Báo động nạn "chảy máu" tài sản

ANTĐ - Các công dân giàu có của các nền kinh tế mới nổi đang góp phần làm “chảy máu” tài sản quốc gia khi tìm cách giấu khối tài sản khổng lồ hàng nghìn tỷ USD ở nước ngoài qua các “thiên đường trốn thuế”.

Người dân Nigeria biểu tình chống tham nhũng và nạn rửa tiền 

Tax Justice Network (TJN), một tổ chức ở Anh gồm các nhà nghiên cứu và những người phản đối nạn trốn thuế và thiên đường thuế, ngày 9-5 công bố nghiên cứu mới nhất cho biết, dòng vốn chảy khỏi các nước đang phát triển, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang tăng mạnh. Theo TJN, đến cuối năm 2014, đã có hơn 12.000 tỷ USD ồ ạt “chảy” khỏi Nga, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác sang các tài khoản bí mật ở nước ngoài. 

Kết quả nghiên cứu của TJN cho biết, các cá nhân Nga chuyển khoảng 1.300 tỷ USD tài sản ra nước ngoài, trong khi các công dân Trung Quốc có khoảng 1.200 tỷ USD “gửi gắm” tại các “thiên đường trốn thuế”. Malaysia, Thái Lan và Indonesia, những nước có các vụ bê bối tham nhũng lớn trong những năm gần đây, cũng nằm trong số những quốc gia có lượng tài sản “tuồn” ra nước ngoài nhiều nhất.

Trước TJN, Hồ sơ Panama chấn động thế giới do Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố cũng cho thấy, gần 1/3 doanh số của Công ty Mossack Fonseca (công ty có trụ sở ở Panama chuyên giúp khách hàng thành lập các công ty vỏ bọc tại các “thiên đường trốn thuế”) là đến từ Trung Quốc, trong đó có nhiều người nhà của các quan chức cấp cao. Theo đó, trong năm 2015, khoảng 1.000 tỷ USD đã được chuyển khỏi Trung Quốc, khiến dự trữ ngoại hối nước ngày sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Nigeria và Angola, cùng với Brazil và Argentina là những nước có lượng tiền gửi tại các “thiên đường trốn thuế” khá lớn. Các chủ sở hữu số tiền này sẵn sàng chấp nhận khoản tiền lãi nhỏ thay vì đầu tư theo kiểu sinh lời hay góp phần phát triển kinh tế, miễn là họ có thể đảm bảo độ an toàn và bí mật cho tài sản. 

Theo TJN, lượng vốn mà công dân các nước đang phát triển chuyển ra nước ngoài tăng trung bình khoảng 8%/năm kể từ năm 2010 tới cuối năm 2014,  nguyên nhân là một phần do các mối quan ngại liên quan đến sự bất ổn  về kinh tế và chính trị ở trong nước. Nghiên cứu của TJN cũng cho thấy, chỉ cần áp 1% thuế vào khối tài sản được cất giữ tại nước ngoài sẽ mang lại trên 120 tỷ USD mỗi năm, tức xấp xỉ con số 131 tỷ USD tổng ngân sách viện trợ phát triển trên thế giới. 

Phát biểu khi công bố kết quả nghiên cứu, ông James S Henry - Giáo sư trường Đại học Columbia, tác giả của nghiên cứu - cho biết, trốn thuế không phải là động cơ duy nhất để các tổ chức hay cá nhân gửi tiền tại các “thiên đường trốn thuế”. Theo ông Henry, tội phạm hay các tham quan cũng thường sử dụng các "thiên đường thuế" để rửa tiền hoặc "cất giấu" của cải và tiền bạc một cách bí mật và an toàn. 

Nghiên cứu của TJN được công bố vào thời điểm Thủ tướng Anh David Cameron sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh chống tham nhũng toàn cầu tại Thủ đô London vào ngày 12-5 tới. TJN mong muốn tại hội nghị này, Thủ tướng Cameron sẽ thúc đẩy việc đạt được thỏa thuận trong một loạt vấn đề, trong đó có việc áp các quy định cứng rắn hơn đối với các ngân hàng, luật sư và các chuyên gia liên quan đến hoạt động che giấu tài chính, trốn thuế cũng như thắt chặt các quy định về minh bạch tài chính mà các chính trị gia phải tuân thủ.