Báo Đức: Nga sẽ "hất văng" Mỹ, nắm giữ chìa khóa hòa bình toàn cầu

ANTĐ - Ngày 12-10, theo tờ báo Der Spiegel của Đức, cuộc nội chiến kéo dài ở Ukraine và việc Nga tiến hành các cuộc không kích tại Syria chính là dấu hiệu báo trước sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Theo đó, sự thống trị của Washington sẽ tàn lụi dần và Moscow sẽ nắm giữ chìa khóa hòa bình trên thế giới. 

Trong giai đoạn 2014-1015, viện cớ Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ vũ khí cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine, phương Tây liên tục kêu gọi các nước trên thế giới cô lập nước này, tuy nhiên, Moscow vẫn giữ vững vị thế của mình, ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ và tránh đụng chạm đến Tổng thống Vladimir Putin.

Phóng viên của Der Spiegel, Matthias Schepp cho biết, Nga không những đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Kiev và lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine mà họ còn thể hiện sức mạnh của mình khi giúp Mỹ cùng với một số nước phương Tây đạt được thỏa thuận hạt nhân quan trọng với Iran.
Báo Đức: Nga sẽ "hất văng" Mỹ, nắm giữ chìa khóa hòa bình toàn cầu ảnh 1Nga tiến hành các cuộc không kích tại Syria

Điển hình là, mới đây Nga đã đưa binh sĩ, vũ khí, máy bay tới Syria để tiến hành kế hoạch tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) và các tổ chức khủng bố khác. Rõ ràng, Moscow đang tự đặt mình làm trung tâm của cuộc xung đột kéo dài khốc liệt nhất hiện nay.

Những động thái này đã khiến Mỹ "hoang mang", phải dịu giọng ngồi vào bàn thảo luận về giải pháp chính trị ở Syria.

Ông Schepp viết: “Moscow nói rằng, trong vài năm qua, không một ai lắng nghe ý kiến của họ, chỉ khi Tổng thống Putin lệnh cho ném vài quả bom, bắn vài quả tên lửa thì phương Tây mới bắt đầu nhìn nhận sự việc một cách nghiêm túc”.

Theo phóng viên Schepp, thay vì cảm thấy sốc và bị đe dọa bởi “chính sách hung hăng của tổng thống Putin”, Mỹ và các nước phương Tây nên chiến lược ôn hòa hơn, hợp tác với Nga giải quyết khủng hoảng kéo dài tại khu vực Trung Đông.

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các quốc gia đã gần như phớt lờ Hiệp định Helsinki, được ký kết bởi hầu hết các nước châu Âu, Nga, Mỹ và Canada sau năm 1975, nhằm ngăn cản chiến tranh lạnh lan rộng và giúp đảm bảo an ninh châu Âu. Kết quả là, cuộc chiến ở Kiev và cuộc chiến tại Syria vẫn còn kéo dài dai dẳng gây mất ổn định an ninh toàn cầu và sự ổn định.

Vì thế, hiện tại EU và Đức đang xem xét kỹ lưỡng vấn đề hiện tại để đưa ra một Hiệp ước Helsinki mới chấm dứt khủng hoảng tại khu vực Trung Đông.