Bài học từ đại dịch virus Corona

ANTD.VN - Dù dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra vẫn đang hoành hành và chưa đạt đến đỉnh điểm, nhưng thế giới cũng đã có thể rút ra bài học từ căn bệnh đang tạo những cơn rối loạn khắp toàn cầu.

Bài học từ đại dịch virus Corona ảnh 1Các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tạo ra vaccine phòng ngừa virus Corona

Theo ông Zhong Nanshan, người đứng đầu một nhóm chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu virus Corona, có thể phải 1 tuần hoặc 10 ngày nữa, dịch bệnh này mới đạt đến đỉnh điểm. Nhưng trước sự lây lan nhanh chóng của virus Corona khiến hơn 9.000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu, trong đó hơn 200 người đã thiệt mạng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.

Đây không phải là lần đầu tiên, thế giới phải đối mặt với một loại dịch bệnh nguy hiểm như vậy. 17 năm trước đây, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) - “đại dịch đầu tiên của thế kỷ XXI” xuất phát từ Quảng Đông (Trung Quốc) đã lan rộng tới 29 quốc gia, khiến 8.098 nhiễm bệnh và 774 người thiệt mạng. Năm 2014, cả khu vực Tây Phi cũng từng hỗn loạn bởi dịch sốt xuất huyết Ebola, căn bệnh khiến 3.439 người thiệt mạng.

Thực tế đó nhắc nhở nhân loại nói chung và mỗi nước nói riêng rằng, đại dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đúng là ngày nay, thế giới đã có sự chuẩn bị từ sớm và từ xa, cũng như có điều kiện tốt hơn trước rất nhiều, nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ sức để ngăn chặn các đại dịch bùng phát. Vì thế, chúng ta không có cách nào khác là phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.

Không những thế, trong xu thế toàn cầu hóa, khi biên giới tự nhiên trở nên vô hình trước sự giao lưu, dịch chuyển, liên kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, sự lây lan của dịch bệnh cũng nhanh hơn nhiều. Chưa đầy một tháng, hơn 5 triệu người đã di chuyển qua thành phố Vũ Hãn, nơi khởi phát của dịch viêm phổi do virus Corona - đó là lý do khiến dịch bệnh này nhanh chóng lan khắp các châu lục trên toàn cầu. 

Sự phụ thuộc lẫn nhau trong xu thế toàn cầu hóa đem lại những lợi ích vô cùng lớn, nhưng cũng chính sự phụ thuộc này lại tạo ra những thách thức bất ngờ, những tác động tiêu cực mà không ai có thể đứng ngoài. Các nhà kinh tế dự báo, ảnh hưởng kinh tế của dịch bệnh viêm phổi do virus Corona sẽ tồi tệ hơn so với Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell thì nhận định dịch bệnh viêm phổi do virus Corona là mối đe dọa mới với nền kinh tế toàn cầu vốn đang khởi sắc.     

Vấn đề là ở chỗ so với năm 2002, khi dịch SARS bùng phát, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đã lớn gấp 8 lần. Nước này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế châu Á một số nước Mỹ Latin và châu Phi, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Một khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tụt giảm do tác động của dịch bệnh viêm phổi do virus Corona, kinh tế thế giới sẽ có nguy cơ lao dốc theo.

Không thể vì nguy cơ của dịch bệnh virus Corona mà áp dụng các biện pháp hành chính như hạn chế đi lại tự do của con người hay thông thương hàng hóa trong thời gian dài. Đây chỉ có thể là biện pháp nhất thời chứ không thể kéo dài bởi nó sẽ dẫn đến sự tê liệt của các nền kinh tế. Thách thức này là điều mà thế giới phải tìm câu trả lời nhằm giải quyết vấn đề đại dịch bệnh trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, có điều rõ ràng rằng, dịch viêm phổi cấp do virus Corona đã mang tính toàn cầu, thì nỗ lực đối phó đương nhiên cũng phải có tính toàn cầu. Đòi hỏi này càng có tính cấp thiết bởi tốc độ lây lan của dịch bệnh lần này nhanh hơn rất nhiều so với dịch SARS trước đây. Chỉ trong vòng 1 tháng, số ca nhiễm virus corona đã vượt qua số ca nhiễm SARS giai đoạn 2002-2003.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban hành là lời cảnh báo nhưng cũng là lời kêu gọi chung với cả cộng đồng trong cuộc chiến với dịch bệnh nguy hiểm viêm phổi cấp. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, có hai chìa khóa để khắc phục dịch: Phát hiện sớm và cách ly sớm. Đây là những phương pháp nguyên thủy và hiệu quả nhất.

Cuối cùng, bên cạnh nỗ lực của các Chính phủ, mỗi người dân phải cùng chung tay đối phó với dịch bệnh. “Cuộc chiến” này còn lâu dài bởi theo các nhà khoa học, phải 3 tháng nữa, loại vaccine ngừa chủng virus Corona mới có thể đưa vào thử nghiệm trên người.