Báo chí Trung Quốc lật lại lịch sử: Cách mạng văn hóa hoàn toàn sai lầm

ANTĐ - Ngày 17-5, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đăng bài xã luận với tiêu đề “Rút ra bài học lịch sử để phát triển hơn”, trong đó chỉ rõ những sai lầm trong Đại Cách mạng văn hóa 50 năm trước và tuyên bố không cho phép điều tương tự xảy ra.

Hồng vệ binh, lực lượng đàn áp chính trong Cách mạng văn hóa tập hợp trên Quảng trường Thiên An Môn tháng 11-1966

Cuộc “nội loạn cực kỳ nghiêm trọng” 

Bài báo có đoạn: “Cách mạng văn hóa là một phong trào sai lầm xuất phát từ tầng lớp lãnh đạo, bị thế lực phản động lợi dụng, đã gây ra nội loạn cực kỳ nghiêm trọng cho đất nước và nhân dân, dẫn đến nhiều tác hại trên mọi mặt. Lịch sử đã chứng minh rằng “Cách mạng văn hóa” hoàn toàn sai lầm trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, nó không phải và cũng không thể được gọi là một cuộc cách mạng hay tiến bộ xã hội”.

Từ những phân tích đó, bài báo cũng khẳng định lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dám thừa nhận những sai lầm đó bằng thái độ nghiêm khắc, đồng thời kiên quyết sửa chữa và coi đó là một bài học, một tư liệu quý giá trong quá trình lãnh đạo.

Do đó, việc tổng kết và rút ra bài học từ lịch sử là hết sức cần thiết, và người Trung Quốc cần ghi nhớ sâu sắc bài học từ Cách mạng văn hóa, từ đó kiên định đi theo đường lối của đảng, chống lại sự can thiệp tả khuynh hoặc hữu khuynh xung quanh vấn đề này, vừa tránh đi vào con đường phong bế văn hóa như trước đây, vừa tránh không lạc phương hướng, kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc.

Từ đó, bài báo khẳng định Đảng Cộng sản nước này sẽ không cho phép một cuộc cách mạng tương tự diễn ra, đồng thời cảnh báo sẽ chống lại những luận điểm lợi dụng những vấn đề trong Cách mạng văn hóa để phủ nhận tính hợp pháp của Chính phủ hiện tại.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc thừa nhận sai lầm trong Cách mạng văn hóa. Năm 1981, Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức phủ nhận Cách mạng Văn hóa, song đáng nói là từ đó tới nay, cụm từ “Cách mạng văn hóa” vẫn bị coi là nhạy cảm và ít khi được xuất hiện trên báo chí.

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu trách ở Trung Quốc cũng vẫn chưa đưa ra những kết luận thấu đáo về phong trào này. Chính vì vậy, việc Nhân dân nhật báo, tờ báo chính thức của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa bài phân tích nêu trên đúng vào dịp 50 năm Cách mạng văn hóa được khởi xướng được dư luận nước này đánh giá cao.   

Không để tái diễn

Năm 1966, khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, phong trào phê phán trong lĩnh vực hình thái ý thức cũng dần dần phát triển và trở thành phong trào chính trị xã hội. Cách mạng văn hóa, còn gọi là Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản, chính thức bùng nổ khi được Chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng ngày 16-5-1966, với mục tiêu được tuyên bố chính thức là loại bỏ những phần tử “tư sản tự do” để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh của tầng lớp cách mạng.

Ngày 8-8-1966, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua “quyết định liên quan đến Cuộc Cách mạng văn hóa vô sản”, chỉ ra rằng Cuộc Cách mạng văn hóa vô sản là “một cuộc cách mạng lớn thiết lập một giai đoạn mới trong sự phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong nước”.

Những đội quân Hồng vệ binh - gồm thanh thiếu niên được giáo dục tôn sùng Tư tưởng Mao Trạch Đông - bắt đầu sục sạo khắp nơi, đấu tố, tra tấn, phá hoại, cướp bóc, bức tử, thậm chí giết hại cán bộ, đảng viên và cả những người dân thường bị quy là có tư tưởng tư sản hoặc bất đồng chính kiến. Sự thiếu hiểu biết, non kém về trình độ nhưng lại tôn sùng lãnh tụ tới mức cực đoan đã biến Hồng vệ binh thành những kẻ giết người không ghê tay, gây ra những tội ác khó dung.

10 năm sau đó, toàn đất nước Trung Quốc chìm trong hỗn loạn, tổng cộng 1,5 đến 1,8 triệu người bị giết hoặc tự sát, khoảng 20 triệu người, gồm một bộ phận lớn thanh niên trí thức bị đưa về nông thôn lao động cưỡng bức trong nhiều năm. Cách mạng văn hóa cũng gây ra cái chết cho một số lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc như Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Nguyên soái Bành Đức Hoài…; tác động rộng mạnh mẽ và sâu sắc lên mọi mặt của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội ở nước này và làm thiệt hại kinh tế khoảng 500 tỷ NDT (82 tỷ USD). 

Thiệt hại về văn hóa, khoa học và giáo dục còn nặng nề hơn do trí thức bị bức hại, trường học đóng cửa, các cơ sở nghiên cứu bị phá hủy. Đến năm 1982, toàn Trung Quốc có hơn 230 triệu người, tương đương 1/4 dân số, mù chữ. Ngoài ra, cuộc cách mạng cũng làm thay đổi quan niệm xã hội, tư tưởng và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện.

Những hậu quả nặng nề đó đã để lại “di chứng tập thể” trong cả một thế hệ người Trung Quốc, trở thành một ký ức đau thương không thể xóa mờ. Theo lời một chứng nhân lịch sử, vì bài học cực kỳ sâu sắc đó mà “không ai sợ loạn như người Trung Quốc, cũng không ai khát khao sự bình yên hơn người Trung Quốc”. Bởi vậy, người Trung Quốc sẽ không để Cách mạng văn hóa xảy ra lần nữa.