Bài học đau xót của nữ Thị trưởng Guayaquil, nơi thảm thương vì Covid-19

ANTD.VN - “Giống như thể chúng tôi chịu quả bom rơi xuống Hiroshima vậy. Đó là sự kinh hoàng, người chết trên đường phố, chết trong nhà, chết bên ngoài bệnh viện” - bà Cynthia Viteri, Thị trưởng Guayaquil, thành phố tâm dịch của Ecuador và là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại Mỹ Latinh chia sẻ.

Bà Viteri, luật sư 54 tuổi và cựu ứng cử viên Tổng thống Ecuador cho biết, hàng nghìn cư dân đã tử vong trong những tuần gần đây. Đại dịch đến với họ giống như một quả bom nguyên tử bất ngờ nổ giữa thị trấn yên bình.

Bài học đau xót của nữ Thị trưởng Guayaquil, nơi thảm thương vì Covid-19 ảnh 1Thị trưởng Cynthia Viteri đi cùng chương trình tiếp cận sức khỏe tới từng nhà dân ở Guayaquil trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát

Số ca tử vong không thể tưởng tượng

Hiện chưa có thống kê chính xác về quy mô thảm kịch ở thành phố Guayaquil thuộc tỉnh Guayas. Chỉ biết rằng, số nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 ở đây vượt xa con số tử vong chính thức trên toàn Ecuador là 507 người. Thị trưởng Viteri cho biết, các số liệu thu thập độc lập từ các nghĩa trang cho thấy, riêng số ca tử vong ở Guayaquil có thể vượt quá 8.000 người. Chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 4-2020, hơn 5.000 người đã chết vì Covid-19 tại thành phố có 3 triệu dân này. Đây cũng là trung tâm thương mại chính của Ecuador. Theo dữ liệu chính thức công bố tuần trước, kể từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4-2020, số người chết trên toàn tỉnh Guayas đã nhảy vọt từ mức 3.000 lên gần 11.000.

Nữ thị trưởng Viteri cũng từng bị nhiễm Covid-19 phải cách ly và nay đã hồi phục. 3 tuần sau sự sụp đổ của các dịch vụ y tế và nhà xác ở thành phố Guayaquil đã tạo nên cảnh tượng gây chấn động thế giới. Bà Viteri tuyên bố, nhà chức trách đang lấy lại quyền kiểm soát và đang chiến đấu hết sức quyết liệt. Các binh sĩ, cảnh sát đã được triển khai quanh các khu dân cư bị nhiễm virus, thực thi các biện pháp phong tỏa chặt chẽ.

Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm gồm các y bác sĩ, lính cứu hỏa và viên chức thành phố rà soát từng khu dân cư để khử trùng, tìm kiếm các trường hợp nghi nhiễm. Nhà chức trách cũng đã lập một đội đặc nhiệm thu thập xác chết và phát quan tài bằng bìa cứng cho các gia đình có người chết. Họ đang xây dựng thêm 2 nghĩa trang, ngoài ra còn có 2 nghĩa trang khác do chính quyền trung ương xây dựng trong bối cảnh các bệnh viện tiếp tục bị quá tải bệnh nhân. 

Bài học đau đớn và đắt giá

Các chuyên gia cho biết, một lý do khiến số lượng ca nhiễm Covid-19 ở Guayaquil cao là do mức độ lưu thông hàng không cao với Tây Ban Nha, nơi có số người chết cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Italia. Tây Ban Nha đã có hơn 21.000 người thiệt mạng, đây là nơi cư trú của hơn 400.000 người di cư Ecuador. Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở Ecuador là một phụ nữ 71 tuổi bay từ Madrid về Guayaquil vào giữa tháng 2 rồi qua đời hôm 13-3.

Ngoài ra, thất bại trong việc thực thi đúng về giãn cách xã hội trong vài tuần sau khi dịch bắt đầu lây lan tại đây cũng là một nguyên nhân. Tuần trước, ông Luiz Inácio Lula da Silva - cựu Tổng thống Brazil nói rằng, ông lo ngại thời gian tới  nơi nào đó của Brazil có thể sẽ phải trải qua cảnh tượng khủng khiếp tương tự Guayaquil. Bởi các thành phố lớn như Rio de Janeiro hay São Paulo đang không thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội và phong tỏa.

Nữ Thị trưởng Viteri cho biết, bà hy vọng các nhà lãnh đạo của các quốc gia và thành phố khác ở Mỹ Latinh có thể rút ra bài học đắt giá từ thảm kịch ở thành phố của mình. “Bất kỳ quốc gia nào từ trước đến nay không áp dụng được biện pháp cách ly chặt, nên nhìn vào gương của chúng tôi và áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay lập tức. Nếu nói về một bài học mà Guayaquil có thể để lại cho thế giới, đó là một bài học đau đớn. Đừng bỏ chạy khỏi dịch bệnh này mà hãy đuổi theo nó, gõ cửa và cứu từng người trước khi virus xâm nhập vào phổi của họ” - bà Viteri nói.