịch đã qua, ngay cả khi virus vẫn tiếp tục âm ỉ trong dân chúng và trước khi tìm thấy vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả. 

Điều này đã xảy ra khi một số bang ở Mỹ hiện đã dỡ bỏ các hạn chế, cho phép các tiệm làm tóc, làm móng và phòng tập thể dục mở cửa trở lại, bất chấp sự cảnh báo của các quan chức y tế công cộng rằng các bước như vậy là sớm. Khi thảm họa kinh tế tàn phán bởi sự bế tắc dịch bệnh ngày càng lớn, ngày càng nhiều người nói thế là đủ rồi, và họ nhanh chóng trở lại nhịp sống thường ngày của mình.

Thách thức ở đây được đặt ra là, theo Tiến sĩ Naomi Rogers - nhà sử học thuộc trường Đại học Yale (Mỹ), sẽ không có chiến thắng bất ngờ. “Cố gắng xác định sự kết thúc của dịch bệnh này sẽ là một quá trình dài và khó khăn” - Tiến sĩ Rogers khẳng định.