Ban bố tình trạng khẩn cấp tại 2 sân bay Bangkok

(ANTĐ) - Thái Lan đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi bùng nổ vào năm 2005. Cả phe ủng hộ Chính phủ lẫn phe chống đối đều không có dấu hiệu lùi bước: Phiên họp khẩn cấp của Nội các Thái Lan tại Chiang Mai vừa ban bố tình trạng khẩn cấp tại 2 sân bay ở Bangkok thì đoàn người biểu tình lập tức tuyên bố sẽ lập “lá chắn sống” nếu cảnh sát cố tìm cách giải tán họ.

Ban bố tình trạng khẩn cấp tại 2 sân bay Bangkok

(ANTĐ) - Thái Lan đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi bùng nổ vào năm 2005. Cả phe ủng hộ Chính phủ lẫn phe chống đối đều không có dấu hiệu lùi bước: Phiên họp khẩn cấp của Nội các Thái Lan tại Chiang Mai vừa ban bố tình trạng khẩn cấp tại 2 sân bay ở Bangkok thì đoàn người biểu tình lập tức tuyên bố sẽ lập “lá chắn sống” nếu cảnh sát cố tìm cách giải tán họ.

Thủ đô không có đường hàng không

Các ngả đường dẫn vào các nhà ga ở Dong Muang đều bị người biểu tình phong tỏa ảnh: AFP
Các ngả đường dẫn vào các nhà ga ở Dong Muang đều bị người biểu tình phong tỏa  ảnh: AFP

Ngày 27-11, sân bay nội địa Don Muang của Bangkok, chung số phận với phi trường quốc tế Suvarnabhumi, bị đóng cửa do biểu tình chống Chính phủ, khiến toàn bộ hoạt động bằng đường không của Thủ đô Thái Lan tê liệt.

Trước đó, phi trường quốc tế chính của Thủ đô Bangkok là Suvarnabhumi hoàn toàn tê liệt sau khi hàng chục nghìn người thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) kéo đến bao vây nhằm gây áp lực buộc Chính phủ giải tán. Hàng nghìn du khách nước ngoài đã bị mắc kẹt tại Bangkok khi sân bay Suvarnabhumi phải hủy bỏ hơn 400 chuyến bay.

Sau khi 2 sân bay ở Bangkok bị đóng cửa, Cục trưởng Cục Hàng không Thái Lan Chaisak Angkasuwan cho biết, Thái Lan đã đề nghị các hãng hàng không lựa chọn căn cứ không quân của Hải quân Thái Lan ở vùng biển phía Đông để thực hiện các chuyến bay.

Sân bay U-Tapao có một đường băng, nằm cách Bangkok 148km về phía Đông Nam. Ông Chaisak khẳng định nếu bất kỳ hãng hàng không nào muốn hạ cánh hoặc cất cánh từ sân bay U-Tapao, chỉ việc gửi yêu cầu và Thái Lan sẽ ngay lập tức đáp ứng.

Cùng ngày, Bộ Du lịch Thái Lan tuyên bố sẽ bắt đầu sơ tán hàng nghìn khách du lịch bị mắc kẹt trong vòng 48 giờ tới. Những du khách có “nhu cầu khẩn cấp” sẽ được đưa đến căn cứ U-Tapao hoặc căn cứ không quân tại Kamphaeng Saen ở ngoại ô Bangkok.

 Sau đó, họ sẽ được máy bay của Hàng không Thái Lan đưa đến Singapore hoặc Malaysia để bay tiếp đến nơi họ cần. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ xem xét sử dụng xe buýt và tàu hỏa để vận chuyển khách du lịch đến những sân bay khác ở Thái Lan tại Phuket và Chiang Mai.

Chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp

Chiều 27-11, Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Muang ở Thủ đô Bangkok, nhằm lập lại trật tự tại 2 sân bay này. Luật tình trạng khẩn cấp Thái Lan cấm mọi cuộc tụ họp quá 5 người, đồng thời cho phép quân đội huy động lực lượng để kiểm soát đường phố. Như vậy, cảnh sát sẽ được tăng cường tới đây để duy trì an ninh trật tự.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp Nội các khẩn cấp tại Chiang Mai, do Thủ tướng Somchai Wongsawat không trở về được Bangkok. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động cùng với lực lượng thân Chính phủ để bảo vệ cuộc họp. Cũng trong ngày 27-11, chiếc máy bay C-130 của quân đội Thái Lan chở một số Bộ trưởng đến Chiang Mai họp đã phải hạ cánh khẩn cấp tại một căn cứ không quân do trục trặc kỹ thuật. Các Bộ trưởng đã phải chuyển sang một chiếc máy bay khác.

Cùng ngày, Hãng hàng không Thái Lan cho biết, sân bay Suvarnabhumi sẽ phải đóng cửa ít nhất đến 18h ngày 29-11, sân bay Don Muang sẽ đóng cửa đến 18h ngày 28-11. Trong khi đó, lực lượng biểu tình chống Chính phủ tuyên bố sẽ không rời khỏi 2 sân bay này và sẽ đưa người ra làm “lá chắn sống” nếu cảnh sát cố tìm cách giải tán họ.

Giữa lúc có tin đồn đảo chính, tuyên bố trên Đài Phát thanh quốc gia ngày hôm qua, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, ông Nattawut Saikuar cho biết Chính phủ đã đề nghị quân đội “án binh bất động”. Các binh sĩ được yêu cầu giữ nguyên vị trí (trong doanh trại) và thực hiện nhiệm vụ của mình như bình thường, không tham gia vào cuộc khủng hoảng hiện nay.

Do những diễn biến ngày càng phức tạp tại Thủ đô Bangkok, Ngoại trưởng Thái Lan Sompong Amornwiwat cho biết Chính phủ đang cân nhắc việc hoãn Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN). Trước đó, lãnh đạo 10 nước ASEAN, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, dự kiến nhóm họp từ ngày 15 đến 18-12 tại Chiang Mai (thay vì Bangkok như dự kiến ban đầu).

Phản ứng của thế giới về biến động trên chính trường Thái Lan

Nhiều quốc gia trên thế giới cảnh báo công dân của mình không nên tới Thái Lan - một quốc gia mà người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Anthony Golez gọi là thiếu “tính trưởng thành về mặt chính trị”. Giải thích cho nhận xét được đưa ra liên quan đến việc chiếm giữ sân bay quốc tế Suvarnabhumi, ông Anthony Golez cho biết: “Người dân đạt tới độ trưởng thành về chính trị cao khi mà họ tôn trọng quy trình và luật pháp”.

Trung Quốc, Pháp, New Zealand, Singapore, Anh, Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng đã cảnh báo về tính nguy hiểm cho các công dân nước mình. Đại sứ quán Mỹ khuyên công dân Mỹ tránh xa khỏi khu vực sân bay có thể xảy ra biểu tình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong khu vực phụ cận liên quan đến biểu tình. Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã phối hợp với chính quyền Thái Lan giúp đỡ du khách bị kẹt tại nhà ga của sân bay Suvarnabhumi.

Trong khi website của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan phát đi cảnh báo công dân Trung Quốc nếu có ý định đến du lịch Thái Lan nên hoãn kế hoạch thì Bộ Ngoại giao Pháp cũng gợi ý nếu ai đã đăng ký đi du lịch Bangkok nên chuyển sang địa điểm khác. Bộ Ngoại giao New Zealand khuyên các hành khách bị kẹt lại trên đất Thái Lan nên ở cùng với các nhóm du lịch khác, ở gần các khu vực ra thông báo và làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Yến Chi

(Theo Nation)

Hải Yến (Tổng hợp)