Báo động tình trạng khan hiếm nước và mất an ninh lương thực toàn cầu

ANTD.VN - Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ), 40% dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước, 80% nước thải được đổ thẳng ra môi trường mà không qua xử lý và hơn 90% dịch bệnh có liên quan đến nguồn nước.

Báo động tình trạng khan hiếm nước và mất an ninh lương thực toàn cầu ảnh 1Người dân lấy nước sinh hoạt tại một giếng khơi ở Shahapur, cách Mumbai (Ấn Độ) khoảng 130km về phía Tây Nam

Thực trạng đáng báo động trên được công bố tại buổi lễ phát động “Thập kỷ quốc tế hành động vì Nước” tại Đại hội đồng LHQ do Tổng thư ký Antonio Guterres chủ trì. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Guterres cho hay tới giữa thế kỷ này, nhu cầu đối với nước sạch dự kiến tăng hơn 40% trong khi tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh, càng khiến khan hiếm nước trở thành mối quan ngại sâu sắc.  

Cũng theo báo cáo của LHQ, hiện hơn 2 tỷ người thiếu khả năng tiếp cận nước sạch và hơn 4,5 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Hàng năm, trên thế giới có trên 800.000 người tử vong do nước uống bị nhiễm khuẩn. Các bệnh liên quan đến nước uống không an toàn, vệ sinh kém và các tập quán vệ sinh không đạt chuẩn cướp đi 3,5 triệu sinh mạng mỗi năm tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, lớn hơn tổng số người chết do bệnh HIV/AIDS và tai nạn. Riêng bệnh tiêu chảy mỗi năm cướp đi sinh mạng của 361.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, hóa chất và phân bón từ các nhà máy, trang trại đã gây ra nhiều khu vực chết tại các con sông, hồ, vùng ven biển và ô nhiễm mạch nước ngầm, nhất là tại các nước đang phát triển. 

Việt Nam cũng không ngoại lệ khi tình trạng ô nhiễm nước rất đáng lo ngại. Một nghiên cứu mới đây về nước ngầm tại đồng bằng sông Hồng cho thấy nguồn nước ngầm ở miền bắc Việt Nam bị nhiễm thạch tín và mangan ở mức độ rất cao, gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng. Tạp chí “The National Academy of  Science” trích lời các chuyên gia nghiên cứu cho biết có đến 44% số giếng nước được lấy mẫu tại khu vực đồng bằng sông Hồng bị nhiễm mangan quá mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Có đến 27% số giếng có mức asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Trước thực trạng trên, người đứng đầu LHQ tuyên bố tổ chức này sẵn sàng trợ giúp các quốc gia thúc đẩy đối thoại chính sách, trao đổi những tập quán tốt nhất, nâng cao nhận thức và hình thành các mối quan hệ đối tác. Ông kêu gọi các quốc gia chung tay gây dựng một thế giới bền vững hơn và bắt đầu một thập niên hành động để đảm bảo nước sạch cho sự phát triển bền vững. 

Kế hoạch hành động nêu trên đặt mục tiêu thay đổi cách tiếp cận các nguồn cung nước, hệ thống vệ sinh, quản lý nước và giảm rủi ro dịch bệnh nhằm xử lý tốt hơn tình trạng khan hiếm nước, đấu tranh với tình trạng biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng ứng phó; kết hợp các chương trình, dự án nước và vệ sinh hiện có với chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. 

Một vấn đề toàn cầu cấp bách khác cũng được LHQ và Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo là an ninh lương thực của khoảng 124 triệu người trên thế giới đang bị đe dọa, chủ yếu do xung đột leo thang và hạn hán tại nhiều nơi. 

Báo cáo cảnh báo xung đột và bất ổn sẽ tiếp tục là nhân tố chính thúc đẩy khủng hoảng lương thực trong năm 2018 với khoảng 76 triệu người ở 45 nước, phần lớn tại châu Phi, sẽ cần được hỗ trợ lương thực khẩn cấp. Trong khi đó, tác động từ thời tiết khô hạn đối với sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng tới nguồn thực phẩm tại các khu vực như Somalia, Đông nam Ethiopia và Đông Kenya cũng như các nước thuộc vùng Sahel bao gồm Senegal, Chad, Niger, Mali, Mauritania và Burkina Faso. Báo cáo kêu gọi Chính phủ các nước, các tổ chức và các nhà tài trợ quốc tế nên nỗ lực hết sức để giải quyết xung đột, đảm bảo việc tiếp cận của các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, huy động thêm nguồn lực để ứng phó khẩn và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn chặn nguy cơ tử vong quy mô lớn.